MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một địa phương tăng 24 bậc, lọt top 10 địa phương đắt đỏ nhất cả nước sau 7 năm

Một địa phương tăng 24 bậc, lọt top 10 địa phương đắt đỏ nhất cả nước sau 7 năm

Nếu năm 2015, địa phương này xếp thứ 33 với mức đắt đỏ bằng 91,56% so với Hà Nội thì đến năm 2021, địa phương này đã lọt top 10 tỉnh có chi phí sinh hoạt đắt nhất cả nước.

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) là chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

Chỉ số SCOLI so sánh mức giá giữa 6 vùng kinh tế, trong đó Đồng bằng sông Hồng được chọn làm gốc để so sánh. Với địa phương, Hà Nội được chọn là gốc để so sánh giá của 62 tỉnh, thành phố còn lại.

Theo đó, năm 2015, mức giá sinh hoạt của Khánh Hòa bằng 91,56% so với Hà Nội và xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố. Đến năm 2016, chỉ số SCOLI của tỉnh tăng lên 96,15%, tăng 4,59% so với năm 2015 và xếp thứ 29 trên cả nước về mức độ đắt đỏ. Đây cũng là năm Khánh Hòa có chỉ số SCOLI cao nhất từ năm 2015 đến nay.

Trong 2 năm tiếp theo, thứ hạng về mức đắt đỏ của tỉnh có xu hướng tăng. Đến năm 2018, Khánh Hòa xếp thứ 16 về mức độ đắt đỏ, tăng 17 bậc so với năm 2015. Từ năm 2019 - 2020, cả thứ hạng và chỉ số SCOLI của Khánh Hòa đều có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, năm 2021, xếp hạng của Khánh Hòa tăng lên vị trí thứ 8, tăng 14 bậc so với năm 2020 và 24 bậc so với năm 2015 với chỉ số SCOLI bằng 94,55%. Trong năm 2021, Khánh Hòa cũng là tỉnh "nhảy bậc" nhiều thứ 2 trên bảng xếp hạng (sau Kiên Giang).

Một địa phương tăng 24 bậc, lọt top 10 địa phương đắt đỏ nhất cả nước sau 7 năm - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo báo cáo, mức độ đắt đỏ của Khánh Hòa tăng trong năm 2021 chủ yếu do giá nhóm đồ uống và thuốc lá cao hơn 10,93% so với Hà Nội, nhóm thuốc và dịch vụ y tế cao hơn 7,38%.

Ngoài ra, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cũng là vùng có chi phí sinh hoạt đắt đỏ thứ 3 trên cả nước trong năm 2021 với chỉ số SCOLI bằng 98,74%. Trong đó, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép bằng 92,43%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống 96,23%; bưu chính viễn thông bằng 97,01%. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng như đồ uống và thuốc lá bằng 101,57%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 103,03%; giáo dục bằng 105,44%.

Báo cáo SCOLI năm 2021 chỉ ra mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2021 chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Chính phủ đã kịp thời đưa ra một loạt các giải pháp và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá thận trọng, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với các mục tiêu chung, đảm bảo mặt bằng giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức 1,84%, đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Theo Anh Ngọc

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên