MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mong muốn bố mẹ đầy đủ hơn, chàng trai 28 tuổi chi 1 tỷ cải tạo nhà cấp 4

16-09-2023 - 18:33 PM | Lifestyle

Chàng trai ấp ủ dự định xây nhà mới cho bố mẹ từ lâu.

Sau khi trưởng thành, người trẻ nào cũng có ước mơ báo hiếu bố mẹ. Mỗi người lại có cách hiện thức hóa khác nhau. Có người đưa bố mẹ đi du lịch, tặng cho họ hàng hiệu. Cũng có người chọn xây cho phụ huynh căn nhà, với mục đích hướng đến cuộc sống bền vững sau này.

Thân Mạnh Tấn (28 tuổi, Huế) thuộc vế sau. Hiện chàng trai đang làm quản lý bán hàng khu vực Đông Nam Á tại công ty công nghệ. Cách đây ít lâu, chàng trai đã hoàn thành ước mơ xây nhà cho bố mẹ, để đền đáp 40 năm công ơn nuôi dưỡng từ khi người anh cả của gia đình chào đời.

Áp lực xây nhà cho bố mẹ trước tuổi 30

Mạnh Tấn quê gốc ở Huế, song anh chàng đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM hơn 4 năm. Tấn chia sẻ, từ khi vào Nam lập nghiệp, số lần về thăm nhà của anh ít hẳn đi, chỉ khoảng 3-4 lần/năm.

Mong muốn bố mẹ đầy đủ hơn, chàng trai 28 tuổi chi 1 tỷ cải tạo nhà cấp 4 - Ảnh 1.

Thân Mạnh Tấn

Tại quê nhà của Tấn, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Mỗi lần có bão lũ, gia đình anh chịu ảnh hưởng nặng nề, nước vào ngập nhà đã trở thành điều bình thường. Sau những lần bão đi qua, nhà của Tấn càng thêm mối mọt và ẩm thấp. Ngoài ra, do diện tích nhà cũ nhỏ nên mỗi lần con cháu về đông đủ đều thiếu chỗ ngủ, mặc dù có thêm nhà anh trai Tấn ở cạnh bên.

“Tấn muốn xây nhà cho bố mẹ từ rất lâu rồi, không chỉ mình mà tất cả anh em trong gia đình. Mình thường hay tâm sự với bố mẹ là đến 30 tuổi, kiếm được thu nhập ổn định thì con sẽ sửa nhà. Đó cũng lý do mà những năm qua, mình đã cố gắng rất nhiều vì áp lực bởi con số 30 (cười).

Hai năm gần đây, bố mẹ hay đau ốm nên mình càng lo lắng. Mình bàn với anh chị em để có thể thực hiện ước mơ làm nhà sớm hơn. Từ đó, bố mẹ sẽ có nhiều thời gian được an yên với con cháu, sống bớt lo nghĩ. Nói đúng hơn, anh chị em trong nhà mình muốn bố mẹ có chỗ đi ra đi vào vui vẻ, không cần lao động hay nghĩ gì cả. Nếu mối lo làm nhà hoàn thành, chúng mình có thể bắt đầu tính đến việc đưa bố mẹ đi du lịch nhiều hơn, trải nghiệm hết những thứ thú vị ngoài kia", Tấn tâm sự.

Căn nhà cũ của gia đình Tấn

Dự định đã lên từ lâu, tuy nhiên nhiều lần Tấn chia sẻ kế hoạch làm nhà thì bố mẹ đều từ chối.

“Sau khi vào TP. HCM, mình sống xa nhà và cảm giác bất an xuất hiện nhiều hơn. Hồi năm ngoái, mình có nhắc đến việc vay tiền làm nhà. Song bố mẹ luôn từ chối rất gắt vì sợ con cái thêm gánh nặng và có xáo trộn cuộc sống trong thời gian dài. Thực tế, chưa khi nào bố mẹ mình thấy thoải mái với đề nghị xây nhà", chàng trai kể lại.

