MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mòn mỏi chờ vắc-xin dịch vụ

14-04-2019 - 10:31 AM | Thị trường

Vắc-xin dịch vụ đang khan hiếm ở nhiều tỉnh, thành. Ngành y tế lúng túng, bị động trong khi người dân "dài cổ" chờ vắc-xin hoặc phải đưa con sang tỉnh khác tiêm chủng.

Những ngày qua, nhiều người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh lân cận vẫn chở con đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên - Huế để tiêm vắc-xin dịch vụ nhưng đành thất vọng ra về. Dù trung tâm này đã nỗ lực liên hệ với các công ty cung ứng nguồn vắc-xin như GlaxoSmithKline, Sanofi Pasteur về vắc-xin Infanrix Hexa, Hexaxim (6 trong 1; ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do Hib và bại liệt) nhưng đều không có vắc-xin để cung ứng.

Chờ gom đủ mới tiêm

"Trước đây, mỗi tháng, chúng tôi có khoảng 300 liều vắc-xin dịch vụ và triển khai tiêm bình thường. Nhưng hơn 4 tháng trở lại đây, chúng tôi không dám đưa ra tiêm bởi nhu cầu lớn, nếu người dân ùn ùn kéo đến thì "loạn" như các địa phương khác" - ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói.

Tỉnh này phải tạm ngưng tiêm chủng để gom vắc-xin, bảo đảm đủ cung ứng gần 50% trong tổng số 3.500 trẻ thì mới triển khai, số còn lại xin khất để tiêm đợt sau khi tích trữ đủ số lượng. Dự kiến, trung tâm đã lên phương án tổ chức tiêm vắc-xin dịch vụ loại 6 trong 1, Pentaxim (5 trong 1; ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não) và Tetraxim (4 trong 1; ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt) từ ngày 2 đến 6-5 tại 3 điểm. Người dân đăng ký tiêm dịch vụ vào ngày 25-4. Trung tâm sẽ tiêm cho từ 3.000-3.500 trẻ, kể cả ngoại tỉnh.

Tỉnh Quảng Nam vẫn thiếu vắc-xin 6 trong 1 trong khi nhu cầu rất lớn. Lãnh đạo CDC Quảng Nam dự kiến, vắc-xin 6 trong 1 đến tháng 5 mới về nhưng không biết có về được không. Trước đó, trong tháng 3, tỉnh này nhập 400 liều vắc-xin 6 trong 1 nhưng do nhiều bậc cha mẹ từ Quảng Ngãi, Đà Nẵng biết tin cũng kéo đến, gây ra tình trạng hỗn loạn, chen lấn để con được tiêm phòng.

CDC TP Đà Nẵng thông báo trong tháng 4 tạm thời hết vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1. Khách hàng có nhu cầu tiêm 2 loại trên phải tiếp tục đăng ký bằng cách đặt lịch hẹn giờ qua website của trung tâm, gọi đến tổng đài 0236.1022 hoặc đến lấy số thứ tự trực tiếp.

Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC TP Đà Nẵng, cho hay đầu năm 2019, Đà Nẵng nhập về gần 2.000 liều vắc-xin dịch vụ 6 trong 1, triển khai tiêm chủng và hết ngay trong tháng 2. Trong tháng 3, trung tâm nhập về 500 liều và đã tiêm hết trong 2 ngày. Riêng trong đợt tiêm vào cuối tháng 3, hàng trăm người đăng ký nhưng không được tiêm vì cạn sạch vắc-xin. Dự kiến đến tháng 5, vắc-xin này mới được nhập về.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, mỗi ngày có hàng trăm người dân đưa con đến CDC Quảng Ngãi để tiêm vắc-xin 6 trong 1 nhưng hầu hết đều thất vọng khi hết vắc-xin. Chị Trần Thị Thu (ngụ TP Quảng Ngãi) cho biết con chị đã 4 tháng tuổi nhưng vẫn chưa tiêm được mũi nào.

"Vừa rồi, một số tỉnh, thành có tình trạng trẻ bị phản ứng thuốc, thậm chí tử vong khi tiêm vắc-xin 5 trong 1 loại mới nên tôi cũng lo sợ không dám tiêm cho con ở phường. Thấy các phụ huynh có con nhỏ bảo nhau tiêm vắc-xin 6 trong 1 trẻ ít mệt và ít xảy ra phản ứng nên tôi cũng cố gắng chờ dù vắc-xin này giá 850.000 đồng/mũi" - chị Thu nói.

Tương tự, anh Trần Trung (ngụ TP Quảng Ngãi) cho hay con anh tiêm mũi đầu cách đây đã 3 tháng nhưng nay chưa tiêm được mũi thứ 2 vì hết vắc-xin. Anh rất lo việc tiêm trễ như vậy ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

 Mòn mỏi chờ vắc-xin dịch vụ  - Ảnh 1.

Người dân đổ xô đi tiêm vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 ở TP Đà Nẵng vào cuối tháng 3-2019. Hiện vắc-xin này đã hết, đến tháng 5 mới có lại. Ảnh: BÍCH VÂN

Phải đặt hàng từ 6-12 tháng

Theo lãnh đạo ngành y tế các tỉnh, người dân đổ xô đi tiêm vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 là do chương trình tiêm chủng mở rộng chuyển đổi vắc-xin Quinvaxem qua ComBe Five xuất hiện một số trường hợp sau tiêm có phản ứng nặng ở một số nơi. Dù các hội đồng chuyên môn đã có đánh giá sau tiêm và khẳng định không phải do vắc-xin nhưng người dân vẫn lo lắng.

