MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỗi tuần có hơn 265 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam

30-06-2022 - 16:00 PM | Kinh tế số

Sự gia tăng các sự cố tấn công mạng trong nửa đầu năm nay được nhận định chủ yếu là do sự gia tăng mạnh của loại hình tấn công mạng lừa đảo – Phishing (Ảnh minh họa: antoanthongtin.vn)

Sự gia tăng các sự cố tấn công mạng trong nửa đầu năm nay được nhận định chủ yếu là do sự gia tăng mạnh của loại hình tấn công mạng lừa đảo – Phishing (Ảnh minh họa: antoanthongtin.vn)

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 6.641 cuộc. Trung bình mỗi tuần, có hơn 256 sự cố tấn công vào các hệ thống trong nước.

Theo ghi nhận từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, trong 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã được cơ quan này hướng dẫn xử lý, có 1.696 sự cố tấn công lừa đảo (Phishing), 859 sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 4.086 cuộc tấn công cài mã độc (Malware).

Mỗi tuần có hơn 265 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam - Ảnh 1.

Thống kê của Cục An toàn thông tin cũng chỉ ra rằng, tổng số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống tại Việt Nam trong nửa đầu năm nay giảm 2,54% so với 6 tháng cuối năm 2021, tăng 127,82% so với 6 tháng đầu năm 2021. Trung bình trong 6 tháng đầu năm 2022, mỗi tháng các hệ thống thông tin tại Việt Nam phải hứng chịu 1.107 sự cố tấn công mạng, tăng 36,5% so với trung bình năm 2021.

Sự gia tăng các sự cố tấn công mạng trong nửa đầu năm 2022, theo phân tích của Cục An toàn thông tin, chủ yếu là do sự gia tăng mạnh của loại hình tấn công mạng lừa đảo – Phishing, khi xuất hiện ngày càng nhiều các trang web lừa đảo, ứng dụng lừa đảo trên mạng xã hội.

Cũng theo Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều chiến dịch tấn công lừa đảo nhằm vào các ngân hàng tại Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, thông tin giao dịch thanh toán của người dùng. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan này đã nhận được khoảng 1.000 lượt phản ánh của người dân về các vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Cùng với đó, trong các tháng đầu năm nay, Cục An toàn thông tin đã phát hiện, xử lý 506 website lừa đảo giả mạo tổ chức tài chính, ngân hàng. Hỗ trợ xử lý ngăn ngừa 1,5 triệu người dùng Internet Việt Nam tránh truy cập vào các trang lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin và không gian mạng Việt Nam, thời gian tới, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin sẽ tiếp tục giám sát, chủ động rà quét; đánh giá, thống kê và đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo rộng rãi để người dùng biết và phòng tránh những nguy cơ tấn công mạng; đồng thời chú trọng đôn đốc các cơ quan, đơn vị rà soát lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.

Riêng với tình trạng lừa đảo trực tuyến, thời gian tới, Cục An toàn thông tin sẽ tổ chức chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; triển khai các giải pháp phục vụ người dân như đưa vào vận hành cổng khonggianmang.vn - điểm đến về an toàn thông tin của người dân; phát triển trang DauhieuLuadao.com để cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình giúp người dân nhận biết những phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới.

Bên cạnh các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân, hàng loạt giải pháp nhằm bảo vệ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng được tập trung triển khai trong năm nay như: ban hành khung phát triển phần mềm an toàn và khuyến khích cơ quan nhà nước lựa chọn nhà phát triển đáp ứng khung này, tiến tới đưa quy trình phát triển phần mềm an toàn DevSecOps thành yêu cầu bắt buộc; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho các nền tảng số quốc gia; tổ chức các chiến dịch rà quét, xử lý bóc gỡ mã độc trên toàn quốc…

Theo Vân Anh

ICT News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên