Một cổ phiếu tăng 121% sau 6 phiên
Kết phiên ngày 22/8, cổ phiếu CFV leo lên mức 9.500 đồng/cp, tăng 121% sau hơn 1 tuần. Thanh khoản của cổ phiếu CFV thấp, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên chỉ 250 đơn vị.
- 10-08-2022Nhiều cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM tăng mạnh, một mã tăng gần 30% trong 1 tuần
- 09-08-2022Một cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 13% phiên 9/8, khối ngoại ''gom'' mạnh HDB
- 08-08-2022Một cổ phiếu tăng 96% sau hơn 1 tuần
Đóng cửa phiên 22/8, cổ phiếu CFV của Cà phê Thắng Lợi ( UPCoM:CFV ) tăng trần phiên thứ 6 liên tiếp lên 9.500 đồng/cp. Như vậy, thị giá mã này tăng 121% từ 4.300 đồng/cp lên 9.500 đồng/cp sau hơn 1 tuần.
Tương tự nhiều trường hợp tăng đột biến khác, thanh khoản của cổ phiếu CFV thấp, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên chỉ 250 đơn vị. Gần 6,3 triệu cổ phiếu CFV giao dịch lần đầu trên sàn UPCoM vào ngày 3/6/2019.
Cà phê Thắng Lợi tiền thân là công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi được cổ phần hoá theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk ngày 22/4/2016. Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến kinh doanh cà phê. Vốn điều lệ doanh nghiệp là 126,5 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, Cà phê Thắng Lợi thu về 221,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán hàng hoá chiếm phần lớn với 214,4 tỷ đồng, tăng 5,3%. Giá vốn hàng bán tăng 10,4% lên 217,6 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp còn bằng 34,7% cùng kỳ với 4 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 5,6% xuống 1,8%.
Doanh thu tài chính giảm gần 19% về 2 tỷ đồng do đơn vị không còn khoản 518,7 triệu đồng lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện. Song chi phí tài chính tăng 33,6% lên 1,6 tỷ đồng sau khi phí lãi tiền vay tăng hơn 61% lên 1,4 tỷ đồng. Các chi phí hoạt động đều giảm trong kỳ, với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16,6% và 9,2% xuống 5 tỷ đồng và 4 tỷ đồng.
Kết quả, đơn vị lỗ sau thuế gần 4 tỷ đồng sau nửa đầu năm, trong khi cùng kỳ lãi 2,5 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu âm 313 đồng, cùng kỳ 194 đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản là 216 tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 68% với 147 tỷ đồng, tăng 31,7%. Các khoản phải thu ngắn hạn gấp 2,5 lần lên 47,3 tỷ đồng. Riêng khoản phải thu ngắn hạn của khách hạn gấp 5 lần lên 33,2 tỷ đồng sau khi doanh nghiệp phát sinh 14,7 tỷ đồng phải thu với công ty N.V Group Sopex S.A và 13,6 tỷ đồng phải thu với công ty Mitsui & Co. Ltd.
Giá trị hàng tồn kho giảm 1,4% còn 36 tỷ đồng. Trong khi đó, đầu tư tài chính ngắn hạn, là tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng tăng 3,4% lên 55,2 tỷ đồng. Cụ thể, khoản tiền gửi tại Vietcombank – chi nhánh Đắk Lắk là 20,2 tỷ đồng, tại SHB – chi nhánh Đắk Lắk là 21,7 tỷ đồng, và tại TPBank - chi nhánh Đắk Lắk là 13,3 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương tiền gấp 6,6 lần lên 7,1 tỷ đồng bởi đơn vị gia tăng lượng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn từ 984 triệu đồng lên gần 7 tỷ đồng. Trong đó, 96,7% là tiền gửi bằng đồng USD, giá trị gốc ngoại tệ là 291,5 triệu tương đương 6,7 tỷ đồng. Khoản tiền gửi bằng VND còn 236,6 triệu đồng, bằng 24,5% con số đầu năm.
Về nguồn vốn, đơn vị không có nợ vay tài chính dài hạn. Nợ vay ngắn hạn gấp 2,4 lần lên 62,8 tỷ đồng, với khoản vay tại Vietcombank – chi nhánh Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng nhiều nhất gấp 3 lần lên 55,5 tỷ đồng, và khoản vay tại TPBank - chi nhánh Đắk Lắk gấp 3,7 lần lên 7,1 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 4 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 7,5 tỷ đồng và vốn góp chủ sở hữu 126,5 tỷ đồng.
Người đồng hành