MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Moody’s: VPBank, BIDV được lợi nhất nếu VAMC mua nợ xấu bằng tiền mặt

20-06-2016 - 17:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s vừa đưa ra nhận định đối với kế hoạch của mua nợ xấu bằng tiền mặt lần đầu tiên của VAMC.

Ngày 7/6, hãng tin Bloomberg đưa tin rằng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ mua nợ xấu của các ngân hàng bằng “tiền tươi thóc thật” lần đầu tiên trong năm nay.

Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s nhận định đây là một động thái tích cực cho các ngân hàng Việt Nam bởi giao dịch bằng tiền mặt đồng nghĩa với việc các rủi ro kinh tế gắn liền với nợ xấu sẽ được chuyển sang cho VAMC.

“Kế hoạch mua nợ xấu bằng tiền mặt có mục tiêu đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt, nhằm kích thích cho vay và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Moody’s nhận xét trong một báo cáo phát đi ngày 20/6.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất cả các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% phải bán tài sản xấu cho VAMC. Đổi lại, các ngân hàng nhận về trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các trái phiếu này và không nhận lợi tức hay chuyển nhượng trái phiếu.

Theo Moody’s, với việc bán nợ xấu lấy tiền, nợ xấu sẽ giảm, đồng thời các ngân hàng sẽ có thêm tiền, qua đó cải thiện khả năng hấp thụ lỗ. Lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng lên do tiền thu được từ bán nợ có thể dùng để cho vay.

Tuy nhiên, Moody’s cũng thận trọng cho rằng sự thành công của kế hoạch này còn phụ thuộc vào khả năng mua nợ xấu của VAMC từ các nhà băng.

VAMC hiện chỉ có khả năng chi 2.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ, để mua nợ xấu. Trong khi đó, chỉ tính riêng số nợ xấu của các ngân hàng Việt được Moody’s đánh giá tín nhiệm đã lên đến 30.000 tỷ đồng. Do đó, kế hoạch mua nợ này cần có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Nguồn: Moodys.
Nguồn: Moody's.

Các ngân hàng có tỷ lệ tín dụng cần lưu ý đặc biệt lớn nhất sẽ được lợi từ kế hoạch này của VAMC, do các khoản vay này có nguy cơ lớn nhất bị chuyển nhóm thành nợ xấu.

Theo đó, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ được lợi nhiều nhất. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ cần lưu ý đặc biệt ở hai ngân hàng này tương ứng 5,8% và 2,8% tổng số dư nợ.

Theo Minh Tuấn

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên