"Món quà Tết" cố Thủ tướng Phan Văn Khải tặng doanh nghiệp
Theo bà Lan, cố Thủ tướng Phan Văn Khải khi tiếp xúc các nơi đều rất điềm đạm nhưng chú trọng lắng nghe, khuyến khích nói thẳng, nói thật.
- 17-03-2018Dấu ấn và phát ngôn nổi bật của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
- 17-03-2018Những điểm đáng chú ý trong nhiệm kỳ của vị nguyên Thủ tướng “nói ít hơn làm” - Phan Văn Khải
- 17-03-2018Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần
Người đứng đầu Chính phủ chuyên nghiệp, tầm nhìn dài hạn
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI, thành viên Ban nghiên cứu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã chia sẻ những kỷ niệm, ấn tượng về nguyên Thủ tướng. Bà chia sẻ cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người được đào tạo bài bản, luôn cầu thị nên trong chính sách phát triển của mình tỏ rõ sự chuyên nghiệp, có tầm nhìn dài hạn.
Các con số thống kê cho thấy giai đoạn ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng lãnh đạo kinh tế tăng trưởng cao và ổn định.
"Trong 9 năm đó, bình quân tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhất và ổn định nhất, ổn định liên tục", bà Lan nhấn mạnh.
Đồ họa: Đỗ Linh.
Đây cũng là thời kỳ rất nhiều biện pháp cải cách được đưa ra, trong đó hệ thống luật pháp mới dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường, WTO, hàng loạt luật tốt được ra đời như: Luật Doanh nghiệp 1999-2005, Luật Đầu tư 2005…
Các luật này ra đời với tư duy và cách tiếp cận rất mới, mạnh dạn so với trước và kế tiếp tinh thần đổi mới của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
"Tôi nghĩ đó chính là những dấu ấn của ông trong gần 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng. Đối với cá nhân tôi và cộng đồng doanh nghiệp, việc thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là về cơ sở pháp lý là những dấu ấn hết sức mạnh mẽ, dấu ấn rất lớn đối với nền kinh tế nước ta. Việc này đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế sau này", bà Lan nói và khẳng định thành công của Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều lý do, đầu tiên là kế thừa tư tưởng từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đặc biệt, trước khi làm Thủ tướng, ông làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, nhất là sau nhiệm kỳ thứ 2, ông Võ Văn Kiệt đã chủ động để cho ông Phan Văn Khải làm việc nhiều hơn về kinh tế.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải và các thành viên Ban nghiên cứu. Ảnh tư liệu.
Nhắc đến những dấu ấn của cá nhân bà về cố Thủ tướng Phan Văn Khải theo góc nhìn của mình, bà Lan nói đầu tiên là việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 - Luật Doanh nghiệp đầu tiên của nước ta mà người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.
"Số doanh nghiệp đã phát triển mạnh sau những năm đầu tiên, góp phần giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng tài chính và khu vực.
Nhờ Luật Doanh nghiệp, khu vực dân doanh đã bù đắp được sụt giảm đầu tư nước ngoài, điều đó cho thấy khu vực doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể thay thế được FDI để làm động lực phát triển đất nước.
Trong quá trình thực hiện Luật doanh nghiệp, ông là người rất quan tâm đến nông nghiệp nên đã cho sửa đổi các Luật đất đai, Luật Tổ chức tín dụng, luật về thuế....", bà Lan nói.
Khi ra luật Doanh nghiệp 1999, nguyên Thủ tướng cho thành lập ngay tổ thi hành luật, trong đó có 4 thành viên trong Ban nghiên cứu của Thủ tướng.
"Khi chúng tôi đề xuất cắt bỏ hàng loạt giấy phép con, cản trở doanh nghiệp phát triển, không đúng tinh thần doanh nghiệp được kinh doanh những gì luật pháp không cấm, Thủ tướng chấp thuận ngay" - bà Lan kể.
"Danh mục này được Thủ tướng ký ban hành vào đầu năm 2000, được các doanh nghiệp đón nhận hồ hởi, coi đó là 'món quà tết' của Thủ tướng tặng doanh nghiệp", bà Lan chia sẻ.
Vị Thủ tướng luôn lắng nghe
Theo bà Lan, trong những buổi làm việc với Ban nghiên cứu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn lắng nghe, gần gũi, ông luôn duy trì không khí làm việc dân chủ. Các thành viên của Ban không phải giữ kẽ, không phải e ngại điều gì cấm kỵ.
Khi phát biểu hay đưa ra một quyết định nào đó, ông đều hỏi ý kiến của các cộng sự xem như vậy có hợp lý không, tốt không. Không phải lãnh đạo nào cũng tạo cho mình một phong thái học hỏi và mong muốn cải thiện mình như vậy - vị chuyên gia bày tỏ suy nghĩ.
Đặc biệt, khi ra dự thảo các luật, ông luôn đòi hỏi Ban nghiên cứu phải tham vấn tối đa ý kiến của các cộng đồng liên quan trong xã hội.
Bà Phạm Chi Lan.
Thông qua đó, Ban nghiên cứu đã giúp Thủ tướng thấy rõ lợi ích của đất nước nằm ở đâu, tác động đến kinh tế như thế nào, có những đối tượng nào chịu thua thiệt và làm thế nào để giảm thiểu điều này, nhất là tránh thiết kế những chính sách phục vụ cho lợi ích nhất định mà không phục vụ cho lợi ích chung.
Cùng với đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi tiếp xúc các nơi thường giữ phong thái điềm đạm, chú trọng lắng nghe, khuyến khích nói thẳng, nói thật.
"Lắng nghe xong, Thủ tướng thường yêu cầu anh em tìm giải pháp mà không hề định kiến với những người nói thẳng. Vì thế trong Ban nghiên cứu anh em chúng tôi không ngại chuyện nói thẳng với ông. Một số nơi, khi tiếp xúc họ nói rất thẳng nhưng ông vẫn nghe mà không có suy nghĩ nó trái ý của mình", bà Lan chia sẻ.
Một dấu ấn bà Lan bảo không thể quên là trong nhiều chuyến đi nước ngoài, cá nhân bà đã chứng kiến nhiều lần nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ chối ngồi một mình ở khoang cao cấp để xuống ngồi cùng anh em chuyện trò, kể chuyện tiếu lâm.
"Từ đó tạo không khí thân mật, gần gũi giữa người đứng đầu Chính phủ với các doanh nghiệp, với những người giúp việc cho mình", bà nói thêm.
Trí Thức trẻ