Morocco động đất, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu ure, DN phân bón Việt Nam sẽ ra sao khi cổ phiếu đã tăng 2 chữ số?
Các nước xuất khẩu phân bón hàng đầu tiết cung có thể khiến giá phân bón thế giới tiếp tục tăng cao.
- 05-07-2023Phân Bón Bình Điền có lãi trở lại trong quý 2, lên kế hoạch lợi nhuận quý 3 gấp 9,5 lần cùng kỳ
- 01-05-2023Doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam và chuyện chưa từng có trong 15 năm qua
Tối ngày 8/9, trận động đất mạnh nhất thế kỷ đã xảy ra tại Morocco - quốc gia tại tây bắc của châu Phi, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đây cũng là quốc gia nằm trong nhóm dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu phân bón, cụ thể là phân lân nhờ sở hữu 70% sản lượng đá phốt phát của thế giới.
" Sự việc Morocco gặp động đất có thể sẽ tác động mạnh đến nguồn cung phân bón thế giới trong ngắn hạn, trong bối cảnh Trung Quốc mới đây đã yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu phân ure sau khi giá trong nước tăng vọt. Giá ure có thể sẽ tiếp tục tăng lên trước những thông tin này, kéo theo giá phân bón trong nước cũng sẽ tăng theo " - Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm KHCN công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.
Theo một chuyên gia phân tích chuyên ngành phân bón tại một CTCK lớn, câu chuyện Morocco gặp động đất cũng có thể tác động lên giá phân bón, nhưng chủ yếu là phân lân thay vì phân ure khi đất nước này là quốc gia xuất khẩu phân lân thuộc hàng top trên thế giới.
Phân Ure (phân đạm) có thành phần chính là Ni tơ trong khi Phân lân có thành phần chính là phốt pho.
Giá ure tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây. Theo dữ liệu từ Investing , giá ure kết phiên ngày 8/9 ở mức 452 USD/tấn. So với thời điểm cuối tháng 6, giá mặt hàng này đã tăng vọt hơn 50% để giao dịch quanh vùng cao nhất từ đầu năm đến nay. Trước đó, giá ure đã liên tục giảm mạnh từ cuối quý 3 năm ngoái và có thời điểm rơi xuống thấp nhất trong hơn 2 năm.
Hàng loạt yếu tố tác động khiến giá phân bón nhảy vọt
Giá phân bón từng chứng kiến giai đoạn tăng rất mạnh trong năm 2021 và đầu năm 2022 do sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân chính là do thời điểm đó các nước phương Tây đã cấm vận Nga khiến nguồn cung phân bón trên thế giới sụt giảm mạnh.
Từ quý 3/2022, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đã được khắc phục, giá phân bón bắt đầu chững lại và đi xuống. Đến thời điểm đầu năm 2023 thì giá phân bón tiếp tục lao dốc.
Tuy nhiên, những biến động mới từ các quốc gia dẫn đầu về nguồn cung trên thế giới đã và đang hỗ trợ cho đà tăng của giá loại hàng hóa này.
Bên cạnh việc giá ure tăng, ông Minh cho rằng việc giá nông sản tăng cũng có thể hỗ trợ tích cực cho giá phân bón trong nước. Thời điểm hiện nay nhu cầu tiêu dùng nông sản đã bắt đầu tăng trở lại sau giai đoạn lạm phát ở mức cao. Điều này cũng giúp thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh nông sản. “Cầu phân bón tăng mà cung đang giảm sẽ là một yếu tố quan để đẩy giá mặt hàng này lên cao hơn”. Ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ.
Một chuyên gia phân tích ngành phân bón khác đánh giá, bên cạnh việc Trung Quốc cấm xuất khẩu ure trong thời gian tới thì việc Ấn Độ đang có nhu cầu phân bón lớn cũng có thể khiến giá mặt hàng này tăng cao.
Vị chuyên gia này cho biết thời gian gần đây Ấn Độ đang có động thái tăng nhu cầu sử dụng phân bón vì đất nước này đăng muốn tăng diện tích trồng lúa gạo và trồng đường. Điều này được thực hiện để bù đắp cho sản lượng sản xuất thấp trong quãng thời gian qua do tình hình thời tiết xấu.
