Môi giới tiết lộ chuyện "được và mất" khi lột xác thành chủ đầu tư
Trong cuộc trò chuyện riêng với DĐDN mới đây, ông Nguyễn Văn Công - Tổng Giám đốc Danko Group tiết lộ, quý III/2017 sẽ là bước ngoặt quan trọng của Danko khi doanh nghiệp trực tiếp đứng ra đầu tư một số dự án bất động sản trung cấp tại Hà Nội.
Quá trình làm môi giới giúp các chủ đầu tư đánh giá đúng thị trường, hiểu được nhu cầu khách hàng
Cơ hội từ… mồ hôi
Danko Group chính thức gia nhập thị trường phân phối chung cư từ tháng 7/2016. Dù mới nhưng Danko Group đã chứng tỏ được tiềm lực khi thuyết phục được đối tác là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng (ICID) cùng phát triển Dự án ICID Complex gồm 646 căn hộ chung cư với số vốn đầu tư 728 tỷ đồng. Cùng đó, Danko còn được nhiều người biết đến khi tham gia phân phối thành công nhiều dự án bất động sản lớn như: FLC Sầm Sơn, FLC Star Tower, Goldmark City, Euro Window River Park, Tứ Hiệp Plaza, Rivera Park…
Chuyện môi giới nhảy sang làm chủ đầu tư không mới nhưng thực sự nóng trên thị trường bất động sản thời gian gần đây.
Cách đây 1 tháng, G5 – đơn vị hợp lực của các sàn giao dịch bất động sản uy tín là Đất Xanh Miền Bắc, Maxland, Asiareal và DTJ đã chính thức công bố đầu tư dự án mang tên Tây Hồ Riverview. Dự án được ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch Liên minh G5 khẳng định sẽ đặt toàn bộ tâm huyết vào sản phẩm.
Chuyển hướng sớm hơn G5, Danko, từ đầu năm 2015, CenInvest đã tham gia đầu tư nhiều dự án tại Hà Nội như: Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, phát triển 4 tòa chung cư dự án FLC Garden City - Đại Mỗ, Dự án The Golden Palm - Lê Văn Lương… Không chỉ ở Hà Nội, đơn vị này còn khẳng định hướng đi đúng của mình bằng các dự án tại một số tỉnh trên cả nước.
Bằng chứng là có mặt tại lễ mở bán dự án tại Quảng Nam mới đây phóng viên không khỏi bất ngờ khi có quá nhiều khách hàng đến tham dự. Ngay trong phiên mở bán đầu tiên, 50/50 sản phẩm được chủ đầu tư tung ra đợt đầu được khách hàng tranh nhau đặt mua. Thậm chí, có sự mua đi bán lại ngay tại lễ mở bán cho thấy sức nóng khủng khiếp từ phía khách hàng.
Lúc này, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group mới tiết lộ: “Quá trình làm môi giới bất động sản đã cho chúng tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, chúng tôi đánh giá được thị trường, hiểu được nhu cầu của khách hàng, do vậy sản phẩm chúng tôi hướng tới cũng đánh trúng vào nhu cầu khách hàng. Đây là những kinh nghiệm rất quý báu mà không phải chủ đầu tư nào cũng có được”.
Và những thách thức
Ông Hưng cũng chia sẻ, khi đứng ra làm chủ đầu tư thì công thức của các công ty môi giới khá giống nhau là mua dự án từng là xác chết khi thị trường bất động sản khủng hoảng bởi hầu hết các dự án “đắp chiếu” đều có pháp lý hoàn chỉnh, có giấy phép xây dựng để phát triển dự án bài bản, việc mua lại những dự án này cũng là một liệu pháp giúp tăng tính thanh khoản của thị trường, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, phần lớn các dự án bị đắp chiếu đều nằm tại các vị trí đẹp, quỹ đất lớn, cận kề trung tâm, có hạ tầng dân sinh phát triển. Do vậy, chủ đầu tư phải tận dụng cơ hội để phát triển sản phẩm ngay.
Đánh giá về hướng đi của các công ty môi giới, ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng: "Đây là những nhân tố mới góp phần cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản giai đoạn tới, đồng thời sẽ giúp thị trường hồi phục trở lại, giải phóng hàng tồn kho. Với tầm nhìn nhiều cơ hội và tiềm năng, xu hướng này sẽ tiếp tục là một hình thức mà nhiều công ty môi giới sẽ dùng để tham gia vào thị trường thời gian tới”.
Tuy nhiên, tiết lộ với DĐDN, GĐ một công ty môi giới đã từng thất bại khi chuyển hướng sang làm chủ đầu tư (xin được giấu tên) cho rằng, việc chuyển hướng từ môi giới thành chủ đầu tư là một mô hình khép kín cho phép công ty hưởng trọn được lợi nhuận các khâu đồng thời kiểm soát được tiến độ và chất lượng công trình, đảm bảo cam kết với khách hàng. Tuy nhiên, việc hoàn thiện mô hình này không hề dễ.
“Thách thức lớn nhất của mô hình này nằm ở yếu tố con người và trình độ quản lý dự án, lập kế hoạch tài chính. Tham gia vào toàn bộ các khâu đòi hỏi phải làm tốt ở mọi khâu mới đạt được kết quả cuối cùng, bởi bất kỳ lỗi xảy ra ở khâu nào cũng đều sẽ ảnh hưởng đến các khâu còn lại. Ngoài ra, khi đã tham gia đầu tư thì nhu cầu về vốn lớn, do đó cần có khả năng huy động vốn và quản lý dòng tiền hiệu quả” –vị GĐ này cho biết.
Đồng quan điểm trên, ông Hưng thừa nhận, hầu hết các nhà môi giới muốn trở thành chủ đầu tư đều gặp khó khăn về vốn. “Nếu không có những “bệ đỡ” là giới tài phiệt, môi giới thường phải tích lũy tài chính từ 10 – 20 năm mới đủ tiềm lực để đứng ra ở riêng. Do vậy trước mắt họ chỉ nên hợp tác với các nhà phát triển dự án, tích lũy tài chính chờ cơ hội đến” – ông Hưng đưa ra lời khuyên.
Diễn đàn doanh nghiệp