MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Monsanto trúng đòn mạnh

12-08-2018 - 21:29 PM | Tài chính quốc tế

Vẫn còn 5.000 vụ kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ chờ đợi Công ty Hóa chất Monsanto tại Mỹ

Công ty Hóa chất Monsanto (Mỹ) hôm 10-8 bị buộc bồi thường 289 triệu USD cho một người đàn ông đang cận kề cái chết vì bệnh ung thư do sử dụng thuốc diệt cỏ của nhà sản xuất này.

Không cảnh báo trước

Theo phán quyết của bồi thẩm đoàn một tòa án ở TP San Francisco, bang California - Mỹ, thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto đã khiến ông Dewayne Johnson bị ung thư và công ty này không cảnh báo trước về những tổn hại sức khỏe khi sử dụng sản phẩm này. Ngoài ra, bồi thẩm đoàn còn nhận thấy các quan chức Monsanto có những hành động "ác ý hoặc mang tính áp bức".

Trong phiên tòa kéo dài một tháng này, các luật sư của bên nguyên lập luận rằng Monsanto đã "chống lại khoa học" và những học giả dám lên tiếng cảnh báo về rủi ro của Roundup đối với sức khỏe trong nhiều năm qua.

Ông Johnson là người đầu tiên kiện Monsanto ra tòa năm 2016, với cáo buộc sản phẩm Roundup, có thành phần chính là hóa chất Glyphosate, gây ung thư. Tại tòa, bên nguyên cho biết trong 4 năm chăm sóc vườn cây tại một trường học ở TP Benicia, bang California, ông đã phun gần 570 lít Roundup khoảng 20-30 lần mỗi năm và hiện mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết không Hodgkin. Phát biểu sau khi nghe phán quyết, ông Johnson hy vọng vụ việc của mình sẽ là cú hích mạnh mẽ cho cuộc chiến pháp lý chống lại Monsanto cũng như thu hút sự chú ý của dư luận.

Phán quyết trên là đòn mạnh giáng vào một trong những công ty hóa chất lớn nhất thế giới bởi vẫn còn 5.000 vụ kiện tương tự khắp nước Mỹ chờ đợi họ, trong đó bên nguyên còn cáo buộc công ty này biết rõ các tác hại của chất diệt cỏ từ lâu nhưng tìm cách che đậy. Vào tháng 10 tới, một phiên tòa khác dự kiến diễn ra tại TP St. Louis, bang Missouri, nơi đặt trụ sở của Monsanto.

Monsanto trúng đòn mạnh - Ảnh 1.

Ông Dewayne Johnson sau khi nghe phán quyết tại phiên tòa hôm 10-8. Ảnh: AP

Monsanto trúng đòn mạnh - Ảnh 2.

Thuốc diệt cỏ Roundup Ảnh: REUTERS

Nỗi lo từ Glyphosate

Lâu nay, Monsanto cho rằng Roundup - được tung ra thị trường từ năm 1976 - an toàn và không liên quan đến ung thư. Tại phiên tòa trên, họ còn viện dẫn kết quả những công trình nghiên cứu nhằm phản bác. Đáp lại, nhóm luật sư của ông Johnson đã đưa ra email nội bộ của các quan chức Monsanto, theo đó cho thấy công ty này phớt lờ cảnh báo của các chuyên gia và tìm kiếm những kết quả phân tích có lợi. Họ thậm chí bị cáo buộc tạo ra "khoa học riêng" nhằm chứng tỏ những sản phẩm của mình an toàn và khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục sử dụng.

Đáng lo hơn, bồi thẩm đoàn cũng được xem qua chứng cứ cho thấy Monsanto "bắt tay" chặt chẽ với các quan chức Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) trong lúc che đậy bằng chứng về tác hại của những sản phẩm liên quan.

Theo tờ The Guardian (Anh), phiên tòa nói trên không chỉ gói gọn ở một nạn nhân đang chết dần chết mòn bởi chất diệt cỏ có chứa Glyphosate vẫn đang được sử dụng phổ biến trên thế giới - khoảng 826 triệu kg mỗi năm. Hậu quả là Glyphosate tồn dư được tìm thấy trong thức ăn, nguồn nước và thậm chí cả nước mưa, theo một số nhà khoa học Mỹ. Hồi tháng 3-2015, Tổ chức Y tế thế giới kết luận Glyphosate có thể gây ung thư. Từ đó, nhiều quốc gia và chính phủ đã cấm hoặc hạn chế sử dụng Glyphosate.

Đây không phải lần đầu tiên sản phẩm của Monsanto dính tai tiếng. Họ là một trong những công ty sản xuất "chất độc da cam" (tên gọi một loại thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây có liên hệ đến ung thư và những chứng bệnh khác) được quân đội Mỹ sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Năm 2012, Monsanto đồng ý chi 93 triệu USD để dàn xếp với thị trấn Nitro, bang Tây Virginia, về vụ kiện liên quan đến chất độc da cam. Công ty này có một nhà máy sản xuất hóa chất ở thị trấn Nitro trong giai đoạn 1949-1971 và bị tố phát tán nhiều hóa chất độc hại tại địa phương này. Cũng trong năm 2012, một tòa án Pháp phán quyết Monsanto phải chịu trách nhiệm trong vụ một nông dân bị ảnh hưởng hệ thần kinh do hít phải thuốc diệt cỏ Lasso.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên