MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một hiện tượng “cháy hàng” trước dòng vốn ngày càng năng động

24-04-2019 - 12:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ bằng các thao tác ngón tay cái trên smartphone, dòng vốn cá nhân nhanh chóng luân chuyển, và có một hiện tượng điểm đến “cháy hàng”.

Ngày 23/4, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS) phát đi thông cáo về kết quả kinh doanh quý 1/2019.

Mức lợi nhuận trước thuế 211 tỷ đồng đạt được trong kỳ, so với 95 tỷ cùng kỳ năm ngoái cho thấy sức nóng tăng trưởng. Nhưng đáng chú ý hơn, kết quả đó đến từ đâu?

TCBS có dịch vụ chính yếu là tư vấn doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tổ chức phân phối trái phiếu đó, thu hút nhà đầu tư và đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Sau diễn biến nổi lên trong năm 2018, quý đầu năm nay tại nhà môi giới gọi vốn này tiếp tục cho thấy một xu hướng, dù chưa thực sự lớn: dòng vốn trong dân cư đang đổ vào.

Thông cáo của TCBS cho biết, nghiệp vụ sản phẩm đầu tư cá nhân (bao gồm sản phẩm trái phiếu dành cho khách hàng cá nhân iBond, quỹ mở trái phiếu TCBF, quỹ mở cổ phiếu TCEF và quỹ mở đầu tư trái phiếu linh hoạt FlexiCA$H) vẫn tiếp tục đóng góp trọng yếu vào cơ cấu doanh thu của công ty, lên đến 63%. Tổng doanh số bán ra đạt mức 11.629 tỷ đồng, gấp hơn hai lần (tăng 125%) so với giai đoạn đầu năm 2018.

“Sản phẩm iBond liên tục cháy hàng, kết thúc quý với 8.777 tỷ đồng, tăng 94%. Sản phẩm quỹ mở, đặc biệt là quỹ TCBF chưa cho thấy dấu hiệu giảm sức nóng khi chỉ riêng 3 tháng đầu năm đã đạt mức doanh số 2.852 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần”, thông cáo viết.

Với thông tin trên, hiện tượng “cháy hàng” trái phiếu doanh nghiệp qua môi giới của TCBS cho thấy một cấp độ mới so với xu hướng đã mạnh lên trong năm 2018. Nguồn vốn của nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đổ vào, và nếu “chiết tự” của “cháy hàng” thì nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu.

Sức hút đó cũng cho thấy một bộ phận nguồn vốn trong dân cư ngày càng năng động hơn, thay vì theo kênh truyền thống “an nhàn” gửi ngân hàng, một phần mạo hiểm tham gia thị trường chứng khoán, trú ẩn vào vàng hoặc ngoại tệ, hay để vào bất động sản…

Tuy chưa thực sự lớn, với quy mô khoảng 70.000 - 80.000 tỷ đồng số dư tùy thời điểm tại TCBS, nhưng đây là một trong những cấu phần góp phần giải thích cho tốc độ huy động vốn của hệ thống ngân hàng đang có xu hướng thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây; cũng như góp phần để giải thích một bộ phận nguồn vốn cá nhân trên sàn chứng khoán có độ lỏng cao hơn và có thể rời sang kênh còn khá mới này.

Với ứng dụng công nghệ và tiện ích thanh toán, ứng dụng hỗ trợ giao dịch trực tuyến, cùng tính thanh khoản được giới thiệu ở mức cao, sự năng động và dịch chuyển trên có thể dễ dàng đổi hướng. Ở đây, sức hút lợi nhuận và khẩu vị rủi ro liên quan là một khía cạnh khác.

Tương tự, cũng chỉ qua thao tác của ngón tay cái trên smartphone, nguồn vốn cá nhân hiện nay cũng đang thể hiện sự năng động ở kênh cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Hiện chưa có số liệu thống kê tổng thể được công bố về mức độ nguồn vốn cá nhân tham gia P2P Lending. Nhưng nó khác với kênh trái phiếu nói trên, vì có độ mở phạm vi và hiện chưa có khái niệm “cháy hàng”.

Với hai kênh đầu tư mới nói trên, trong một môi trường liên thông thuận lợi và tiện ích của không gian công nghệ, sự năng động và linh hoạt của dòng vốn đầu tư cá nhân đang thể hiện rõ, đang có xu hướng gia tăng.

Xu hướng này đi cùng với mức độ bị chia sẻ về nguồn. Mà có lẽ, các ngân hàng thương mại đang nhìn vào. Còn khi xu hướng mở rộng và gia tăng quy mô, không loại trừ biện pháp phòng thủ và đối ứng của các ngân hàng thương mại là lãi suất huy động .

Theo Minh Đức

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên