Một châu Âu thật khác: Thoải mái, ung dung tiến vào thời kỳ "hậu Covid" trong lúc cả thế giới vật lộn vì dịch bệnh
Nhìn vào châu Âu lúc này, chúng ta có thể mường tượng ra thế giới sẽ như thế nào sau khi đẩy lui được dịch bệnh.
- 04-03-2021Loại rau dại đắt gấp 2-3 lần rau sạch, Châu Âu, Trung Quốc tôn là "rau trường thọ" nhưng người Việt vẫn chưa biết dùng đúng cách
- 28-02-2021Vì sao Mỹ và châu Âu lại hứng chịu bão tuyết và giá rét kỷ lục?
- 24-01-2021Nhiếp ảnh gia ngao du khắp châu Âu, tìm lại những địa điểm trong loạt ảnh cũ từ 100 năm trước khiến ai cũng ngỡ ngàng vì sự đổi thay kì diệu
Tình hình Covid-19 trên thế giới vẫn đang có diễn biến phức tạp. Tâm dịch Ấn Độ liên tục lập kỷ lục thế giới về số ca nhiễm và tử vong. Brazil được xem là một "Fukushima sinh học", khi tình cảnh hiện tại biến họ trở thành một lò ấp biến chủng có nguy cơ gây họa cho cả thế giới. Nhiều đất nước ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin cũng đang gặp khó khăn để dập các làn sóng dịch đang tràn lên.
Nhưng ở châu Âu vào lúc này, mọi chuyện đang thật khác.
Ngày 19/5, Liên minh châu Âu (EU) thông qua quyết định mở cửa biên giới cho tất cả những ai được tiêm chủng đầy đủ, bao gồm các hành khách từ Mỹ hoặc thuộc các nước được đánh giá là an toàn. Với quyết định này, bất kỳ ai dù không thuộc EU nhưng đã được tiêm các vaccine được họ chấp thuận - bao gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson sẽ được phép nhập cảnh vào các quốc gia EU mà không cần làm xét nghiệm hoặc cách ly bắt buộc.
Đây là một quyết định được đánh giá là hợp lý, nếu xét trên tình hình đang xảy ra tại châu Âu vào lúc này. Số ca nhiễm và tử vong liên tục giảm, tỉ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, họ cần phải sẵn sàng đón nhận mùa du lịch đã đang rất gần kề. Và dù mỗi quốc gia được cho phép thiết lập những quy định riêng, châu Âu lúc này thực sự có thể xem như một kiểu mẫu điển hình, cho chúng ta hình ảnh về một thế giới trong thời kỳ "hậu Covid".
Croatia
Giống như nhiều quốc gia khác ở châu Âu, Croatia từng đối mặt với làn sóng dịch bệnh lần thứ 3, đạt đỉnh hồi tháng 4/2021. Nhưng kể từ đó, số ca nhiễm tại đây giảm rất ổn định. Theo số liệu từ WHO từ ngày 10 - 16/5, Croatia chỉ có 239 trường hợp tử vong vì Covid (trung bình 34 ca mỗi ngày) và 5896 ca nhiễm mới (trung bình 842 ca mỗi ngày). Đã có 31% người trưởng thành ở Croatia được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, và 10% được tiêm chủng toàn bộ.
Du khách tham quan tại thành phố Dubrovnik (Croatia)
Ở thời điểm hiện tại, các quán bar và nhà hàng tại Croatia đã được hoạt động, nhưng khách hàng sẽ phải ăn uống bên ngoài. Chỉ có các khách sạn là được phép để khách ăn uống bên trong mà thôi. Ngoài ra, vẫn có lệnh giới nghiêm đóng cửa bắt buộc vào lúc 10h tối cho các ngành dịch vụ. Bãi biển, spa, công viên, sở thú, bảo tàng... được phép mở cửa, nhưng hộp đêm thì không.
