Mong hệ thống thuế thu nhập hiện đại, tiến bộ và công bằng hơn
Bộ Tài chính đang khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để xây dựng Đề cương báo cáo nghiên cứu, rà soát, đánh giá 9 luật thuế.
- 14-03-2022Không phát sinh thuế thu nhập cá nhân, có phải khai thuế?
- 10-03-2022Luật Thuế thu nhập cá nhân: Sửa thế nào để nộp thuế không phải là áp lực?
- 08-03-2022Thu nhập "khủng", streamer và YouTuber đóng thuế ra sao?
Bộ Tài chính đề nghị đánh giá trên từng nhóm vấn đề như: đối tượng chịu thuế; đối tượng nộp thuế; cơ sở tính thuế; phương pháp xác định số thuế phải nộp; khai thuế, tính thuế và tổng hợp các đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung...
Chúng tôi xin đưa ra một vài ý kiến trên cơ sở so sánh các pháp luật thu nhập áp dụng đối với doanh nghiệp (thu nhập doanh nghiệp - TNDN) và cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công (sau đây gọi tắt là thu nhập cá nhân - TNCN).
Như chúng ta đã biết, thuế thu nhập là loại thuế trực tiếp đánh vào thu nhập của cá nhân và pháp nhân trong xã hội, mục đích cơ bản là điều tiết thu nhập, tạo sự công bằng xã hội và là nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Thuế thu nhập còn là công cụ chính sách nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo định hướng của nhà nước từng thời kỳ; là động lực khuyến khích sự phát triển kinh doanh của DN và cá nhân. Về nguyên tắc, các khoản thu nhập tạo ra trong xã hội đều nên được đánh thuế tương đồng nhau. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành đối với 2 loại thuế thu nhập còn tồn tại một số khác biệt đáng kể.
Thứ nhất, xét về thu nhập tính thuế: Pháp luật thuế TNDN cho phép DN được trừ mọi khoản chi khi xác định thu nhập tính thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện: "a. Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN" và "b. Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật".
Trong khi đó, pháp luật thuế TNCN đánh thuế vào mức thu nhập cao hơn một ngưỡng nhất định (hiện nay là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc) và áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần cho các mức thu nhập khác nhau. Thêm nữa, thuế TNCN không cho phép người nộp thuế được giảm trừ một số chi phí thiết yếu liên quan đến việc tạo nguồn thu nhập, như chi phí đào tạo, chi phí khám chữa bệnh (ngoài BHYT đã chi trả), chi phí học hành của con cái... Điều này làm phát sinh một số ý kiến chưa đồng thuận của cá nhân nộp thuế.
Thứ hai, xét về thuế suất: Thuế TNDN hiện nay áp dụng thuế suất phổ thông là 20% trên tổng thu nhập tính thuế. Trong khi đó, thuế TNCN áp dụng biểu thế lũy tiến từng phần từ 5% - 35%, thuế suất tối đa áp dụng cho mức thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng. Như vậy, đối với mức thu nhập tính thuế trên mức tối đa thì cá nhân nộp thuế có sự chênh lệch thuế suất đáng kể so với DN.
Thứ ba, xét về ưu đãi thuế: Trong một số điều kiện nhất định, thuế TNDN quy định các ưu đãi về thuế suất, ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế và một số ưu đãi khác. Ví dụ, thu nhập của DN từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường được hưởng thuế suất ưu đãi 10%. Trong khi đó, thuế TNCN tính cho các cá nhân làm trong các ngành này (như bác sĩ, giáo viên, vận động viên...) được tính theo biểu lũy tiến thông thường với thuế suất 35% cho phần vượt mức 960 triệu đồng/năm. Điều này thể hiện ở sự chia sẻ, cảm thông của cộng đồng đối với thuế về khoản tiền thưởng từ LĐBĐ Việt Nam của các vận động viên sau chiến thắng tại các giải bóng đá quốc tế vừa qua.
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Một hệ thống thuế tiến bộ, hiện đại, công bằng sẽ tác động tốt đến phát triển kinh tế. Hy vọng rằng với đợt sửa đổi lần này, các luật thuế thu nhập sẽ đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cộng đồng DN và các cá nhân, đồng thời góp phần tích cực vào sự phồn vinh của đất nước.
Người lao động