Những năm trước, Thừa Thiên - Huế có khoảng 5% trong tổng số các trẻ cần phải tiêm chủng đến tiêm các loại vắc-xin dịch vụ. Khi chuyển từ Quivaxem qua ComBe Five, tỉ lệ này tăng lên hơn 50%. Kế hoạch tiêm dịch vụ không kịp điều chỉnh dẫn đến khan hiếm nguồn vắc-xin kéo dài. Theo ông Sơn, đơn vị y tế nào có đủ điều kiện mở phòng tiêm chủng dịch vụ thì tự đăng ký số lượng vắc-xin với các công ty nhập khẩu. Tuy nhiên, các công ty này không tự đăng ký số lượng mà tùy thuộc lượng hàng về từng đợt, mức độ quan hệ.

Ông Tôn Thất Thạnh, CDC TP Đà Nẵng, thừa nhận CDC không chủ động được việc nhập vắc-xin 6 trong 1. Theo quy trình, muốn nhập vắc-xin dịch vụ, trung tâm đăng ký số lượng với công ty sản xuất. Khi vắc-xin nhập về buộc phải qua Cục Quản lý dược - Bộ Y tế để kiểm định và sau đó số lượng sẽ được phân bổ dựa theo lịch sử sử dụng của từng tỉnh, thành. Vì thế, đôi khi số lượng đăng ký của trung tâm lên đến cả ngàn liều nhưng đơn vị cung cấp chỉ có thể phân bổ 100 liều.

Theo ông Hồ Minh Nên, Giám đốc CDC Quảng Ngãi, nhà cung ứng nhập hàng từ nước ngoài về không liên tục nên nguồn bị gián đoạn. Hiện trung tâm đã làm việc với đơn vị cung ứng để tiếp tục nhập vắc-xin.

Một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu độc quyền vắc-xin có thành phần ho gà vô bào (vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1) cho biết để có vắc-xin dịch vụ, các điểm tiêm chủng phải đặt hàng từ 6-12 tháng và nên làm hợp đồng với đơn vị nhập khẩu vắc-xin. Khi đó, DN sẽ dự trù, cân đối được số vắc-xin nhập khẩu về Việt Nam rồi phân phối tới các điểm tiêm. Bởi vắc-xin có đặc thù là phải đặt hàng trước 6 tháng mới sản xuất kịp. Hơn nữa, do giá thành vắc-xin rất đắt, việc bảo quản phải đáp ứng những yêu cầu đặc thù về kho bãi, theo dõi nhiệt độ... nên DN không thể mạo hiểm và không có nhiều DN đủ điều kiện làm việc này. Vì vậy, Cục Quản lý dược yêu cầu ngay từ đầu năm, các điểm tiêm chủng phải dự trù số lượng vắc-xin của năm đó để tránh tình trạng khi người dân có nhu cầu, cơ sở tiêm chủng lại hết sạch vắc-xin.

Bộ Y tế can thiệp

Trước tình hình vắc-xin dịch vụ "cháy" hàng tại nhiều địa phương, Cục Quản lý dược đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các sở y tế, bệnh viện, các viện, cơ sở sản xuất, đăng ký nhập khẩu vắc-xin bảo đảm cung ứng đủ vắc-xin phòng bệnh.

Trước mắt, các đơn vị cung ứng ưu tiên cấp ngay lượng vắc-xin đang tồn kho và lượng vắc-xin sắp nhập kho cho các cơ sở tiêm chủng đang thiếu vắc-xin đột biến hoặc theo sự điều phối của Cục Quản lý dược hay Cục Y tế dự phòng nhằm tránh hiện tượng thừa, thiếu cục bộ vắc-xin. Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị thông tin chi tiết về việc đặt hàng mua vắc-xin, tình hình kiểm định vắc-xin trước khi lưu hành và các giải pháp đã thực hiện khi nhu cầu tiêm chủng tăng đột biến.

Thanh tra việc loạn giá

Tại tỉnh Quảng Bình, giá vắc-xin 5 trong 1 ở các cơ sở y tế chênh nhau khá lớn dù UBND tỉnh Quảng Bình đã có quy định về giá là 810.000 đồng/mũi. Trong khi giá tại Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh là 810.000 đồng/mũi thì tại TTYT dự phòng TP Đồng Hới là 1,4 triệu đồng/mũi.

Bà Trần Thị Loan, Giám đốc TTYT dự phòng TP Đồng Hới, giải thích giá 1,4 triệu đồng/mũi tiêm do hết hàng, đơn vị chủ động xin nhập về từ một công ty ở Hà Nội cung ứng để "ưu tiên" tiêm phòng cho con em của cán bộ, nhân viên trong cơ quan. "Mình nhập vắc-xin 5 trong 1 về đã là hơn 1,2 triệu đồng rồi. Những gia đình đưa con em đến tiêm thì đơn vị chỉ hỗ trợ tiêm đúng 1 mũi mà thôi" - bà Loan nói.

Ông Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh Quảng Bình, nhìn nhận hiện nay, tại Quảng Bình chưa thể kiểm soát được vắc-xin dịch vụ vì không qua một đầu mối, do vậy khó xác định được nguồn gốc vắc-xin nhập từ đâu, thực hiện thu giá tiêm chủng như thế nào.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh lại thông tin giá tiêm dịch vụ tại TTYT dự phòng TP Đồng Hới tăng cao so với quy định của tỉnh. "Dân đến đây đều được thông báo về giá, nếu tự nguyện thì tiêm chứ không ép buộc vì số lượng cũng có hạn. Vấn đề là trung tâm đã làm sai quy trình" - ông Cường khẳng định.

H.Phúc - N.Dung

Nhóm phóng viên

NLD

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên