MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một góc nhìn khác về suy giảm dân số: Việc không muốn sinh con có thực sự làm suy yếu nền kinh tế?

Một góc nhìn khác về suy giảm dân số: Việc không muốn sinh con có thực sự làm suy yếu nền kinh tế?

"Giá nhà cao là cách triệt sản tốt nhất" - một số cuộc khảo sát cho thấy rằng, nhiều gia đình ở các nước có mức sinh thấp thật ra vẫn muốn sinh thêm con, nhưng họ không làm vậy, vì giá bất động sản cao, dịch vụ chăm sóc trẻ em đắt đỏ và vô vàn trở ngại khác trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.

Một cuộc điều tra dân số mới được công bố gần đây của Trung Quốc đã cho thấy, dân số nước này gần như đang ngừng tăng lên. Cuộc điều tra cũng đưa ra cảnh báo về những hệ lụy nghiêm trọng có thể xảy đối với đất nước. Tờ The Economist đưa tin: Những con số đáng báo động như vậy "có thể gây ra những tác động tai hại".

Nhưng những bình luận được đăng trên Weibo dường như đang cho thấy một khía cạnh khác của vấn đề - một khía cạnh sâu sắc hơn: "Tỷ lệ sinh giảm, thực sự phản ánh sự tiến bộ trong suy nghĩ của người Trung Quốc - phụ nữ không còn là công cụ sinh đẻ nữa".

Tỷ lệ sinh 1,3 trẻ em trên một phụ nữ của Trung Quốc (vào năm 2020) hiện đang thấp hơn nhiều so với mức thay thế, nhưng tỷ lệ sinh ở các nước giàu cũng vậy. Tỷ lệ của Úc là 1,66, tỷ lệ của Hoa Kỳ là 1,64 và ở Canada là 1,47. Ở tất cả các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ sinh đã giảm xuống dưới mức thay thế trong những năm 1970 hoặc 1980 và hầu như không tăng lên đáng kể cho đến tận ngày nay.

Một góc nhìn khác về suy giảm dân số: Việc không muốn sinh con có thực sự làm suy yếu nền kinh tế? - Ảnh 1.

Khi tỷ lệ sinh của Hoa Kỳ trở lại mức trên 2 trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2005, một số nhà bình luận đã ca ngợi sự năng động và "niềm tin xã hội" của Hoa Kỳ, cho rằng điều đó tốt hơn so với "châu Âu già cỗi". Song, trên thực tế, sự gia tăng hoàn toàn là do nhập cư. Trong đó, những người nhập cư gốc Tây Ban Nha duy trì tỷ lệ sinh cao hơn. Kể từ năm 2000, tỷ lệ sinh ở người gốc Tây Ban Nha của Hoa Kỳ đã giảm từ 2,73 xuống 1,9, trong khi tỷ lệ ở người da trắng đã xuống dưới 2,0 kể từ những năm 1970 và đối với người da đen cũng xuống dưới 2,0 kể từ khoảng năm 2000.

Chỉ ở các nước nghèo hơn, tập trung chủ yếu ở châu Phi và Trung Đông, thì tỷ lệ sinh vẫn còn cao. Tại Ấn Độ, tất cả các bang thịnh vượng hơn - chẳng hạn như Maharashtra và Karnataka - đều có tỷ lệ sinh thấp hơn mức thay thế, chỉ có bang Bihar và Uttar Pradesh - những nơi nghèo hơn - là có tỷ lệ sinh cao hơn. Tỷ lệ này trên toàn đất nước Ấn Độ vào năm 2018 vẫn là 2,2, tuy nhiên Khảo sát Sức khỏe Gia đình Quốc gia Ấn Độ cho thấy phụ nữ Ấn Độ trung bình chỉ muốn có 1,8 con.

Một nửa thế kỷ qua chính là bằng chứng rõ ràng nhất, cho thấy rằng ở tất cả các quốc gia thịnh vượng, nơi phụ nữ được giáo dục tốt và được tự do lựa chọn sinh con và thời điểm sinh con, tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức thay thế đáng kể. Nếu những điều kiện đó lan rộng trên toàn thế giới, dân số toàn cầu tất nhiên sẽ giảm theo.

Nhiều nhà kinh tế học vẫn cho rằng, sự suy giảm dân số là một điều tồi tệ. Có ý kiến cho rằng: "Tỷ lệ sinh giảm của Trung Quốc đang đe dọa tăng trưởng kinh tế", hoặc một số ý kiến trên báo chí Ấn Độ lưu ý đồng tình, rằng dân số Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Trung Quốc. 

Một góc nhìn khác về suy giảm dân số: Việc không muốn sinh con có thực sự làm suy yếu nền kinh tế? - Ảnh 2.

Nhưng trong khi tăng trưởng kinh tế tuyệt đối sớm muộn cũng giảm xuống, thì thu nhập bình quân đầu người mới là yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng và cơ hội kinh tế. Nếu những phụ nữ được giáo dục đẩy đủ không muốn sinh con, điều đó cũng không có gì xấu. 

