Mối lo thất nghiệp trên diễn đàn Quốc hội
Từ khóa “thất nghiệp” không xuất hiện trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 của Tổng cục Thống kê, nhưng là mối quan tâm nổi bật trên diễn đàn Quốc hội.
- 19-05-2020Số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Khánh Hoà tăng vọt
- 19-05-2020Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: Thật ra mua doanh nghiệp lúc này rất rẻ nhưng chúng tôi không làm vì thất đức!
- 15-05-2020Hơn 36 triệu người ở Mỹ đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp do Covid-19
Ngày 29/5, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2020. Đây là tháng đầu tiên nền kinh tế trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, song từ khóa "thất nghiệp" không có trong báo cáo này để cập nhật tình hình.
Dù vậy, Tổng cục Thống kê cho biết, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2020 đã tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước, nhưng giảm 1,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,2%).
Hoặc ở miếng ghép khác cho thấy, 5 tháng đầu năm, cả nước có 48,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 557,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 407,2 nghìn lao động, giảm 10,5% về số doanh nghiệp, giảm 16,7% về vốn đăng ký và giảm 24,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Về tổng thể, như BizLIVE phản ánh ở bài viết trước , Tổng cục Thống kê cũng vừa có kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, với gần 22% lao động bị mất việc làm tính đến cuối quý I/2020…
Còn trên diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, thất nghiệp đang là một vấn đề nổi bật.
Năm 2020, Quốc hội đã xác định chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là dưới 4%. Chỉ tiêu này được xác định khi chưa có dịch Covid-19.
Đến nay, đại dịch Covid-19 được nhận định tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Dù không nằm trong số các chỉ tiêu Chính phủ dự kiến sẽ đề xuất Quốc hội điều chỉnh, song tỷ lệ thất nghiệp và chính sách hỗ trợ người lao động nằm trong nỗi lo canh cánh của nhiều đại biểu Quốc hội, cũng như trở thành nội dung trọng tâm mà các ủy ban chuyên trách của Quốc hội đặt ra.
Đầu tháng 5/2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội, báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho thấy bức tranh ảm đạm về lao động, việc làm.
Đó là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.
Cụ thể, theo báo cáo trên, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2020 ước tính là 55,3 triệu người, giảm 673,1 nghìn người so với quý trước và giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 2,22%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,73%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2020 ước tính là 2%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,97%; khu vực nông thôn là 2,52%.
Vẫn theo báo cáo của Bộ, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm so với cuối năm 2019 do nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tham gia phiên thẩm tra đó, một số vị đại biểu đã cho rằng lúc này chỉ tiêu tạo việc làm nên được xem xét kỹ càng, chứ không phải là chỉ tiêu tăng trưởng trong bối cảnh bình thường của những năm trước.
Ngày 20/5/2020, báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu những con số đáng chú ý hơn. Nhu cầu lao động sụt giảm nghiêm trọng, số lao động bị ảnh hưởng là trên 5 triệu người (trong đó, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ, hàng không nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc).
Đó là hệ quả của tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở tất cả các loại hình, quy mô doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các hợp tác xã, hộ kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,3% và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%.
Cụ thể hơn, cập nhật và báo cáo tại thời điểm đó, Chính phủ cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 1,3 triệu lao động. Thứ hai là ngành bán buôn, bán lẻ hơn 1 triệu lao động; ngành vận tải, kho bãi 400 nghìn lao động; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống gần 750 nghìn lao động; có 59% là tạm nghỉ việc; 28% giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 13% mất việc. Trong 4 tháng, số lao động mất việc là 670 nghìn, riêng trong tháng 4 mất việc làm là 270 nghìn người.
Phần giải pháp những tháng còn lại của năm nay, Chính phủ xác định tập trung giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động. Tuy nhiên Chính phủ không đề nghị điều chỉnh tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị (1 trong 12 chỉ tiêu được Quốc hội quyết định) dù GDP được dự kiến điều chỉnh từ 6,8% xuống 4,5%.
Chủ trì thẩm tra chung về kinh tế - xã hội để báo cáo tại phiên khai mạc là Ủy ban Kinh tế. Nhưng một số kỳ họp gần đây, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đều có báo cáo tham gia đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, trong đó có lao động - việc làm.
Tại dự thảo báo cáo về nội dung nói trên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, trong quý I/2020 tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Sang tháng 4/2020, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng với 101.800 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, ước chi bảo hiểm thất nghiệp 4 tháng đầu năm khoảng 3.477 tỷ đồng.
Ủy ban cũng lo ngại, tỷ lệ giải quyết việc làm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nghèo thành thị có xu hướng gia tăng khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Đại dịch Covid-19 dự báo sẽ tác động nặng nề đến lao động phi chính thức, lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương là hai đối tượng dễ bị tổn thương nhất về mặt phân công công việc và có nguy cơ cao nhất rơi vào tình trạng nghèo đói. Đáng chú ý, hơn 50% lực lượng lao động của các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ, Ủy ban lưu ý.
Kiến nghị từ Ủy ban với Chính phủ là cần xác định cụ thể thứ tự ưu tiên trong kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước cho lĩnh vực xã hội trong điều kiện thu ngân sách quý II/2020 dự báo sẽ gặp khó khăn, không đạt được chỉ tiêu kế hoạch, trong khi chi ngân sách và các quỹ tài chính ngoài ngân sách sẽ rất lớn.
Cùng đó, có giải pháp, biện pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện được chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu thất nghiệp năm 2020 đã được Quốc hội giao trong bối cảnh cuộc sống nhiều người dân bị tác động nặng nề của dịch Covid-19 là lưu ý tiếp theo từ ủy ban này.
Cần hết sức chú ý đến an sinh xã hội, giải quyết việc làm, bởi "bần cùng sinh đạo tặc", Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Bùi Ngọc Chương quan ngại khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội gần đây.
BizLive