Mối quan hệ cộng sinh "Chimerica" kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ và Trung Quốc đã đi đến hồi kết?
Giờ đây, khi Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để cùng giành lấy một "giải thưởng", thì logic của cuộc đấu một mất một còn đã được đặt ra: mô hình "Chimerica" không còn nữa.
- 25-06-2019G20 thắp sáng hy vọng cho những doanh nghiệp Mỹ muốn ông Trump đừng đánh thuế Trung Quốc
- 24-06-2019Quan chức Trung Quốc: "Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ đều phải nhún nhường khi bước vào cuộc họp tại Hội nghị G20 lần này!"
- 24-06-2019Nhật Bản cho Trung Quốc hít bụi trong cuộc đua cơ sở hạ tầng Đông Nam Á, Việt Nam là ví dụ điển hình
Cuộc cạnh tranh đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở ra một thế giới lưỡng cực. Hai cường quốc chủ yếu định hình xu hướng hợp tác trong vài thập kỷ qua, nhưng tương lai gần sẽ được đánh dấu bằng một cuộc chiến một mất một còn. Hiện tại, xu thế toàn cầu hoá và mối quan hệ sâu sắc giữa các quốc gia đang dần nhường chỗ cho điều gọi là "sự tách rời". Các quốc gia và khu vực đang bị chia rẽ thành những nhóm kinh tế, chính trị nhỏ hơn dưới danh nghĩa "giành lại sự kiểm soát".
Tất cả những xu hướng này được thể hiện trong cuộc chiến chống lại "gã khổng lồ" Huawei đến từ Trung Quốc - một công ty đa quốc gia nhập khẩu linh kiện từ Mỹ, châu Âu, Brazil và những nơi khác, bán sản phẩm của mình ở 170 quốc gia và đang dẫn đầu về công nghệ 5G tại nhiều nơi trên thế giới.
Cho đến gần đây, các doanh nghiệp phương Tây đã đón nhận dòng sản phẩm giá rẻ, chất lượng cao của Huawei. Sự hiện diện của Huawei khiến cho các công ty công nghệ của Mỹ và châu Âu không ngừng nỗ lực. Thế nhưng, giờ đây, chính quyền ông Trump đã cấm những công ty Mỹ bán những linh kiện quan trọng cho Huawei và thuyết phục các đồng minh đưa ra động thái tương tự.
Đây dường như là một hành động gây ra sự đảo ngược cho quá trình toàn cầu hoá trên quy mô toàn diện. Nếu Huawei và những "ông lớn" khác ở Trung Quốc sống sót sau cuộc chiến này, thì họ phải chấm dứt sự phụ thuộc vào nước Mỹ.
Hơn nữa, những cảnh báo của chính quyền ông Trump về hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã khiến nhiều trường đại học Mỹ xoá bỏ mối liên hệ với các công ty, cũng như tổ chức giáo dục Trung Quốc. Những start-up Mỹ đang từ chối, hay thậm chí là không chấp nhận, các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Không có gì đáng ngạc nhiên, Huawei cho biết doanh số bán smartphone ở nước ngoài đã giảm tới 40%. Hiện tại, họ dự đoán doanh thu sẽ mất 30 tỷ USD trong năm tới.
Đằng sau cuộc xung đột Mỹ - Trung là hai kẻ mạnh với đầy tham vọng, họ cạnh tranh để giành lấy sự ưu tiên: Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Mỗi người họ đều theo đuổi một chương trình nghị sự nhằm "hồi sinh" quốc gia và thay đổi vị thế của mình trên thế giới.
Ông Trump cho rằng Mỹ đang đối mặt với tình trạng suy thoái tương đối, bởi họ hưởng lợi ít hơn những quốc gia khác trong trật tự toàn cầu hiện tại. Tin chắc rằng Trung Quốc sẽ ngày càng lớn mạnh, theo đó nước Mỹ sẽ yếu ớt hơn, ông Trump đã phát động chiến dịch "huỷ diệt sự sáng tạo", gây nhũng nhiễu cho các thể chế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và huỷ bỏ các thoả thuận thương mại như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ý tưởng của ông là buộc các quốc gia phải đàm phán song phương với Mỹ, trong khi Mỹ vẫn có thể đưa ra các điều khoản.