"Khi Ấn Độ tăng nhu cầu sử dụng với phân bón mà Trung Quốc thắt chặt nguồn cung có thể khiến giá urea thế giới tăng cao. Ngoài ra, thời điểm cuối năm cũng là lúc vào mùa vụ thu hoạch chính, sẽ làm tăng giá của mặt hàng này", chuyên gia dự báo.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia Phân tích và Tư vấn đầu tư chứng khoán, tốc độ tăng của giá phân bón nội địa nhiều khả năng vẫn sẽ thấp hơn so với giá quốc tế, do còn phụ thuộc vào cung – cầu trong nước.
Triển vọng của các doanh nghiệp phân bón trong thời gian tới
Trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp trong ngành phân bón đã ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh do giá sản phẩm giảm sâu. Hai ông lớn Đạm Phú Mỹ (mã chứng khoán: DPM) hay Đạm Cà Mau (mã chứng khoán: DPM) đã báo cáo khoản lợi nhuận giảm đến 70%-90%. Thậm chí Đạm Hà Bắc (mã chứng khoán: DHB) báo lỗ quý thứ hai liên tiếp sau năm 2022 thăng hoa.
Tuy nhiên, với việc giá phân bón nói chung có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi một số đất nước xuất khẩu hàng đầu thu hẹp nguồn cung, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam có thể cải thiện được kết quả kinh doanh của mình sau hai quý sụt giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, giá ure nội địa đi lên sẽ hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nổi bật là các đại diện đầu ngành như Đạm Phú Mỹ hay Đạm Cà Mau. Với đóng góp từ giá ure hồi phục đồng thời nhu cầu tiêu thụ phân bón có thể cải thiện theo diễn biến tích cực của thị trường gạo, nhiều khả năng các doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam sẽ thoát đáy chu kỳ nếu xét theo kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm 2023.
Ông Tâm cũng cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể tăng trưởng 2 con số vào năm 2024. Vị chuyên gia này lưu ý rằng, giá cổ phiếu sẽ luôn đi trước kết quả kinh doanh, do đó mặc dù lợi nhuận hiện đang trong quá trình thoát đáy thì giá của các cổ phiếu như DCM và DPM đã tạo đáy trung hạn từ lâu và đang ghi nhận sóng tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, sự sụt giảm kết quả kinh doanh của nhóm ngành phân bón trong nửa đầu năm 2023 chủ yếu đến từ việc giá mặt hàng này giảm sâu. Khi Morocco hay Trung Quốc thu hẹp nguồn cung sẽ là giúp giá phân bón tăng trong thời gian tới, thậm chí là tăng mạnh. Việc giá phân bón tăng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong ngành cải thiện được lợi nhuận trong quý 3 và quý 4.
Ngoài ra, khi một số đất nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới giảm sản lượng cũng sẽ là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng hoạt động xuất khẩu. Hiện nay các công ty phân bón trong nước đang chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa. Khi các nước lớn tiết cung thì sẽ là một cơ hội cho xuất khẩu phân bón của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm nhu cầu sử dụng phân bón luôn là lớn nhất trong một năm do yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, những đầu ngành phân bón tiết cung sẽ đẩy giá phân bón lên cao hơn. Hai yếu tố này sẽ hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các công ty phân bón. Chuyên gia khẳng định lợi nhuận của các doanh nghiệp này nửa cuối năm sẽ cao hơn nửa đầu năm.
Hiện Nga đang bắt đầu ngừng xuất khẩu nông sản như lúa mỳ, ngô, đậu tương... Khi đất nước này ngừng xuất khẩu sẽ khiến giá các mặt hàng nông sản tăng lên. "Khi các nước khác sẽ không thể sử dụng các mặt hàng nông sản từ Nga, họ phải tự trồng, điều này có thể giúp giá phân bón phục hồi về mức cao năm 2021. Tuy nhiên việc này cũng còn phục thuộc cuộc đàm phán giữa Nga và các đối tác", vị chuyên gia nói.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9, cổ phiếu của các công ty phân bón như DPM, DCM, BFC, DHB... đồng loạt tăng trần, trắng bên mua.
Kể từ cuối tháng 5 đến nay, các cổ phiếu trong ngành phân bón đã tăng mạnh. Trong đó, cổ phiếu DPM đã tăng 39%; DCM tăng 54%; BFC tăng 25% hay DDV tăng 13,8%.
Nhịp sống thị trường