MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một dấu hiệu ở bàn chân của con cảnh báo mắc phải dị tật mà 25% trẻ mắc phải

12-03-2023 - 22:54 PM | Sống

Nhanh chóng phát hiện và điều trị ngay nếu con bạn qua 2 tuổi nhưng vẫn có bàn chân kiểu này.

Có thể nhiều người đã nghe đến tật Bàn chân bẹt nhưng không phải ai cũng hiểu đúng rằng tật bàn chân bẹt là gì, có thể gặp ở đối tượng nào, có ảnh hưởng đến cuộc sống ra sao và làm thế nào để điều trị...

Tật bàn chân bẹt khá phổ biến ở trẻ nhỏ

Bàn chân bẹt là tật dị dạng do lòng bàn chân không có hình vòm như bình thường, cung dọc của bàn chân bị sụp xuống, toàn bộ gan bàn chân tiếp xúc với mặt đất.

Thực tế, tật bàn chân bẹt khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Trong một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe cộng đồng (Int J Environ Res Public Health), các nhà nghiên cứu đã kiểm tra và phân tích dữ liệu tổng hợp về bàn chân bẹt ở trẻ em, thanh thiếu niên. Kết quả thu được cho thấy, tỉ lệ phát hiện bàn chân bẹt ở trẻ em trong 20 năm qua (2001-2021) được phát hiện là 25%. Trong đó, các bé trai dễ bị bàn chân bẹt hơn các bé gái và tỉ lệ bàn chân bẹt giảm dần theo độ tuổi.

Theo tài liệu Hướng dẫn về Bàn chân Bẹt ở trẻ em được lưu tại Thư viện Y khoa Quốc gia (Hoa Kỳ), khi nhắc tới tật bàn chân bẹt cần phân biệt giữa dạng bàn chân bẹt linh hoạt và bàn chân bẹt dạng cứng (dai dẳng). Hầu hết trẻ em từ 6 tuổi trở xuống gặp tình trạng bàn chân bẹt dạng linh hoạt (97% ở tất cả trẻ em 19 tháng tuổi gặp phải) và có thể thay đổi sau khi lớn lên. Cho đến 10 tuổi, xương của bàn chân phát triển nên chỉ một số ít trẻ em (4% ở trẻ 10 tuổi) có dị tật bàn chân bẹt dai dẳng hoặc tiến triển. Ngoài 10 tuổi, xương trẻ đã cứng hơn nên số trẻ bị đau chân do tật bàn chân bẹt càng ít hơn (dưới 2%). Một yếu tố nguy cơ rõ ràng đối với tật bàn chân bẹt dai dẳng ở trẻ em là bệnh béo phì (62% trẻ 6 tuổi gặp tật bàn chân bẹt bị béo phì).

Bàn chân bẹt - dạng dị tật có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thần kinh cột sống, hệ xương...

ThS.BS Vũ Duy Chinh (chuyên ngành Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết, bàn chân bẹt là tình trạng dị tật không hiếm gặp nhưng cũng nhiều cha mẹ chủ quan không kịp thời phát hiện, đưa con đi điều trị, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về sau này.

Vậy bàn chân bẹt là gì? Theo ThS.BS Vũ Duy Chinh, bàn chân bẹt để chỉ tình trạng một hoặc cả 2 bàn chân không có vòm gan chân. Khi bạn đứng, các miếng đệm của bàn chân ấn xuống đất. Hiểu một cách đơn giản, bàn chân bẹt là mặt lòng bàn chân bằng phẳng, không lõm chút nào.

Một dấu hiệu ở bàn chân của con cảnh báo mắc phải dị tật mà 25% trẻ mắc phải - Ảnh 1.

ThS.BS Vũ Duy Chinh nhận định, bàn chân bẹt ban đầu không gây tổn thương thần kinh cột sống nghiêm trọng. "Quá trình này diễn ra từ từ và thầm kín, về lâu dài mới dẫn đến những hậu quả như tổn hại thần kinh cột sống. Tức là, không phải ai bị bàn chân bẹt là cũng sẽ bị tổn thương thần kinh cột sống luôn", chuyên gia lý giải.

Về nguyên tắc, trẻ bị bàn chân bẹt khi đi lại thì toàn bộ mặt bàn chân sẽ tiếp xúc xuống mặt phẳng. Khi cạnh trong bàn chân áp sát xuống mặt phẳng, gót chân sẽ bị xoay ra ngoài, trục của cẳng chân xoay vào trong, làm cho gối chụm vào.

Điều này khiến dáng đi của trẻ không đẹp, không vững, khi đi chân đất sẽ phát ra tiếng rất rõ.