Về phần mình, ông Tập đã tái sử dụng triệt để hệ thống chính trị Trung Quốc và đặt dấu ấn cá nhân lên những chính sách kinh tế và đối ngoại. Thông qua chính sách Made in China 2025, ông hy vọng sẽ đưa Trung Quốc từ nền kinh tế sản xuất công nghệ thấp lên vị trí dẫn đầu toàn cầu về những công nghệ tiên tiến như AI. Kế hoạch của ông dường như liên quan đến quá trình học hỏi công nghệ từ phương Tây, sau đó đẩy các công ty phương Tây ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Bên ngoài Trung Quốc, ông Tập hy vọng sẽ sử dụng 1 nghìn tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), để nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trải dài khắp châu Á, châu Âu, châu Phi và Vành đai Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong khi ông Trump và ông Tập phá vỡ hiện trạng trong nước, các chương trình nghị sự chiến lược của họ chỉ đơn thuần là thúc đẩy những gì đã được phát triển từ trước. Về mặt kinh tế, cán cân quyền lực toàn cầu từ lâu đã dần chuyển từ Washington sang Bắc Kinh, khiến cho sự cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Điều làm thay đổi mối quan hệ Mỹ - Trung không còn là sự sắp xếp bổ sung giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Giờ đây, khi Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua cho cùng một "giải thưởng", thì logic của cuộc đấu một mất một còn đã được đặt ra: mô hình "Chimerica" không còn nữa.
Sự thay đổi này đã trở thành một cú sốc đối với châu Âu - khu vực giờ đây phải lo lắng về việc trở thành "kẻ cản đường" trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho thấy hầu hết người châu Âu - bao gồm 74% người Đức, 70% người Thuỵ Điển và 64% người Pháp, muốn giữ quan điểm trung lập.
Kết quả này chắc chắn sẽ thích hợp với Trung Quốc. Trở lại năm 2003, khi Mỹ gây chiến ở Iraq, Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm con đường ngoại giao vào châu Âu. Yan Xuetong, một học giả Trung Quốc có tầm ảnh hưởng, nói về nguyên nhân: "Khi chúng tôi căng thẳng với Mỹ, chúng tôi hy vọng ít nhất là châu Âu sẽ giữ vị thế trung lập." Bởi vậy, không có gì nghi ngờ khi ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi chủ nghĩa đa phương khi tham gia Hội nghị An ninh Munich và Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Rõ ràng rằng, hy vọng của Trung Quốc là chia rẽ châu Âu và chính quyền "nước Mỹ trước tiên" của ông Trump.
Dẫu vậy, vị thế trung lập không hẳn là một lựa chọn cho châu Âu. Khi Mỹ và Trung Quốc ở tình trạng chia rẽ, cả hai bên đều yêu cầu châu Âu cho biết họ nghiêng về phe nào. Hơn nữa, châu Âu đã bắt đầu chú ý tới mối đe doạ đối với các công ty của họ do mô hình kinh tế tư bản nhà nước và thị trường đóng của Trung Quốc. Một báo cáo gần đây được Uỷ ban châu Âu công bố đã gọi Trung Quốc là "đối thủ hệ thống" và đề xuất cơ chế mới nhằm sàng lọc đầu tư của quốc gia này.
Vấn đề là trong khi quan hệ của châu Âu với Trung Quốc đang dần nguội lạnh, thì với Mỹ cũng vậy. Châu Âu muốn sống trong một thế giới đa phương - nơi các quyết định đều được đưa ra theo quy tắc và các liên minh truyền thống đều được theo dõi sát sao. Còn ông Trump và ông Tập lại mong muốn một cái gì đó hoàn toàn khác.