Mời thầu lại, bỏ tiêu chí 'tào lao' dự án hơn 220 tỷ ở Quảng Bình
Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, cơ quan này vừa đăng tải thông tin mời thầu lại Gói thầu số 15 (TIIGP2-VIE-W04) “Cải thiện tiếp cận đường bộ và đường sông Nhật Lệ - Long Đại” đã bị huỷ trước đó vì không nhà thầu nào đạt tiêu chí EQC 2.5.2, mục “Kinh nghiệm thi công các Hoạt động Chủ chốt”.
- 26-08-2023Phó Thủ tướng: Tăng cường thanh tra gói thầu có phản ánh tiêu cực
- 25-08-2023Lý do 2 liên danh trượt gói thầu 35.000 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành
- 24-08-2023Sắp thi công gói thầu 35.000 tỷ nhà ga sân bay Long Thành
Theo thông tin về Gói thầu số 15 (TIIGP2-VIE-W04) được đăng tải rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thì lần mời thầu này chủ đầu tư là Sở Du lịch Quảng Bình đã cho loại bỏ tiêu chí EQC 2.5.2, mục Kinh nghiệm thi công các Hoạt động Chủ chốt. Đây là tiêu chí được cho là “tào lao” khiến cả 3 nhà thầu tham gia đều không đáp ứng.
Thêm một điểm mới trong lần mời thầu lại này, là chủ đầu tư đã cho rút ngắn thời gian thi công của gói thầu từ 21 tháng xuống còn 7 tháng. Theo các nhà thầu quan tâm, sở dĩ chủ đầu tư cho rút ngắn thời gian thi công là nhằm đáp ứng thời hạn đóng vốn vào ngày 30/6/2024 của nhà tài trợ vốn là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về đấu thầu, việc cho mời thầu lại Gói thầu số 15 (TIIGP2-VIE-W04) của chủ đầu tư lần này tiếp tục lộ nhiều bất cập, không cẩn thận là vi phạm luật. Đầu tiên phải kể đến việc rút ngắn thời gian thi công từ 21 tháng xuống còn 7 tháng nhưng số lượng nhân sự và thiết bị máy móc vẫn như cũ. “14 tháng bị rút ngắn này lấy cái gì để thi công trong lúc thiết bị máy móc và con người vẫn như cũ. Về nguyên tắc giảm 2/3 thời gian thi công thì phải tăng thiết bị máy móc và nhân sự lên tương ứng mới đảm bảo được tiến độ, đằng này họ vẫn giữ nguyên thì tôi không hiểu nhà thầu sẽ đáp ứng tiến độ bằng cách nào?” - vị chuyên gia này nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, gói thầu số 15 (TIIGP2-VIE-W04) thực hiện trong vòng 7 tháng thì được xem là thời gian ngắn. Theo Thông tư số 10/2015 của Bộ Kế hoạch Đầu tư: Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không. Trong lúc đó, chủ đầu tư đưa vào giá gói thầu chi phí dự phòng hơn 20 tỷ đồng, liệu có đúng luật?
Trong một diễn biến khác, qua trao đổi với PV Tiền Phong, một số nhà thầu, trong đó có cả nhà thầu từng đấu giá gói thầu này cho rằng, với 7 tháng thi công cho gói thầu này là không thể, họ đang suy nghĩ nên tham gia hay không. Như Tiền Phong đã thông tin, trước đó Ban Quản lý dự án phát triển hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 - Tiểu dự án tỉnh Quảng Bình mở Gói thầu số 15 (TIIGP2-VIE-W04) nhưng cả 3 nhà thầu tham gia đều không trúng vì không đáp ứng tiêu chí EQC 2.5.2, mục Kinh nghiệm thi công các Hoạt động Chủ chốt: “Thi công tu bổ, phục hồi công trình đường bậc cấp đi bộ lên núi cao lớn hơn hoặc bằng 250 m, mặt đường lát đá tự nhiên diện tích lớn hơn hoặc bằng 2.000 m2”.
Ngày 5/7/2023, ông Nguyễn Ngọc Quý - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình - buộc phải ra quyết định hủy thầu để đấu thầu lại. Gói thầu này có giá hơn 220 tỷ đồng, sử dụng vốn tài trợ của ADB.
Tiền phong