Mối lo từ thị trường tiêu giống giá rẻ
Thị trường sôi động nhưng giá tiêu giống vẫn không tăng là hiện tượng đáng khả nghi về chất lượng giống hồ tiêu hiện nay ở Gia Lai.
- 23-05-2016Đề xuất thành lập sàn giao dịch hồ tiêu VN
- 30-03-2016Giải pháp chống hạn cho càphê, hồ tiêu ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên
- 15-03-2016Hồ tiêu không còn là cây 'hái ra tiền'?
Dù diện tích trồng hồ tiêu tại Gia Lai đã vượt xa quy hoạch, nhưng mùa mưa này, nông dân vẫn đổ xô đến các vườn ươm để tìm mua tiêu giống về trồng. Những người chưa có kinh nghiệm canh tác loại cây này chỉ dựa vào cảm quan để chọn giống, mà bỏ qua các tiêu chuẩn về ươm mầm, xử lý nấm bệnh…
Trong khi ngành chức năng chưa kiểm soát được tình trạng bùng phát các loại vườn ươm, người nông dân sẽ gặp rủi ro vì mua phải giống kém chất lượng.
20 năm nay, anh Rơ Chăm Tunh, ở làng Rơ Wai, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh chỉ quen với việc canh tác cà phê. Nhưng năm nay, giá hồ tiêu lên cao, dân làng đua nhau trồng hồ tiêu, anh cũng quyết định phá bỏ 2 sào cà phê già cỗi, chuyển sang trồng hồ tiêu. Chưa có kinh nghiệm với loại cây mới này, đến vườn ươm, anh Rơ Chăm Tunh chỉ mua giống theo kinh nghiệm của bạn bè.
“Kinh nghiệm mua hồ tiêu giống được học hỏi qua bạn bè trồng tiêu cho biết mua giống Vĩnh Linh ít có bệnh. Nếu giống tiêu đảm bảo, khi ươm không bị bệnh, rễ phát triển nhanh được nhiều người lựa chọn”, anh Tunh cho biết.
Hiện nay, 2 bên Quốc lộ 14, đoạn qua phường Yên Thế và phường Chi Lăng, thành phố Pleiku có rất nhiều cơ sở ươm và bán tiêu giống. Giá tiêu giống ở đây bán với giá khá “mềm”; dao động từ 5.000 – 6.000 đồng/bầu (bán sỉ) và 8.000 đồng/bầu (bán lẻ).
Ông Hoàng Văn Thắng, chủ vườn ươm Thùy Dương ở đường Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku cho biết, năm nay khách đến mua giống tiêu nhiều hơn năm ngoái; không chỉ trong tỉnh Gia Lai mà nhiều tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên và miền Trung cũng có.
“Người mua giống nhìn thấy đẹp là mua bởi trước đó họ đã truyền nhau kinh nghiệm. Hiện nay người trồng tiêu ở các tỉnh phía Nam đều về mua giống tại đây”, ông Thắng cho hay.
Thị trường sôi động nhưng giá vẫn không tăng, thậm chí thấp hơn năm ngoái, đó là hiện tượng đáng khả nghi về chất lượng giống hồ tiêu hiện nay ở Gia Lai.
TS. Đặng Bá Đàn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển hồ tiêu (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) cho biết, giá thành mỗi bầu tiêu giống đạt chuẩn đã 9.000 đồng, nhưng giá bán ngoài thị trường trôi nổi chỉ 5.000 – 6.000 đồng thì khả năng những sản phẩm này không đạt chất lượng.
Do đó, muốn có một bầu tiêu giống đạt chất lượng phải qua nhiều khâu đoạn kỹ thuật nghiêm ngặt, không phải cứ cắt từng đoạn dây tiêu rồi cắm vào bầu là xong.
“Người mua giống tiêu cần đến các cơ sở vườn ươm có uy tín, bởi giống tiêu được chọn lọc từ những vườn năng suất cao sẽ không nhiễm sâu bệnh. Đối với cây tiêu đạt tiêu chuẩn trồng phải có ít nhất từ 5 - 6 lá, chiều cao ít nhất trên 20 cm. Đặc biệt, bà con cần xem bộ rễ có phát triển không. Nếu cây tiêu phát triển tốt mà không có bộ rễ thì khi trồng sẽ gặp rủi ro rất lớn”. TS. Đặng Bá Đàn khuyến cáo.
Qua khảo sát thực tế tại thành phố Pleiku cho thấy, hầu hết các vườn ươm đều mua hom tiêu ngẫu nhiên ở các nhà vườn, về cắt thành từng đoạn ngắn rồi ươm vào bầu để bán.
Trong khi nhiều vùng sản xuất hồ tiêu ở địa phương thời gian qua xuất hiện tình trạng tiêu “chết nhanh”, “chết chậm” hàng loạt, do các loại nấm bệnh. Vì vậy, với cách ươm giống để bán như vừa đề cập là hoàn toàn không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nông dân mua về trồng.
Không chỉ giống hồ tiêu ở Gia Lai, mà nhiều địa phương ở khu vực Tây Nguyên, tình trạng bùng phát vườn ươm các loại giống cây trồng đang khá phổ biến, trong khi lực lượng chức năng không kiểm soát được. Nông dân phải thận trọng khi chọn mua giống về trồng./.
VOV