Một bí quyết để kiến tạo những đứa trẻ hạnh phúc: Tưởng chừng rất đơn giản nhưng nhiều bậc phụ huynh bỏ qua
Trở thành bạn của con - việc này đôi khi nói dễ hơn làm, nghĩ thông suốt hơn thực hiện. Song nếu làm tốt được việc này, cha mẹ sẽ xây dựng được mối quan hệ đồng hành, tin tưởng để con thoải mái chia sẻ những khúc mắc trong lòng.
- 29-03-2024Mẹ thử nuôi dạy con cái theo "phong cách châu Âu" và bị sốc trước kết quả
- 29-03-2024Tỷ phú Bill Gates: Áp dụng một PHƯƠNG PHÁP dạy con đơn giản nhưng nhiều nhà sớm bỏ cuộc, cựu Tổng thống Mỹ, Steve Jobs cũng thực hiện
- 29-03-2024Có 1 điều cần dạy con quan trọng hơn kiến thức nhưng nhiều cha mẹ thường bỏ qua, đến khi nhìn lại đã quá muộn
Con cứ về đến nhà là đóng cửa phòng
Mất kết nối với con, lúc nào cũng nóng giận với con, đó là vấn đề chị Lê Thanh Huyền (42 tuổi, Hà Nội) phải đối mặt suốt một thời gian dài.
Con gái lớn của chị Huyền học lớp 11 - ở cái tuổi mà theo chị là phải giúp đỡ bố mẹ được khá nhiều việc, thì con chị lại thiếu tính tự lập và hay trì hoãn.
Chị Huyền chia sẻ: “Tôi vô cùng khó chịu khi phòng con lúc nào cũng bừa bộn, đồ đạc để lung tung vì con không chịu dọn dẹp. Bát đũa ăn xong buổi tối, lẽ ra con có thể rửa ngay nhưng con lại để đến hôm sau”.
Mỗi ngày đi làm về, nhìn thấy chậu bát đầy ụ lên là chị lại bực bội. Nhiều lần chị để yên, không giục giã để cho con tự xem lại mình thì thậm chí tận 3 ngày liền con cũng không làm việc đó.
Có hôm gọi mãi mà con không ra ăn cơm, vợ chồng chị bực quá mắng mỏ thì con vào nhà vệ sinh đóng cửa ở lì trong đó. Vợ chồng chị ngồi bên ngoài chờ để nói chuyện với con nhưng đến gần 2h sáng con vẫn chưa chịu ra. Khi vợ chồng chị về phòng của mình thì lúc sau mới nghe thấy tiếng con mở cửa nhà vệ sinh.
“Lúc nào con cũng nói rằng bố mẹ chẳng thương con, chẳng quan tâm đến con, trong khi tôi thì nghĩ ngược lại, không hiểu sao mình đã dành bao nhiêu tình cảm cho con mà con lại nói mình như vậy. Khoảng cách giữa hai mẹ con ngày càng xa, con cứ đi về nhà là bắt đầu đóng cửa lại, không nói chuyện với mẹ nữa. Tôi buồn lắm vì mẹ và con gái thường phải thân thiết, còn mẹ con tôi thì lại không thể chia sẻ được với nhau”, chị bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1969, Thanh Hóa) cũng bị mất kết nối với con trai thứ 2, 14 tuổi. Chị là bác sĩ, công việc bận rộn nên không có nhiều thời gian quan tâm đến con. Khi thấy con làm điều gì chưa hài lòng hoặc kết quả học tập không tốt là chị thường sẽ trách mắng, đưa ra hàng loạt câu hỏi tại sao. Điều này tạo ra khoảng cách lớn giữa hai mẹ con. Khi con bước sang tuổi dậy thì, kết quả học tập đi xuống, thường xuyên kêu chán rồi ra ban công ngồi một mình, mẹ hỏi gì cũng không nói khiến chị vô cùng lo lắng.
Làm bạn với con như thế nào?
Trên đây là 2 trong số rất nhiều câu chuyện được chia sẻ tại chương trình “Kiến tạo cuộc đời mới - Đường về hạnh phúc” do Học viện Minh Trí Thành tổ chức trong 2 ngày cuối tháng 3 vừa qua tại Hà Nội.
Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh cho biết, hiện nay rất nhiều bậc cha mẹ bị “mất kết nối” với con. Họ lo lắng vì con không nghe lời, ngày càng xa cách, không muốn trò chuyện với mình.
Theo nữ chuyên gia, ngày bé đứa trẻ nào cũng quấn quýt, yêu thương cha mẹ nhưng khi trưởng thành thì khoảng cách giữa con và cha mẹ càng lớn. Hầu hết cha mẹ có xu hướng muốn con làm theo ý mình mà bỏ qua việc lắng nghe, thấu hiểu, khiến con cảm thấy cha mẹ áp đặt, không hiểu mình, không muốn chia sẻ bất kỳ điều gì với cha mẹ nữa.
“Vậy nên con không phải vấn đề của cha mẹ mà chính cha mẹ mới là vấn đề của con. Con không muốn gần gũi với cha mẹ bởi ở gần cha mẹ, con không có cảm giác thoải mái, an toàn”, cô nói.
Để kết nối lại với con, nữ chuyên gia khuyên cha mẹ nên học cách làm bạn với con, bắt đầu từ việc dành thời gian lắng nghe một cách cởi mở, hiểu các nhu cầu, mong muốn và cảm xúc của con, khiến con được là chính mình khi ở bên cha mẹ. Không nên kiểm soát, áp đặt mà hãy đặt mình vào vị trí của con, trở thành “đồng bọn” của con, đồng ý với con dù con đúng hay sai để con tin cậy cha mẹ, tiếp đó mới phân tích đúng sai cho con hiểu. Giai đoạn dậy thì, nhu cầu thể hiện bản thân của các con rất lớn, cha mẹ không nên mắng chửi, chê bai con mà cần có sự tôn trọng con.
Khi làm tốt những điều này thì việc dẫn dắt con làm theo mong muốn của mình sẽ không có gì khó khăn, mối quan hệ giữa cha mẹ và con sẽ dần được cải thiện theo hướng tích cực.
Trong chương trình “Kiến tạo cuộc đời mới - Đường về hạnh phúc”, bên cạnh chủ đề cha mẹ “làm bạn” với con, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lanh cùng đội ngũ chuyên gia đã giải đáp nhiều khúc mắc khác của các bậc cha mẹ trong hành trình nuôi dạy con cái như con nghiện game, gắn mác xấu cho con, con nổi loạn tuổi dậy thì… Chương trình góp phần lan tỏa thông điệp về hạnh phúc để các gia đình luôn được sống trong niềm vui, tiếng cười.