Nhìn chung, tâm lý tại Croatia đang rất thoải mái. Mọi người đang khá nôn nóng quay trở về cuộc sống tương đối bình thường của họ, đồng thời tỏ ý nhanh chóng đón chào du khách. Croatia có nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào khách du lịch - lên tới 20% GDP.
"Hầu hết đang trở về cuộc sống bình thường," - Kresimira Kruslin, luật sư tại Zagreb cho biết. "Mọi người đều lạc quan. Người trẻ thấy thoải mái ra ngoài ăn uống nhậu nhẹt, kiểu vậy. Một số tỏ ra thận trọng hơn, nhưng tôi chưa thấy ai sợ hãi cả."
Pháp
Tỉ lệ dương tính với Covid-19 của Pháp đã giảm liên tục trong suốt 1 tháng qua, nhờ vào đợt phong tỏa toàn quốc hồi cuối tháng 3/2021 và chương trình tiêm chủng được thực hiện nhanh chóng.
Tính đến ngày 17/5, số ca nhiễm mới giảm xuống còn 14.000 so với 45.000 trước đó 1 tháng. Tỉ lệ dương tính giảm từ 10% xuống còn 4,5%. Và sau một khởi đầu khá chậm chạp, tốc độ triển khai tiêm chủng đang được đẩy mạnh lên rất nhiều, với 31% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi, và 14% được tiêm chủng toàn bộ.
Nhà hàng tại Paris được phép đón khách
Cũng theo lời Tổng thống Emmanuel Macron thì bắt đầu từ ngày 9/6, du khách ngoài châu Âu có thể nhập cảnh vào Pháp, miễn là họ mang theo giấy chứng nhận xét nghiệm. Chi tiết của quyết định này chưa được công bố.
Nhưng nhìn chung, tình hình cuộc sống tại Pháp lúc này cũng đang rất thoải mái. Các ngành hàng không thiết yếu được phép hoạt động, nhà hàng mở cửa cho phép khách được ăn uống bên ngoài, trong khi lệnh giới nghiêm được lùi lại 2h - từ 7h tối thành 9h tối.
Bảo tàng - như Louvre và Musée d’Orsay, nhà hát, rạp phim và các danh lam thắng cảnh khắp đất nước bắt đầu được phép mở cửa đón khách trở lại. Khu vui chơi Disneyland Paris cũng sẽ được mở cửa vào giữa tháng 6. Pháp sẽ tiếp tục trải qua 2 lần dỡ bỏ hạn chế: từ ngày 9/6 lệnh giới nghiêm sẽ được lui về 11h đêm, cho phép tổ chức ăn uống giới hạn trong các nhà hàng; và ngày 30/6 sẽ cho phép tụ tập đông người, tổ chức lễ hội. Nhưng dĩ nhiên, vẫn sẽ có giới hạn người được tham gia.
Tổng thống Emmanuel Macron đi uống cafe sau khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ
Các quyết định này nhằm hướng đến mùa du lịch trong những ngày hè sắp tới - sự kiện quan trọng đối với nền kinh tế của Pháp. Được biết, du lịch chiếm 8% tổng GDP nước Pháp, tạo ra 2 triệu việc làm. "Chúng tôi cần và muốn duy trì vị thế là nơi thu hút du lịch nhất châu Âu và cả thế giới nữa," - trích lời ông Beaune, một quan chức tại Pháp.
Hy Lạp
Hy Lạp đang trên đà phục hồi từ làn sóng dịch đạt đỉnh thời điểm đầu tháng 4/2021. Tính đến ngày 18/5, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày chỉ còn hơn 2000, giảm xuống từ mốc 3000 thời điểm ngày 5/4. Tỉ lệ dương tính cũng giảm còn 4,3%.
Điều quan trọng là 28% dân số Hy Lạp đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, và 16% được tiêm đầy đủ. Những người làm việc trong ngành du lịch được ưu tiên tiêm chủng, và họ đang hướng đến những hòn đảo sẽ đón nhận đông khách du lịch như Mykonos, Santorini, Corfu...
