Môi giới “đánh sóng” thị trường bằng thông tin quy hoạch, tung tin doanh nghiệp về làm dự án lớn
Để tạo sóng, môi giới sẽ sử dụng thông tin quy hoạch hoặc thông tin dự án lớn đang chuẩn bị triển khai. Với chiêu thức này, môi giới có thể dễ dàng kiếm chênh nhờ làn sóng nhà đầu tư đổ bộ ồ ạt.
Sốt đất vì thông tin quy hoạch, dự án mới đổ bộ
Đầu năm 2021, thị trường bất động sản gọi tên Đông Anh khi giá đất nơi đây được môi giới chia sẻ tăng mạnh chỉ trong 1 tuần, thậm chí trong 1 ngày. Có mảnh đất hôm nay nhà đầu tư vào hỏi chỉ 1 tỷ nhưng lăn tăn suy nghĩ xem nên mua hay không, hôm sau giá tăng thêm 100-200 triệu đồng.
Nguyên nhân cơn sốt đất Đông Anh thời điểm đó là do thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được công bố sẽ phê duyệt vào tháng 6. Đó cũng là lý do khiến đất Đông Anh ghi nhận có một số nơi tăng tới 70 triệu đồng/m2, tương đượng với lô đất đẹp ở trong khu vực nội thành Hà Nội. Song, khoảng 1 tháng sau thị trường bất động sản Đông Anh dần nguội lạnh.
Mới đây nhất, kể từ sau khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 cơ bản được kiểm soát, Cam Lâm (Khánh Hoà) trở thành cái tên được các nhà đầu tư đang tìm kiếm. Theo một nhà đầu tư chia sẻ, khu vực này đang rộ lên thông tin Vingroup về làm dự án nên đất mới sốt lên rầm rập.
Ngoài ra, một môi giới cho biết, trong tháng 10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương cho phép một số tập đoàn lớn nghiên cứu, đề xuất đầu tư nhiều dự án với quy mô hàng nghìn hecta tại Cam Lâm.
Đó là thông tin tích cực để môi giới dựa vào thông tin này quảng cáo dự án và tiềm năng sinh lời của các lô đất nền. Nhờ thông tin này mà chỉ trong thời gian ngắn, giá đất Cam Lâm tăng 10-20% và tăng 30-40% so với thời điểm trước Tết năm 2021.
Đất Cam Lâm tăng giá chỉ trong khoảng 10 ngày.
Sốt đất ở Đông Anh (Hà Nội và Cam Lâm (Khánh Hoà) chỉ là 2 trong rất nhiều vụ sốt đất khác tại các tỉnh thành. Điểm chung của cơn sốt đất này diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó lại rơi vào tình trạng trầm lắng. Và "từ khoá" để tạo nên sức nóng của thị trường nơi đây chính là thông tin tốt về quy hoạch và sự xuất hiện của dự án lớn.
Bài cũ kích sóng của môi giới
"Chiêu thức tạo sóng trên thị trường địa ốc, chỉ bằng thông tin quy hoạch, dự án lớn về rồi môi giới cọc với nhau dù đã cũ nhưng vẫn còn hiệu quả trên thị trường địa ốc hiện nay. Nhóm lướt sóng từ đầu sẽ "hưởng trọn" khoản chênh giá lớn. Chỉ còn những nhà đầu tư lơ mơ, lao vội vào cơn sốt khi giá tăng cao", anh P.N, một nhà đầu tư lâu năm đến từ Đà Nẵng thẳng thắn phân tích.
Nhà đầu tư này còn cho rằng: "Thực tế khó trách đội ngũ môi giới. Nếu thị trường quá lặng, họ không thể kiếm tiền chênh. Thế nên, họ buộc phải tạo sóng để kiếm tiền. Đó là đặc tính của thị trường. Quan trọng nhất ai là người thắng, ai là người thua".
Trong khi đó, ông Phan Việt Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho hay, chiêu trò phổ biến nhất hiện nay của các sàn môi giới bất động sản là lợi dụng thông tin xúc tiến đầu tư của các tập đoàn lớn sắp triển khai dự án vào địa phương để tạo sóng bán hàng. Theo ông, chiêu trò tạo sốt đất này để lại hậu quả nặng nề cho người dân, nhà đầu tư ôm hàng bị chôn vốn và đối với cả chính quyền trong thu hút đầu tư.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, những nhà đầu tư khi xuống tiền mua bất động sản ở một số khu vực đều muốn có lãi, sản phẩm thanh khoản tốt nhưng sau đó khi sóng qua đi, không thanh khoản được, tìm cách "cắt lỗ" nên lâm vào tình cảnh khá thê thảm.
Thế nên khi các khu vực này chỉ xuất hiện chút thông tin liên quan đến quy hoạch, một số nhà đầu tư sẽ lợi dung để kích sóng và tạo sóng mới trong khi bản chất thông tin là cũ. Những nhà đầu tư lẻ tẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa bị va vấp sẽ dính vào cơn sốt.
Chia sẻ với báo chí, ông Đính nhấn mạnh: "Thực tế, bất động sản chỉ tạo ra giá trị thật khi có đầu tư thật, khi người dân về sinh sống ở thực nên các vùng ven, huyện ngoại thành muốn lên thành phố phải được đầu tư hệ thống đường, kỹ thuật, hạ tầng về văn hóa – xã hội, dịch vụ, thương mại, thể thao, vui chơi – giải trí,… lúc đó mới tạo ra giá trị bất động sản thực, đô thị thực".