MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một cổ phiếu dược tăng 60% sau một tuần

Một cổ phiếu dược tăng 60% sau một tuần

Thị giá cổ phiếu NTF của Dược - Vật tư Y tế Nghệ An tăng 60% sau một tuần. Năm ngoái, doanh thu giảm 13%, lãi sau thuế tăng 8,4% lên 2,5 tỷ đồng. Cổ phiếu HNT của Xe điện Hà Nội tiếp tục tăng trần 10 phiên, tương đương mức tăng 373% so với đầu tháng 7.

Cổ phiếu NTF của CTCP Dược – Vật tư Y tế Nghệ An (DNA Pharma, UPCoM: NTF ) vừa tăng 5 phiên liên tiếp, trong đó 3 phiên tăng trần bất chấp tình trạng đi xuống của thị trường chung. 

Đóng cửa ngày 19/7, thị giá NTF ở mức 40.700 đồng/cp, tăng 60% sau một tuần. Thanh khoản bình quân của cổ phiếu thấp, khoảng 100 đơn vị, nhiều phiên không có giao dịch kéo dài từ khi cổ phiếu này lên sàn UPCoM vào tháng 7/2019.

DNA Pharma tiền thân là Quốc doanh dược phẩm Nghệ An sau khi được hợp nhất từ hiệu thuốc tây Nghệ An và Công ty Thuốc Nam Bắc năm 1960. Đến năm 2002, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với số vốn điều lệ ban đầu là 5,6 tỷ đồng và tăng lên 60 tỷ đồng vào năm 2015 và duy trì đến nay.

Đến cuối năm 2020, nhóm cổ đông lớn đã nắm giữ 86,4% cổ phần. Trong đó, CTCP Thương mại và Du lịch Ngân Anh sở hữu tới 54,78% vốn, tiếp đến là Công ty TNHH Thủy Anh (20,25%), Công ty TNHH Thung Lũng Vua (5,94%) và bà Vũ Thị Kim Thanh (5,47%).

Thương mại và Du lịch Ngân Anh và DNA Pharma đều nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn BRG. Tập đoàn này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, sân golf, sản xuất, bán lẻ, dược phẩm, du lịch, giải trí...

Trong đó, Thương mại và Du lịch Ngân Anh kinh doanh chính trong mảng bất động sản với một số dự án tiêu biểu như sân golf 18 hố BRG Ruby Tree Golf Resort tại Đồ Sơn, Hải Phòng; khu nghỉ ngơi và vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng tại Lương Sơn, Hoà Bình... Ông Đồng Văn Khánh là Chủ tịch HĐQT Thương mại và Du lịch Ngân Anh cũng giữ chức Phó Ban liên lạc, phụ trách khối Doanh nghiệp, Doanh nhân và phối hợp phụ trách đối ngoại trong Ban chấp hành Hải Phòng nhiệm kỳ 2018-2023.

Khác với Thương mại và Du lịch Ngân Anh, DNA Pharma chuyên sản xuất kinh doanh dược - mỹ phẩm, thuốc và trang thiết bị y tế. Năm ngoái, doanh thu thuần của công ty dược giảm 13% xuống 213,5 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm nhiều hơn 14,4% nên biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 18% lên 19%. Sau khi trừ đi các chi phí, lãi sau thuế tăng 8,4% lên gần 2,5 tỷ đồng. 

Một cổ phiếu dược tăng 60% sau một tuần - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh dược gặp nhiều khó khăn trong năm trước do mảng đấu thầu và cung cấp thuốc cho điều trị đạt kết quả thấp, các đối tác truyền thống lâu năm tự tách ra đấu thầu hoặc sang công ty khác. Hệ thống bán lẻ của chi nhánh tiếp tục đối mặt với nguy cơ lực lượng lao động chính là mậu dịch viên xin nghỉ việc trước Nghị định 54 quy định về chứng chỉ hành nghề dược; kinh doanh dược; xuất khẩu, nhập khẩu thuốc; đăng ký lưu hành dược liệu, tá dược, vỏ nang; đánh giá cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài... Các xưởng đông dược và thực phẩm chức năng hoạt động cầm chừng.

Tại 31/12/2020, tổng tài sản đi ngang ở mức 138,3 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn (chiếm 72%, tương đương 99,7 tỷ đồng). Tiền và tương đương tiền giảm 16% xuống 8,4 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho cũng giảm 25% so với đầu năm về gần 38 tỷ đồng. Song khoản phải thu ngắn hạn tăng 35% lên hơn 53,5 tỷ đồng. Tài sản dài hạn giảm hơn 1 tỷ xuống mức 38,6 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm 7,5% so với đầu năm 2020 xuống gần 55,5 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn (50,3 tỷ đồng). Khoản phải trả giảm 4% về khoảng 38,5 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính hơn 10 tỷ đồng, giảm 29%, trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 9,7 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 12%. Quỹ đầu tư phát triển ở mức 15,2 đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 7,2 tỷ đồng.

Năm 2021, công ty đặt chỉ tiêu tổng doanh thu tăng 5,55 lên 225,8 tỷ đồng, trong đó kinh doanh dược – vật tư y tế kỳ vọng mang về 223,1 tỷ đồng và doanh thu hợp đồng cho thuê bất động sản 2,65 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận với 6,03 tỷ đồng từ kinh doanh dược và 2,4 tỷ đồng từ hoạt động cho thuê bất động sản.

Cổ phiếu HNT tăng trần phiên thứ 10

Một cổ phiếu khác tiếp tục tăng nóng, thời gian qua là HNT của CTCP Xe điện Hà Nội ( UPCoM:HNT ) có 10 phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh chỉ vài trăm cổ phiếu . Từ đầu tháng 7 đến nay, thị giá mã này đã tăng 373% lên mức 14.200 đồng/cp. 

Năm 2021, công ty đặt kế hoạch doanh thu 274,2 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 1,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và gấp 18 lần thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như việc thực hiện giãn cách hành khách trên xe khiến số chuyến của công ty giảm trong 3 tháng đầu năm, dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng.

Năm trước, Xe điện Hà Nội ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan. Doanh thu giảm 21% xuống mức 222,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 96% về còn 106 triệu đồng. 

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản tăng 15% lên 247 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tài sản dài hạn, tăng 25% lên 170 tỷ đồng. Phần lớn tài sản dài hạn là phương tiện vận tải 167 tỷ đồng, còn lại là các tài sản cố định khác như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị… 

Theo Thảo Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên