MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một chủ doanh nghiệp Việt đã làm rất tốt những điều vô cùng khó tin mà nhiều CEO thế giới cũng chưa làm nổi!

14-01-2017 - 10:19 AM | Doanh nghiệp

Khởi nghiệp lại ở tuổi ngoài 60, công ty không có người nhà, có hàng rào chống ô nhiễm..., đó là những điều chỉ riêng có ở tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh).

Nằm trên vùng đất khá hẻo lánh ở tỉnh Trà Vinh là một công trình đồ sộ, hiện đại nhưng xanh mát như khu nghỉ dưỡng. Đó là tập đoàn Mỹ Lan chuyên về sản xuất mực in, máy in cầm tay nhỏ xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, do ông Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada tạo dựng hơn một thập kỷ qua.

Mỹ Lan không chỉ gây ấn tượng bởi không gian xanh và hiện đại, mà ở đây còn hội tụ những điều rất lạ mà nhiều công ty lớn trên thế giới có thể chưa làm được. Ngoài chuyện người sáng lập Mỹ Lan "bắt" nhân viên tập thể dục 2 lần/ngày tại công ty, nhân viên được phục vụ 3 bữa tại nhà hàng sang trọng và nguồn thực phẩm do công ty tự trồng bên kia sông, Mỹ Lan và người sáng lập Thanh Mỹ còn những điều độc đáo khác.

Thuộc rất nhiều tên của nhân viên và hàng ngày ăn cơm chung cùng nhân viên

Hàng ngày, mọi người ở Mỹ Lan vẫn thường thấy ông chủ dùng cơm thân mật với nhân viên, những người vẫn gọi ông bằng cái tên thân thuộc “chú Mỹ”. Nhà ăn sang trọng, đội ngũ đầu bếp được đào tạo bài bản, không gian thoáng mát và nguồn thức ăn do công ty tự sản xuất đủ thấy ông chủ này quan tâm đến hơn 600 nhân viên như thế nào.

Khi được hỏi vì sao ông lại đầu tư cho bữa ăn của nhân viên đến như vậy, ông Mỹ kể lại câu chuyện thời ông bôn ba lập nghiệp ở Canada. “Trong những năm đầu ở xứ người, tôi rửa chén, làm bồi bàn. Tôi thấy ông chủ thường lấy da gà, thứ bỏ đi để chế biến cho nhân viên ăn. Nhân viên biết, nhiều khi họ đổ thức ăn đi cho bõ tức. Tôi từng cơ cực và hiểu giá trị của một bữa ăn ngon như thế nào. Và khi còn nhỏ, bữa ăn ngon giống như phần thưởng với tôi”, ông chủ Mỹ Lan kể.
Nhà ăn tại Mỹ Lan.
Nhà ăn tại Mỹ Lan.

Thường xuyên giao tiếp với nhân viên nên ông thuộc rất nhiều tên. “Đây là Vinh, quê ở Tây Ninh. Đây là Hoa, ở Bến Tre. Đây là Bình, ở Trà Vinh…”, người đàn ông hơn 60 tuổi nêu tên rành rọt từng nhân viên mới khi dẫn chúng tôi đi thăm công ty.

Hàng rào chống ô nhiễm chỉ có ở Mỹ Lan

“Khi vào công ty, cô có quan sát thấy hàng rào bao quanh công ty không? Đó là hàng rào chống ô nhiễm truyền thống. Nghĩa là mọi thói quen như hút thuốc, cờ bạc, nhậu nhẹt… phải bỏ ngoài hàng rào trước khi vào Mỹ Lan”, ông Mỹ chia sẻ.

Người đàn ông ngoại lục tuần chia sẻ, xây dựng cơ sở vật chất cho công ty đã đành, nhưng văn hóa công ty là yếu tố rất quan trọng và là những yếu tố khác biệt.

“Lương ở Mỹ Lan cao hơn ở Sài Gòn”

“Hồi xưa, tôi chỉ ước ao được lên máy bay. Giờ nhắc đến đi công tác là hơi “ngán”. Năm 2015, tôi đi Ấn Độ đến 5 lần. Công ty đã cho tôi đi 15 nước trên thế giới để học hỏi, tham gia triển lãm…”, anh Cường, một nhân viên của “chú Mỹ” kể với chúng tôi.

