Một cổ phiếu ngân hàng tăng 33% sau 3 ngày, liên tục có giao dịch thỏa thuận "kỳ lạ" hơn một tháng qua
Cổ phiếu này tăng dựng đứng trong các phiên gần đây kèm theo thanh khoản cũng tăng mạnh.
- 14-03-2022Một mã ngân hàng tăng mạnh trong phiên chiều, khớp lệnh hơn 21 triệu cổ phiếu
- 14-03-2022Giữa cổ phiếu hàng hóa tăng cao và cổ phiếu ngân hàng đi ngang, nên chọn ngành nào để tối ưu được lợi nhuận?
Phiên giao dịch sáng nay (15/3), cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực hơn hôm qua khi có hơn một nửa ngành tăng giá.
KLB tiếp tục là tâm điểm khi là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành, có lúc gần tăng trần (tăng 14%) lên 38.500 đồng/cp. Khối lượng giao dịch đến 10h30 đạt hơn 200.000 đơn vị, cao hơn nhiều so với mức bình quân 5 phiên trước (chỉ đạt hơn 100.000 đơn vị).
Trước đó, ngày 14/3, KLB cũng đã tăng kịch trần 15% giữa lúc thị trường chìm trong sắc đỏ, thanh khoản đạt hơn 200.000 cp. Ngày 11/3, cổ phiếu này cũng là một trong những mã tăng mạnh nhất ngành (tăng 3,5%).
Như vậy, giá cổ phiếu KLB đã tăng tới 33% chỉ trong 3 ngày và lập đỉnh lịch sử. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, KLB đã tăng giá khoảng 45%, là cổ phiếu ngân hàng sinh lời tốt nhất.
KLB là một trong 8 cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên sàn UPCoM hiện nay. Khối lượng giao dịch của KLB thường khá thấp, chỉ dao động 50.000-100.000 đơn vị/phiên. Những phiên thanh khoản tăng mạnh có thể ghi nhận hơn 200.000 cp.
Trong hơn 1 tháng trở lại đây, KLB có những giao dịch thỏa thuận đáng chú ý. Cứ cách 2 phiên, cụ thể, ngày 14/3, 9/3, 4/3, 1/3, 24/2, 21/2,…đều có 113.000 cổ phiếu được trao tay theo phương thức này. Theo đó, trong 1 tháng qua, có gần 800.000 cổ phiếu KLB được giao dịch theo phương thức thỏa thuận.
Trong năm ngoái, KLB cũng gây chú ý với hàng loạt phiên có thỏa thuận "khủng" hàng chục triệu cổ phiếu cho thấy cơ cấu cổ đông đã có sự thay đổi lớn.
KLB mới đây cũng đã thông báo về việc chốt danh sách cổ đông ngày 29/3 để tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên trong tháng 4/2022. ĐHĐCĐ năm nay sẽ được tổ chức tại 16 Phạm Hùng, Hà Nội thay vì tại Tp.Rạch Giá, Kiên Giang như mọi năm.
Năm 2021, ngân hàng này đã thay đổi nhiều lãnh đạo thượng tầng, có tân Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó TGĐ,... Hiện Chủ tịch HĐQT của KLB là bà Trần Thị Thu Hằng. Ông Đỗ Anh Tuấn vừa là Chủ tịch Sunshine Group vừa là Phó TGĐ Kienlongbank.
Ngoài ra, Kienlongbank cũng thay đổi nhận diện thương hiệu trong năm qua và đang tập trung cho chiến lược mới là chuyển đổi số, số hóa hoạt động ngân hàng. Nhà băng này đã ra mắt các phòng giao dịch như các phòng chờ cao cấp, ứng dụng eKYC (định danh điện tử khách hàng), trí tuệ nhân tạo AI, sinh trắc học, nhận diện khuôn mặt (Face ID), nhận diện giọng nói tự nhiên, công nghệ phân tích hình ảnh,… cùng hệ thống máy giao dịch tự động ATM thế hệ mới (STM). nghệ.
Kienlongbank cũng ghi nhận kết quả kinh doanh bùng nổ năm vừa qua khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng, cao gấp 6 lần năm 2020. Nợ xấu giảm mạnh khi ngân hàng xử lý dứt điểm các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB.
Trí Thức Trẻ