4 tháng xây lại căn nhà mới tặng bố mẹ

Sau quãng thời gian dài thuyết phục bố mẹ, anh chị em của Tấn đã bắt tay vào làm lại nhà cũ. Trong đó, Tấn đóng góp khoảng 1 tỷ đồng và phụ trách lên kế hoạch xây nhà, làm việc với các nhà thầu.

Căn nhà mới được đặt tên “Childhood House” (Căn nhà tuổi thơ), tổng diện tích đất là 150m2. Không gian sống gồm 4 phòng ngủ, 1 phòng thờ, 2 WC, 1 phòng khách kết hợp bếp. Ngoài ra, căn nhà còn có 600m2 diện tích vườn cây đang trong quá trình hoàn thiện thêm và 150m2 diện tích sân trước.

Với mong muốn nhà mới sẽ là nơi đại gia đình tề tựu, Tấn đã thiết kế một khu vườn nhỏ ngay giữa nhà. Anh hy vọng đây sẽ là nơi kết nối giữa phòng ngủ và phòng khách để mọi người dễ dàng nói chuyện, vui đùa cùng nhau.

Thời gian xây dựng và hoàn thiện là 4 tháng, với tổng chi phí khoảng 2 tỷ đồng. Gia đình Tấn làm nhà một tầng, theo lối kiến trúc hiện đại. Trong quá trình xây nhà, Tấn ưu tiên thiết kế không gian sống có nhiều kính, tối giản và tiện lợi.

“Ban đầu mình dự kiến tổng chi phí 1 tỷ đồng. Sau đó, có một số yêu cầu đặc biệt nảy sinh nên tổng chi hạch toán lên đến 2 tỷ đồng. Mình đã nhờ người thân hỗ trợ thêm. Với mình, căn nhà là thành quả nỗ lực của cả gia đình. Hy vọng trong vài năm tới, mình có thể tiếp tục hoàn thiện căn nhà cho bố mẹ", Tấn nói.

Tấn nhớ lại, có nhiều nguyên nhân khiến chi phí làm nhà tăng lên. “Khi làm nhà, phần móng nhà và sân nâng cao lên so với dự tính, khiến mình cần chi nhiều hơn. Tiếp đó, mình muốn làm nhà có nhiều công năng, yêu cầu tường dày hơn để chống nóng tốt. Ngoài ra, mình cũng mua vật liệu tốt hơn để làm gạch lót sàn, sắm thêm camera, đèn chiếu sáng và nội thất tốt nên cũng làm chi phí gia tăng".

Một căn nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi hơn đã hoàn thành

Căn nhà có giếng trời và vườn cây nhỏ trong nhà

Chia sẻ về lời khuyên cho những người dự định xây nhà, chàng trai cho hay: “Mình nghĩ phương án tốt nhất là cần tìm một nhà thầu bao trọn gói làm phần thô. Việc này tưởng chừng như tốn kém nhưng giảm được rất nhiều rủi ro liên quan đến chất lượng nhà, chi phí phát sinh và chốt được thời gian hoàn thành. Đặc biệt, một nhà thầu tốt giúp kiểm soát việc thiếu hụt vật tư, ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, phòng ngừa đơn vị thi công thiếu nhân sự.

Riêng với bạn có thể giám sát trực tiếp quá trình làm nhà, mình khuyên nên tìm đơn vị thiết kế. Họ giúp mình lên hết dự toán chi tiết các loại vật tư, khối lượng và nhãn hàng vật liệu để tránh phát sinh. Riêng với vật tư làm nhà, nếu bạn thấy giá xuống thấp thì nên mua số lượng lớn, không mua lẻ vì chúng có thể tăng giá trong tương lai".

Cách chàng trai 28 tuổi tích lũy tiền làm nhà cho bố mẹ

Giống như bao người trẻ vừa hoàn thành cột mốc làm nhà, Mạnh Tấn cho hay tài chính của anh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Các dự định cho cá nhân như đi du lịch, mua nhà… đều được chàng trai gác lại để ưu tiên “deadline" xây nhà cho bố mẹ. Tấn tính ít nhất 2 năm nữa, anh mới có thể bắt đầu nghĩ đến những khoản chi tiêu lớn khác.

Để mang nhà mới về cho bố mẹ, Mạnh Tấn cũng học cách kiểm soát tài chính chặt trong thời gian dài. “Để xây dựng một công thức tiêu tiền chung mọi người thì rất khó. Lấy ví dụ trường hợp cá nhân, mình chia theo khoản tiền cố định. Ban đầu, mình dự tính xây nhà trong 2 năm tới tốn 500 triệu đồng. Do đó, mình sẽ để dành 20 triệu đồng/tháng tiền tiết kiệm.

Hoặc mình tính đi du lịch trong tháng 12 tốn khoảng 100 triệu đồng, thì mình dùng số tiền đó chia đều cho các tháng. Tất nhiên, mỗi tháng mình còn để dành khoảng 10 triệu đồng cho các chi phí phát sinh”, chàng trai kể lại.

Bên cạnh đó, Mạnh Tấn cũng chia sẻ một số phương pháp cá nhân giúp quản lý tài chính và tiết kiệm tiền tốt hơn.

“Mình nghĩ, dưới 30 tuổi bạn cần xác định rõ mục tiêu trước khi tìm ra phương pháp chi tiêu và xây dựng kế hoạch. Với mình, chi phí kết giao các mối quan hệ công việc, mua thiết bị phục vụ công việc và xây dựng hình ảnh cá nhân sẽ tốn nhiều hơn.

Mình sẽ không mua sắm lung tung, giữ vật dụng trong nhà tối giản nhất. Mình hạn chế các loại hình giải trí hơi tốn kém như đi bar, nhậu… Có khi một bữa vui nhậu nhẹt với bạn cũng có thể tốn 1-2 triệu đồng ở TP.HCM.

Thêm một tips nữa là nếu chưa rõ khả năng chi trả thì bạn nên quên đi thẻ tín dụng. Vì nó sẽ làm bạn chi tiêu vượt xa khả năng chi trả và không còn tiền tiết kiệm. Cuối cùng là phải rèn luyện sức khỏe thường xuyên để có sức bền, vượt qua được áp lực và kiếm thật nhiều tiền nhé!”.

Hiện nay, nhiều người trẻ phân vân giữa việc “tiết kiệm tiền" hay “dành tiền đi đầu tư vào bản thân để tiền đẻ ra tiền". Mạnh Tấn cũng có những góc nhìn riêng về về vấn đề này.

“Mình nghĩ cần rạch ròi giữa hai khái niệm, đặc biệt là đầu tư. Nếu các bạn chưa đủ kiến thức thì không nên lấy hết tiết kiệm để cho hết vào chứng khoán này kia theo trào lưu nhé. Miễn là số tiền bạn tiết kiệm có thể đảm bảo các mục tiêu tài chính và rủi ro tương lai là được.

Hiện tại, mình tập trung nâng cao chuyên môn và phát triển hình ảnh cá nhân theo hướng chuyên gia. Do đó, mình sẽ chưa dành nhiều thời gian để tìm hiểu các cơ hội đầu tư trực tiếp mà chỉ tiết kiệm an toàn bằng cách gửi tiền vào ngân hàng và các quỹ. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể thay đổi vào năm 2026 nếu bản thân có định hướng khác", Tấn chia sẻ.

Ảnh: NVCC

Mong muốn bố mẹ đầy đủ hơn, chàng trai 28 tuổi chi 1 tỷ cải tạo nhà cấp 4 - Ảnh 5.

 

Theo Vân Anh

Phụ nữ số

Trở lên trên