Anh Cường từ chối tiết lộ về mức lương cụ thể nhưng anh nói: "Làm ở đây lương còn cao hơn Sài Gòn".

Không có bóng dáng người nhà

Ông Mỹ có ba người con. Người con cả đang là chủ một công ty lớn ở Canada, con gái làm về luật, còn cậu út cũng đang kinh doanh riêng tại Singapore. Ngoài ông và vợ, không người nào có quan hệ ruột thịt đang nắm giữ vị trí quan trọng của Mỹ Lan.

Tiêu chí tuyển người của ông Mỹ cũng rất khác. “Tôi nhận người dựa trên 2 tiêu chí, đó là động lực và chuyên môn. Sẽ khó tìm một người luôn luôn có động lực, muốn vươn cao và kỹ năng tốt. Nhưng người có động lực, dù kỹ năng kém vẫn có thể dạy được. Còn người có kỹ năng nhưng không có động lực thì là ca rất khó. Theo tôi, động lực quan trọng hơn kỹ năng vì kỹ năng có thể dạy được”, ông Mỹ bày tỏ.

“Với tôi, một con người quan trọng nhất là có động lực phấn đấu”, doanh nhân ngoài 60 tuổi nói.

"Ônh không sợ mất người tài, người giỏi sau khi đào tạo họ hay sao", tôi hỏi. "Chú Mỹ” trả lời: "Thà những người giỏi bỏ tôi đi còn hơn người dốt cứ đeo bám cả đời. Những con người giỏi sẽ có nhiều cách để cống hiến cho xã hội nên chẳng thiệt đi đâu."

Khởi nghiệp lại ở tuổi 60

“Tôi còn quá trẻ để nghỉ ngơi”, ông Mỹ nói với chúng tôi.

Mỹ Lan đồ sộ là thế, cả về cơ sở vật chất và cả văn hóa nhưng năm 2015, ông Mỹ đã giao quyền điều hành cho vợ để bắt đầu khởi nghiệp lại ở tuổi lục tuần.

Ông cho rằng, với kinh nghiệm của bản thân, ông vẫn còn làm được những điều tốt đẹp cho xã hội, chứ không phải là tiền. Với suy nghĩ như vậy, ông đã khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp khi thực phẩm bẩn đang là vấn đề đáng suy ngẫm trong thời gian gần đây.

“Tôi tập trung làm nông nghiệp thông minh, đồng hồ nước, theo dõi nước mặn, theo dõi quan trắc để người dân có nước canh tác. Hàng ngày tôi thấy những cái không đúng ở đây. Thứ nhất là đất nước mình đầy tôm cá, lúa gạo và rau quả nhưng lại phải sử dụng thực phẩm bẩn là sai. Mình chỉ làm cho đúng cái đang sai”.

Ông không phải khởi nghiệp một công ty mà là 3 công ty. Thứ nhất là Rylan Fertilizer, chuyên về phân bón thông minh. Nông dân chỉ cần bón một lần cho suốt cả vụ để giải quyết thực trạng: Hiện nay, nông dân bón phân nhưng cây chỉ sử dụng một phần, phần phân còn lại tan vào nguồn nước, bốc hơi và phát thải khí nhà kính.

Công ty thứ hai Rylan Technologies, Rylan Agrifoods là về đồng hồ nước thông minh, cảm biến nhiệt trong xe.

Startup thứ ba là bao bì đa lớp giúp bảo quản nông sản trong thời gian dài mà không cần hóa chất.

Ông Thanh Mỹ dẫn đoàn thăm nhà máy sản xuất bao bì đa lớp công nghệ cao.

Trong bài thuyết trình trước lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, tôi thấy ông Mỹ đề cập rất nhiều đến trách nhiệm xã hội, đến chuyện sẽ giải quyết như thế nào nếu đồng hồ nước thông minh được sử dụng sẽ khiến những nhân công đang làm trong ngành này mất việc.

“Tôi sẽ làm thêm 9 năm nữa, rồi sẽ chuyển giao cho các nhân viên. Sau đó, tôi sẽ đi dạy và viết sách”, người đàn ông Trà Vinh nói về tương lai. Ngày hôm nay là tương lai của quá khứ, của cậu bé nghèo năm nào bôn ba nơi xứ người với khát vọng trở về Việt Nam để xây dựng quê hương.

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ

Trở lên trên