Môi giới ngỏ lời mời nhà đầu tư lâu năm mua bất động sản: “Tôi còn đang mắc kẹt chưa bán được, cứu mình không biết nổi, tiền đâu mà mua ngộp”
Khi môi giới chia sẻ: “Cố gắng gồng qua giai đoạn này chắc ổn”. Nhà đầu tư đáp: “Biết là vậy, mà không biết gồng được đến bao giờ thôi…”.
Mới đây, một môi giới khu Đông Tp.HCM chia sẻ câu chuyện khi ngỏ lời mời nhà đầu tư quen thân mua bất động sản ngộp. Trước đây, khi môi giới đưa ra nguồn hàng giá tốt, nhà đầu tư này sẽ hào hứng và tìm hiểu xuống tiền. Hiện tại, nhà đầu tư lại từ chối rất “thảm”.
Được biết, nhà đầu tư này hiện đang sở hữu nhiều bất động sản, từ đất nền, nhà phố đến căn hộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây “mắc kẹt” do không bán được. Thậm chí các bất động sản rao bán giảm giá từ 20-30% vẫn không ai hỏi.
Nghĩ rằng, nhà đầu tư có dòng tài chính ổn, vì trước đến nay thường xuyên mua – bán rất tốt, môi giới ngỏ lời mời một số bất động sản đang ngộp giá tại quận 9. Thế nhưng, câu trả lời môi giới nhận lại là: “Tôi còn đang mắc kẹt chưa bán được, cứu mình không biết nỗi không nữa, tiền đâu mà mua ngộp”.
Cũng theo môi giới này, nhà đầu tư còn than vãn: “Giờ cố gắng gồng chờ thị trường ổn, hi vọng còn sống nổi đến khi thị trường phục hồi”.
Mới đây, gặp một nhà đầu tư có gần 10 năm trong đầu tư bất động sản. Hiện anh M, sống tại Q.7, Tp.HCM nhưng đang sở hữu nhiều bất động sản tại khu vực Q.9 và Đồng Nai. Trong tháng 2/2023, anh M rao bán nền đất thổ cư tại P.Long Trường, quận 9 để giải quyết việc đáo hạn ngân hàng và có thêm khoản chi phí để chờ thị trường. Thế nhưng, đến nay nền đất diện tích gần 60m2 của anh vẫn chưa ai hỏi mua.
Hiện tại, anh M rao tiếp một số nền đất tại Đồng Nai và căn nhà trong khu đô thị thuộc quận 9 nhưng vẫn khó bán. Dù không tiết lộ rõ tình hình tài chính cá nhân nhưng theo cách nhà đầu tư này chia sẻ, hiện anh khá khó khăn vì “mắc kẹt” tài sản không bán được. Dù nhận thấy nhiều bất động sản rao ngộp, cũng muốn bán một số tài sản ở xa để mua bất động sản tiềm năng hơn. Tuy nhiên, theo anh M không dễ thanh khoản lúc này.
Trước đó, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, ít nhất 50% nhà đầu tư đang mắc kẹt vào thời điểm này. Không ít nhà đầu tư đã lỡ vay ngân hàng để mua bất động sản, giờ đang ở giữa chặng đường thì ngân hàng siết cho vay, nếu không xoay được vốn họ buộc phải “xả hàng”. Theo bà Dung, hiện không ít nhà đầu tư không thể bán được hàng, thậm chí bán dưới giá đã mua.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động cũng cho rằng, tình trạng nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong việc vay vốn đầu tư bất động sản hoặc không bán được là khá phổ biến hiện nay.
Theo ông Quang, xu thế chung của thị trường là trầm lắng, càng khó khăn với bất động sản xa trung tâm hay sản phẩm hình thành trong tương lai. Ngay cả khi nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ, thanh khoản vẫn kém.
Với những nhà đầu tư mua bất động sản dự án, hết thời gian ân hạn, nhiều nhà đầu tư phải trả lãi suất lên tới 12-14%/năm, áp lực rất lớn.
Vị này cho hay, các nhà đầu tư “mắc kẹt" về vốn nên tìm cách cắt lỗ thay vì xoay xở bằng mọi cách. Bởi thị trường sẽ còn trầm lắng trong khoảng thời gian dài. Việc "gồng" quá sức sẽ khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nhiều hơn.
Tuy vậy, ông Quang cũng thừa nhận, sau nhiều đợt sốt nóng, nhà đầu tư mua vào với mức giá quá cao. Do vậy, khi cắt lỗ, thị trường vẫn khó hấp thụ.
Ông dự báo, cuối năm nay và đầu năm sau thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, trầm lắng, giao dịch chững lại, xu hướng giảm giá mạnh nhất sẽ xuất hiện ở những vùng xa trung tâm.
Nhịp sống thị trường