Một cổ phiếu ngân hàng "xanh" 5 phiên liên tiếp được 10%, EIB xuất hiện giao dịch thỏa thuận đột biến
Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất hôm nay là một mã đang giao dịch trên UPCoM với mức tăng 3,3%. Cổ phiếu này đã tăng liên tiếp 5 phiên với mức tăng tổng cộng 10%.
- 15-02-2022Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh
- 14-02-2022Cổ phiếu ngân hàng ''rực lửa'' phiên Valentine, STB và LPB giảm sàn
Ngoài phiên đồng loạt "rực lửa" đầu tuần, 2 phiên giao dịch gần đây 15-16/2, cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa.
Phiên giao dịch hôm nay (16/2), trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên UPCoM và niêm yết trên HNX, HSX, chỉ có 9 mã tăng giá, 5 mã đứng giá tham chiếu và còn lại 15 mã chìm trong sắc đỏ.
Trong đó, EIB giảm mạnh nhất (-3,9%) và đóng cửa ở mức 35.800 đồng/cp, khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ 931.500 đơn vị. Đáng lưu ý, trong phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã trao tay gần 21 triệu cổ phiếu EIB theo phương thức thỏa thuận ở giá sàn.
Giao dịch cổ phiếu EIB gây chú ý khi ngân hàng này vừa tổ chức xong ĐHĐCĐ thường niên và bầu ra HĐQT mới. Được biết, ngân hàng sẽ sớm họp để bầu ra Chủ tịch HDQT.
Trong thời gian gần đây, EIB cũng ghi nhận một số phiên có giao dịch thỏa thuận khủng tương tự. Như phiên 10/2 và 28/1 đều có 20 triệu đơn vị được khối ngoại giao dịch theo phương thức này.
Nhà đầu tư nước ngoài hiện sở hữu 29,7% vốn cổ phần EIB, gần "full room" 30%. Ngoài SMBC là nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 15% vốn cổ phần Eximbank thì được biết một cổ đông nước ngoài khác là VOF Investment Limited sở hữu lượng lớn cổ phần ngân hàng (từng sở hữu hơn 61 triệu cp, tương đương 4,96%).
Sau EIB, các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh tiếp theo là BID (-2,3%), VIB (-1,3%), LPB (-1,1%),…
Ở chiều ngược lại, PGB là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất hôm nay (+3,3%). Cổ phiếu này đã tăng 5 phiên liên tiếp với mức tăng tổng cộng 10%. Ngân hàng này vừa thông báo ngày 10/3/2022 là ngày chốt danh sách cổ đông để họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.
Các mã ngân hàng tăng mạnh tiếp theo là ABB (1,2%), BVB (1%), NAB (1%), VBB (0,6%), MSB (0,6%), STB (0,3%), NVB (0,3%) và SHB (0,2%).
STB tiếp tục đứng đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trong nhóm ngân hàng với hơn 20 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư. Tiếp theo là LPB (hơn 13 triệu đơn vị), SHB và MBB (hơn 9 triệu đơn vị).