MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một đối tác sẵn sàng trả 200 triệu USD mua lại mảng kem của Kido

01-10-2016 - 08:19 AM | Doanh nghiệp

Tại sự kiện CEO Forum 2016 diễn ra ở TPHCM chiều nay, 30/9/2016, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, cho biết một đối tác sẵn sàng trả 200 triệu đô nếu Kido thoái vốn.

Mức giá 200 triệu USD mà ông Nguyên đề cập dành cho mảng kem tương đương với khoảng 1/2 giá trị thị trường của KDC ở thời điểm hiện tại (khoảng 7.800 tỷ đồng).

Sau khi bán đi mảng bánh kẹo cho đối tác Mondelez, hiện Kido tham gia vào các lĩnh vực gồm ngành hàng lạnh là kem, ngành thực phẩm là mì gói & dầu ăn (tương lai ngành hàng lạnh sẽ có thêm bánh bao).

Câu chuyện 13 năm trước

Vào trung tuần tháng 4/2003, Công ty CP Kinh Đô (nay là Kido) đưa ra thông báo rộng rãi về việc hoàn tất kí kết hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng thương hiệu kem Wall's với Tập đoàn Unilever Bestfood ở Việt Nam (nay là Unilever Vietnam).

Theo hợp đồng này, Kinh Đô sẽ mua lại toàn bộ cơ sở vật chất, thương hiệu để sản xuất kinh doanh kem Wall's tại Việt Nam.

Mức giá đưa ra cách đây hơn 13 năm là 20 triệu USD cho hợp đồng tiếp nhận toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh kem Wall (đến hết tháng 7/2003) và Kinh Đô được sử dụng tên thương hiệu Wall's đến hết năm 2004.

Theo thỏa thuận, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng này (tức đến năm 2008), nếu Kinh Đô không sản xuất kem thì cũng không được bán thiết bị, công nghệ cho đối thủ cạnh tranh của Wall’s. Sau 5 năm, nếu Wall’s trở lại Việt Nam thì Kinh Đô sẽ là đối tác ưu tiên số một trong vấn đề hợp tác sản xuất kinh doanh.

Kem Wall's của Unilever khi đó sở hữu hệ thống phân phối khổng lồ, với gần 115 nhà phân phối và gần 4.000 điểm bán lẻ trên cả nước (chiếm khoảng 50% thị phần kem tại Việt Nam). Unilever mất 6 năm xây dựng hệ thống và thương hiệu này, nếu tính luôn cả vốn đầu tư xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và quảng bá thương hiệu thì tổng chi phí Unilever đã bỏ ra lên đến khoảng 20 triệu USD.

Kinh Đô cũng được thừa hưởng gần 130 công nhân thạo nghề và được đào tạo bài bản của Unilever.

Kem hiện mang về 75% doanh số

Tại sự kiện CEO Forum 2016, chính ông Nguyên khi đề cập về các mối liên kết kinh doanh hiện tại đã viện dẫn case study giữa Kido và Unilever như một minh chứng điển hình: "Cách đây 13 năm, Unilever bán mảng kem vì liên tục lỗ trong nhiều năm. Sự liên kết giữa Kido và Unilever khi mua lại kem Wall's không đơn thuần là mua thương hiệu, nhân viên, tồn kho. Đó là sự liên kết giữa tất cả các nhân viên, nhà phân phối, an toàn thực phẩm, văn hóa, là kết nối giữa doanh nghiệp và nhà phân phối để tạo nên sức mạnh".

Sau hơn 1 thập kỉ, đặc biệt sau khi bán mảng bánh kẹo cho Mondelez, kem đã trở thành mảng kinh doanh chủ lực của Kido, bên cạnh các sản phẩm mới liên kết với các doanh nghiệp khác như mì gói hay dầu ăn (sắp tới có thêm bánh bao).

“Khi mới tiếp quản thương hiệu này, doanh số của kem Wall's chỉ là 90 tỷ, đến ngày hôm nay đã lên tới 2.000 tỷ”, ông Nguyên cho hay

Nửa đầu năm 2016, doanh thu từ kem đem về đến 75% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Trong 7 tháng đầu năm, Kido đã lãi hơn 160 tỷ đồng từ kem – cao hơn cả con số lãi 110 tỷ đồng trong cả năm 2015. Ước năm 2016, lợi nhuận từ mảng này có thể lên 230 - 240 tỷ đồng.

Tại thời điểm mua lại kem Wall's từ Unilever, có lẽ chính Kinh Đô không thể dự đoán được việc sau này tập đoàn cũng sẽ mang tên công ty kem Kido (khi đã bán mảng bánh kẹo, tên thương hiệu Kinh Đô không còn được dùng nữa).

Kido cũng chuẩn bị khánh thành nhà máy ở Bắc Ninh, dự kiến giúp tăng năng suất ngành lạnh của Kido lên 170%. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy mới này sẽ giúp giảm chi phí hậu cần, tăng tốc độ phục vụ thị trường và phát triển độ phủ của các sản phẩm kem, sữa chua Kido tại phía Bắc.

Về phía Unilever, 5 năm sau ngày kem Wall's về tay Kinh Đô, năm 2008, thương hiệu này đã trở lại Việt Nam thông qua con đường nhập khẩu nhãn Wall's từ Thái Lan, sản phẩm được Công ty Metro Cash & Carry Vietnam phân phối.

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ/ Cafebiz

Trở lên trên