Du khách bắt đầu xuất hiện tại Hy Lạp
Cuộc sống tại Hy Lạp cũng đang dần cho cảm giác bình thường trở lại khi chính phủ quyết định dỡ bỏ rất nhiều hạn chế sau hàng tháng trời phong tỏa. Các khu vực danh lam thắng cảnh được mở cửa, trong khi hàng quán được phép phục vụ bên ngoài (tối đa 6 người mỗi bàn) từ ngày 3/5. Các bảo tàng cũng được mở cửa, dù vẫn yêu cầu khách tham quan đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách.
Bắt đầu từ ngày 21/5, rạp phim ngoài trời sẽ khởi động, trong khi spa, trung tâm giải trí và rạp hát cũng tái mở cửa vào cuối tháng. Lệnh giới nghiêm từ 0h30 đến 5h sáng vẫn được giữ nguyên.
Các hàng cafe tại Athens được phép mở cửa
Trên thực tế, Hy Lạp đang đi trước nhiều quốc gia tại EU về việc mở cửa cho du khách được tiêm chủng hoặc có chứng nhận âm tính. Ngành du lịch chịu trách nhiệm cho 1/4 tổng nghề nghiệp của đất nước, và hơn 1/5 GDP cả nước. Bởi vậy, họ muốn nhanh chóng khởi động lại ngành công nghiệp này, để giúp nền kinh tế phục hồi.
"Thật không may là sau 10 năm kinh tế khó khăn, thực phẩm và du lịch là những gì chúng tôi còn lại," - Kostas Tzilialis, nhân viên quán cafe sách tại Athens cho biết. "Chúng tôi không sản xuất cơ khí. Vậy nên chúng tôi mở cửa lại đây. Hy vọng rằng mọi người đã tiêm chủng và vaccine có thể bảo vệ chúng ta."
Ý
Ý dường như đang thoát khỏi làn sóng dịch bệnh thứ 3 bắt đầu từ giữa tháng 3/2021. Số ca nhiễm và tử vong đã giảm mạnh. Theo số liệu từ WHO, từ ngày 10 - 16/5, Ý ghi nhận 1369 người chết và hơn 50.000 ca nhiễm mới. Số ca nhập viện giảm tới 49%.
Hiện tại, 17% người trưởng thành tại Ý đã được tiêm chủng toàn bộ, trong khi 38% được tiêm ít nhất 1 mũi.
Một quán cafe tại Florence, Ý
Quốc gia này sử dụng hệ thống xếp loại độ nguy hiểm của các ổ dịch bằng các màu trắng - vàng - cam - đỏ với mức nguy hiểm tăng dần. Hiện tại, hầu hết các vùng của Ý đang là mức vàng, với các lệnh hạn chế khá thấp. Quán bar và nhà hàng đã được mở cửa phục vụ cho khách bên ngoài (phục vụ bên trong sẽ được cho phép từ ngày 1/6). Lệnh giới nghiêm vẫn là 11h đêm, nhưng từ ngày 7/6 sẽ được lui về 0h sáng. Và trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục hạ nhiệt, lệnh sẽ hoàn toàn được gỡ bỏ vào cuối tháng 6.
Bảo tàng, rạp hát cũng đã mở cửa, dù còn giới hạn người tham gia. Khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc.
Cuộc sống tại Ý hiện cũng tương đối khác so với các đất nước khác. Thái độ của công chúng khá lẫn lộn - giữa lạc quan, mệt mỏi vì dịch bệnh, và phấn khích. Ngày 4/5, Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố chấp nhận đón du khách nước ngoài, và ngay lập tức số du khách đến Ý đã tăng lên đáng kể.
Carlo Dalla Chiesa - quản lý một khách sạn tại Milan cho biết dù đã mất đi 97% doanh thu vì đại dịch, chủ khách sạn vẫn rất lạc quan và dự tính mở rộng kinh doanh tới Rome, Florence, Genoa và Palermo.
Thổ Nhĩ Kỳ
Số ca nhiễm và tử vong tại Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm rất đều đặn sau khi chính phủ ban hành lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần, và sẽ dần được dỡ bỏ trong tháng 5.
Ở thời điểm hiện tại, 13% dân số (trên 83 triệu người) đã được tiêm chủng toàn bộ, trong khi ít nhất 3 triệu được tiêm 1 mũi. Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng đang bị đình trệ do thiếu nguồn cung. Dẫu vậy, Bộ trưởng Bộ Y Tế Fahrettin Koca cho biết họ đang đặt hàng 30 triệu liều Pfizer vào tháng 6, cùng 50 triệu liều Sputnik V sẽ có mặt trong vòng nửa năm kế.
Là một quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào du lịch, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định không hạn chế nhập cảnh với các quốc gia được xem là "an toàn". Hơn nữa, đất nước cũng áp dụng hệ thống 2 tầng nhằm ngăn du khách phải chịu các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất - bao gồm giới nghiêm ban đêm và buộc ở nhà vào cuối tuần.
Trái lại, du khách được thoải mái đến thăm bảo tàng, tắm biển và ngắm cảnh. Nhà hàng, khu nghỉ dưỡng được hoạt động với số lượng khách giới hạn, trong khi các nhân viên làm ngành du lịch sẽ được ưu tiên tiêm chủng. Các hàng quán được mở cửa đón khách giới hạn, trung tâm thương mại chỉ được mở cửa cuối tuần. Rạp phim, phòng tập và bể bơi vẫn bị đóng cửa. Tuy nhiên, toàn bộ các lệnh hạn chế này dự tính sẽ được dỡ bỏ khi mùa du lịch tháng 6 bắt đầu.
Anh Quốc
Sau hàng tháng trời phong tỏa cùng chiến lược tiêm chủng nhanh chóng, tỉ lệ lây nhiễm tại Anh đã giảm đi đáng kể. Theo kế hoạch thì từ ngày 21/6, toàn bộ các lệnh hạn chế sẽ được dỡ bỏ, cho phép cuộc sống người dân tại Anh trở lại bình thường.
Người dân Anh dần trở về cuộc sống bình thường
Hiện tại, hơn 1/2 dân số Anh đã được tiêm ít nhất 1 mũi, 31% được tiêm toàn bộ. Chính phủ hướng đến sẽ tiêm chủng ít nhất 1 mũi cho toàn bộ người trưởng thành tại Anh vào cuối tháng 7.
Cuộc sống tại Anh Quốc lúc này cũng đang khá cởi mở. Nhà hàng, quán bar, hộp đêm, bảo tàng, rạp hát và khách sạn đã được mở cửa suốt 3 tuần qua với số lượng khách giới hạn và vẫn áp dụng giãn cách. Bên ngoài, hầu hết người dân gần như không đeo khẩu trang, nhưng quy định buộc phải đeo vẫn được áp dụng trong trường hợp tụ tập ăn uống trong phòng kín.
Khắp các thành phố lớn như London, Manchester, Brighton, Edinburgh... hàng quán đông nghẹt người đến tụ họp cùng bạn bè và người thân, sau những tháng ngày co cụm trong nhà. Nhu cầu đi du lịch đến các địa điểm nổi tiếng cũng tăng cao.
Nếu tình hình dịch bệnh vẫn ở mức thấp và biến chủng Ấn Độ được kiểm soát, chính phủ Anh dự tính sẽ dỡ bỏ toàn bộ các lệnh hạn chế vào ngày 21/6 - bao gồm cả quy định cấm tụ tập đông người và các hoạt động của hộp đêm, lễ hội.
Nguồn: NY Times
Pháp luật và bạn đọc