Mới tinh giản được gần 23.000 biên chế
Chính phủ đánh giá, tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra, năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu.
- 22-05-2017Tăng trưởng tín dụng kỷ lục, cảnh báo cho vay bất động sản đặc biệt là phân khúc cao cấp
- 22-05-2017TOÀN CẢNH: Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV
- 22-05-2017Hôm nay trình lên Quốc hội dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Báo cáo trước QH sáng nay về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và tình hình những tháng đầu năm nay , Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cho hay, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy.
Song song đó, đổi mới quy chế làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình trình bày báo của Chính phủ trước QH
Tuy nhiên, kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, yếu kém, kỷ luật, kỷ cương trong nhiều cơ quan, đơn vị và trong xã hội còn chưa tốt.
“Tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu”, báo cáo nêu rõ.
Theo báo cáo, trong vòng hơn 2 năm (từ 2015 đến tháng 4/2017), cả nước mới tinh giản gần 23.000 biên chế.
Công tác cán bộ vẫn còn nhiều yếu kém, một số trường hợp bổ nhiệm không đúng quy định, gây bức xúc dư luận.
Trong đó, 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm.
Hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ.
Sở NN&PTNT Thanh Hóa có 8 PGĐ; Sở TN&MT Bình Định có 6 PGĐ. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở NN&PTNT Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.
Xử lý 12 dự án thua lỗ lớn
Phó Thủ tướng thường trực cho biết, những tháng đầu năm nay, tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN triển khai còn chậm.
Một số bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa quyết liệt thực hiện phương án theo kế hoạch đề ra. Việc xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn cũng làm chậm tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp liên quan.
Đối với 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo do một phó thủ tướng đứng đầu, xác định, đánh giá, kiểm tra thực địa; đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể.
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43,6 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63,6 nghìn tỷ. Vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%; vốn vay 74,6%; 2,84% từ các nguồn khác.
Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16,1 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy còn lại gần 4 nghìn tỷ.
Tổng tài sản của 12 dự án là 57,7 nghìn tỷ; tổng nợ phải trả: 55 nghìn tỷ.
Bước đầu, mới chỉ có nhà máy sản xuất phân bón và nhà máy thép tại Lào Cai có chuyển biến.
Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, QH, Chính phủ và Thủ tướng.
Tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.
Đối với các dự án phục hồi được, phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Đồng thời, xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.
GDP thấp hơn cùng kỳ
Chính phủ cho biết, tăng trưởng GDP quý 1 đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (5,48%), chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%.
Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như QH đã đề ra.
Vietnamnet
- Gần 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội
- Sự cố in ấn và những chiếc ghế trống thành điểm nhấn họp báo Quốc hội
- Quốc hội lập đoàn giám sát quản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
- Chủ tịch Quốc hội: "Đã cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan dự án sân bay Long Thành"
- Quốc hội giao 'chỉ tiêu' cho 4 bộ trưởng