Một doanh nghiệp chăn nuôi phát hành trái phiếu 7 năm lãi suất chỉ 5,25%/năm
Lượng trái phiếu trước hạn được các doanh nghiệp mua lại trong tháng 3-2023 gần 14.300 tỉ đồng, tăng tới 137% so với tháng trước, trong đó giá trị mua lại của doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy trong tháng 3 có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành 26.425 tỉ đồng. Trong đó, có 1 đợt phát hành riêng lẻ mới với khối lượng 600 tỉ đồng của Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam, lãi suất phát hành 5,25%/năm kỳ hạn 7 năm thuộc loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.
Đáng chú ý, dữ liệu tổng hợp của VBMA cho thấy tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3 là gần 14.300 tỉ đồng, tăng tới 137% so với tháng trước và tăng mạnh 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 4, các doanh nghiệp có lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 14.540 tỉ đồng.
Xây dựng và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng, lần lượt đạt 5.000 tỉ đồng và 3.400 tỉ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Áp lực trái phiếu đáo hạn trong tháng 4 này của các doanh nghiệp vẫn rất lớn với khoảng 14.540 tỉ đồng. Bất động sản và ngân hàng tiếp tục là 2 nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, tổng cộng gần 10.000 tỉ đồng. Nếu tính cả quý II, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết sẽ khoảng hơn 70.900 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, tăng 127% so với quý trước, phản ánh áp lực đáo hạn sẽ bắt đầu tăng mạnh trong quý này.
Dù vậy, theo giới phân tích, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có những xu hướng tích cực trở lại sau khi có Nghị định 08 của Chính phủ với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ cải thiện đáng kể.
"Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền và thanh khoản, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, việc giãn nợ sẽ giúp có đủ thời gian hồi phục để thu về dòng tiền và hoàn thành nghĩa vụ nợ. Việc trả nợ bằng tài sản khác cũng giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc trả nợ. Doanh nghiệp bất động sản sẽ có động lực để đẩy nhanh các dự án đang triển khai dở dang và bán ở một mức giá hợp lý để các trái chủ có thể chấp nhận" – chuyên gia phân tích của VNDirect nhận định về tác động tích cực của Nghị định 08.
Người Lao Động