"Về lâu dài, bàn chân bẹt gây biến đổi trục của khớp cổ chân, bàn chân, khớp gối, khớp háng dẫn đến hiện tượng đau mỏi khớp. Ở một số trường hợp, bàn chân bẹt không đều 2 bên hoặc một bên chân ngắn - một bên chân dài sẽ làm khung chậu bị lệch. Khi khung chậu bị lệch, cột sống sẽ bị vẹo. Dần dần sẽ gây ảnh hưởng đến cột sống (gây vẹo thắt lưng, cột sống cổ), sau đó đến thần kinh (đau thần kinh tọa, đau mỏi cổ vai gáy…)", BS Chinh nói.

Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh, đây là hậu quả rất lâu sau này ở những người bị bàn chân bẹt nên không cần quá hoang mang khi phát hiện con mình bị tật bàn chân bẹt.

Một dấu hiệu ở bàn chân của con cảnh báo mắc phải dị tật mà 25% trẻ mắc phải - Ảnh 2.

Bàn chân bẹt có những loại nào?

Theo chuyên gia, bàn chân bẹt có 2 loại: bàn chân bẹt sinh lý và bàn chân bẹt bệnh lý.

Bàn chân bẹt sinh lý là tình trạng thường gặp, chân có bẹt nhưng có tính đàn hồi, mềm dẻo, linh hoạt, không cần can thiệp y tế. Tức là, ở tư thế nằm hay ngồi, khi giơ bàn chân lên, vòm gan chân vẫn có, khi đứng xuống mới thấy độ bẹt rõ (do trọng lượng cơ thể lớn, làm cấu trúc cân cơ ở gan chân bị giãn ra). Đây chỉ là một dạng biến thể của bàn chân bình thường. "Ở trường hợp này, bạn có thể đi những loại giày chỉnh hình, nâng đế gót chân… thì sẽ cải thiện dần dần chứng bàn chân bẹt. Lưu ý cần thực hiện sớm mới đem lại hiệu quả tốt nhất", BS Chinh gợi ý.

Ngược lại, bàn chân bẹt bệnh lý thường cứng, làm biến dạng cấu trúc xương bàn chân, dù ở tư thế nào (nằm, ngồi hay đứng) vẫn có dạng bẹt. Lúc này, bạn bắt buộc cần can thiệp sớm, thậm chí có thể cần đến phẫu thuật để đảm bảo trọn vẹn chức năng của bàn chân.

Một dấu hiệu ở bàn chân của con cảnh báo mắc phải dị tật mà 25% trẻ mắc phải - Ảnh 3.

Triệu chứng thường gặp ở người bị chứng bàn chân bẹt

Theo Cleveland Clinic, nhiều người có bàn chân bẹt không bị đau cũng như các vấn đề khác. Tuy nhiên, nhiều người sẽ gặp phiền toái với các triệu chứng cụ thể như:

- Thường xuyên bị chuột rút.

- Đau nhức bàn chân, cẳng chân.

- Đau vòm, mắt cá chân, gót chân, bên ngoài bàn chân.

- Đau khi đi bộ hoặc thay đổi dáng đi.

- Phần trước của bàn chân, ngón chân có hướng chĩa ra ngoài.

Một dấu hiệu ở bàn chân của con cảnh báo mắc phải dị tật mà 25% trẻ mắc phải - Ảnh 4.

Độ tuổi chính xác để nhận biết con bạn có bị bàn chân bẹt hay không

ThS.BS Vũ Duy Chinh cho biết, độ tuổi chính xác nhất để bạn tự kiểm tra xem con mình có thực sự bị bàn chân bẹt hay không là sau 3 tuổi. Ở tuổi này, các vòm bàn chân đã hình thành nên mới xác định được rõ nhất.

"Trẻ từ 3 tuổi trở lên, vòm gan chân với các cơ, gan mới hoạt động nhiều. Việc đi lại nhiều mới giúp bộ phận này cứng cáp, định hình xương bàn chân thì mới có vòm gan chân. Dưới 3 tuổi không thể chẩn đoán chính xác con bạn có bị bàn chân bẹt hay không. Bởi lúc này, tổ chức liên kết của gan bàn chân đầy, dày, nhìn thì thấy lúc nào cũng bẹt nhưng thực ra không phải", BS Chinh giải thích.

"Để chẩn đoán trẻ mắc tật bàn chân bẹt hay không, sau 3 tuổi mới là độ tuổi chính xác nhất", chuyên gia nhấn mạnh. Lúc này, bố mẹ có thể kiểm tra con mình bị bàn chân bẹt hay không ngay tại nhà dễ dàng. Từ đó xác định tình trạng và đưa con đi thăm khám, điều trị.

Tất nhiên, đối với các bác sĩ chuyên môn, khi đưa con đến khám sớm hơn vẫn có thể xác định bàn chân này sẽ bẹt hay không.

Theo Tuấn Minh

Tổ quốc

Trở lên trên