Trong khi đó, những lập luận rằng dân số ổn định hoặc giảm sẽ đe dọa đến tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, có lẽ đã hơi quá lời. Thậm chí trong một số trường hợp, lập luận đó hoàn toàn sai lầm.

Khi dân số không còn tăng, số lao động trên mỗi người về hưu sẽ ít hơn và chi phí chăm sóc sức khỏe trong GDP sẽ tăng lên. Nhưng điều đó sẽ được bù đắp, khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và nhà ở giảm - vì dân số không tăng nhanh nữa. 

Trung Quốc hiện đầu tư 25% GDP mỗi năm vào việc xây dựng các khu chung cư, đường xá và các cơ sở hạ tầng đô thị khác. Một số công trình đó sẽ không có giá trị nữa, nếu như dân số giảm. Bằng cách cắt giảm chi tiêu cho các hạng mục đó và rót nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, phát triển công nghệ cao, nền kinh tế có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ, dù dân số giảm.

Trong khi đó, dân số toàn cầu ổn định sẽ giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính để tránh biến đổi khí hậu. Giảm bớt áp lực mà dân số cũng sẽ giảm bớt tác động tiêu cực của con người đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Lực lượng lao động thu hẹp cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp đẩy mạnh tự động hóa, qua đó tăng tiền lương thực tế, điều thực sự quan trọng đối với người lao động ở mọi nơi trên thế giới.

Trong thế giới công nghệ, nơi cho phép chúng ta tự động hóa mạnh mẽ hơn bao giờ hết, vấn đề dư thừa lao động nghiêm trọng hơn thiếu hụt lao động rất nhiều. Dân số Trung Quốc trong khoảng từ 20 đến 64 tuổi có thể sẽ giảm khoảng 20% ​​trong 30 năm tới, nhưng tăng trưởng năng suất vẫn sẽ tiếp tục mang lại sự thịnh vượng. 

Trái lại, dân số Ấn Độ trong độ tuổi đó hiện đang tăng khoảng 10 triệu người mỗi năm và sẽ còn tăng tiếp cho đến năm 2050. Nhưng ngay cả khi nền kinh tế Ấn Độ phát triển nhanh chóng, như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Covid-19, thì khu vực tạo ra năng suất cao - hiện đang sử dụng khoảng 80 triệu công nhân - cũng không đẻ ra thêm được việc làm. Sự tăng trưởng trong lực lượng lao động chỉ đơn giản là làm phình to đội quân lao động trong khu vực phi chính thức - bao gồm cả những người thất nghiệp và thiếu việc làm.

Một góc nhìn khác về suy giảm dân số: Việc không muốn sinh con có thực sự làm suy yếu nền kinh tế? - Ảnh 3.

Đúng, tỷ lệ sinh thấp hơn nhiều so với mức thay thế sẽ tạo ra những thách thức không thể chối bỏ, và Trung Quốc có thể đang đi vào con đường đó. Nhiều người kỳ vọng rằng sau khi chính sách một con được bãi bỏ vào năm 2015, tỷ lệ sinh của Trung Quốc - khi đó ở mức 1,65 - có thể tăng lên. Nhưng nhìn vào tỷ lệ sinh được lựa chọn tự do của người gốc Hoa sống ở các nền kinh tế khác như Đài Loan (1,07) và Singapore (1,1), thì cũng chưa chắc việc bãi bỏ chính sách một con sẽ làm phụ nữ Trung Quốc muốn đẻ thêm. Các nước Đông Á khác như Nhật Bản (1,38) và Hàn Quốc (1,09) có mức sinh thấp tương tự.

Với tốc độ đó, sự suy giảm dân số sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Nếu tỷ lệ sinh của Hàn Quốc không tăng, dân số của Hàn Quốc có thể giảm từ 51 triệu người hiện nay xuống 27 triệu người vào năm 2100, và tỷ lệ người nghỉ hưu trên người lao động sẽ đạt mức mà không một lượng tự động hóa nào có thể bù đắp được.

Một góc nhìn khác về suy giảm dân số: Việc không muốn sinh con có thực sự làm suy yếu nền kinh tế? - Ảnh 4.

Hơn nữa, một số cuộc khảo sát cho thấy rằng, nhiều gia đình ở các nước có mức sinh thấp thật ra vẫn muốn sinh thêm con. Nhưng họ không làm vậy, vì giá bất động sản cao, dịch vụ chăm sóc trẻ em đắt đỏ và vô vàn trở ngại khác trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Có những chuyên gia Trung Quốc đã bình luận: "Giá nhà cao là cách triệt sản tốt nhất". Do đó, nếu muốn tăng dân số, thay vì cổ động, các nhà hoạch định chính sách nên tìm cách tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các cặp vợ chồng, để họ thực sự có số con mà họ mong muốn. 

Thái Quỳnh

Project Syndicate

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên