Một huyện hơn 2.700 năm không đổi tên chỉ vì một mỹ nữ có nhan sắc sánh ngang Tây Thi
Hơn 2.700 năm, một huyện ở Trung Quốc không hề đổi tên. Hóa ra là do một mỹ nữ có nhan sắc vô cùng kiều diễm. Nàng là ai?
- 13-06-2023Loạt ảnh hiếm chụp mỹ nữ thời nhà Thanh dưới ống kính nhiếp ảnh gia Pháp
- 01-02-2023Phạm Lãi - người tình của đại mỹ nữ Tây Thi được tôn là Thần Tài, để lại trí tuệ kinh doanh xuất chúng cho hậu thế
- 06-12-2022Mỹ nữ Nóng Cùng World Cup mê Chelsea, xem tuyển Anh không sót trận nào
Với sự thăng trầm của các triều đại, tên của các thành phố, huyện, thị trấn ở Trung Quốc thường có sự thay đổi. Chẳng hạn, Trường An, kinh đô của 13 triều đại trong lịch sử Trung Quốc, được đổi tên thành Tây An vào thời nhà Minh. Tên gọi này vẫn được duy trì cho đến nay.
Tuy nhiên, có một địa danh chưa bao giờ đổi tên. Đó là huyện Tức. Tên gọi của huyện này có thể bắt nguồn từ nước Tức, một nước nhỏ vào thời Xuân Thu (771 TCN – 476 TCN).
Tên gọi của huyện Tức không đổi trong hơn 2.700 năm được cho là vì một mỹ nhân tuyệt sắc của nước Tức.
Nàng là Tức Quy, hay còn gọi là Tức phu nhân, một mỹ nhân tuyệt thế trong thời kỳ Xuân Thu. Trong thời kỳ lịch sử có nhiều biến động đó, việc Tức phu nhân một lòng chung thủy thật đáng khâm phục. Tức phu nhân vẫn luôn nhớ về vị quân chủ nước Tức, dù sau đó trở thành vương hậu của Sở Văn vương, vị vua thứ 21 của nước Sở, một chư hầu của nhà Chu.
Mỹ nữ có nhan sắc khuynh thành khiến 3 vị quân vương si mê
Trong thời kỳ Xuân Thu, các vị vua của các quốc gia thường áp dụng chiến lược hôn nhân chính trị để ổn định vị trí của mình. Trần Trang công, vị vua thứ 15 của nước Trần, một chư hầu của nhà Chu, cũng không ngoại lệ.
Để duy trì lãnh thổ và quyền lực chính trị trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động, Trần Trang công đã gả hai cô con gái xinh đẹp của mình cho hai vị quân vương của hai nước láng giềng, đó là nước Tức và nước Sái. Vì hai nàng lấy hai vị vua của nước Tức và nước Sái, nên sử gọi là Tức phu nhân và Sái phu nhân.
Tương truyền, Tức phu nhân có dung mạo tuyệt đẹp tựa tiên nữ. Nàng được coi là một trong những mỹ nhân nổi tiếng nhất thời Xuân Thu.
Vào năm Sở Văn vương thứ 6 (năm 684 TCN), vợ chồng Tức phu nhân sang thăm nước Trần vì chuyện gia đình. Khi trở về, Tức phu nhân đi qua nước Sái nên dự định ở lại để thăm chị gái. Khi hai chị em đang tâm sự, anh rể của Tức phu nhân là Sái Ai hầu (vị vua thứ 13 của nước Sái) bất ngờ bước vào. Vị quân vương này từng nghe nói về sắc đẹp của Tức phu nhân. Quả nhiên, khi ông trông thấy Tức phu nhân đã hoàn toàn bị mê hoặc.
Tức phu nhân cảm thấy bất an nên đã vội vàng từ biệt chị gái để nhanh chóng rời khỏi nước Sái càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, Sái Ai hầu lại có thái độ thất lễ với Tức phu nhân. Điều này khiến Tức hầu nổi giận.
Trong thời Xuân Thu, nước Sở (một cường quốc), nước Sái và nước Tức ở gần nhau. Nhưng ba quốc gia này đã xảy ra nhiều cuộc chiến khốc liệt chỉ vì một mỹ nhân tuyệt sắc là Tức phu nhân.
Do nước Tức nhỏ bé nên không làm gì được nước Sái. Tức hầu nổi giận vì việc vợ bị Sái Ai hầu thất lễ nên ông đã phái người đến nói với Sở Văn vương hãy vờ đánh nước Tức. Sau đó, nước Tức sẽ cầu cứu Sái, quân Sở từ đó có thể đánh được nước Sái.
Sở Văn vương nghe theo nên dẫn quân đánh nước Tức. Tức hầu bấy giờ cầu cứu Sái Ai hầu. Quả nhiên, Sái Ai hầu không chống nổi quân Sở. Ông bị Sở Văn vương bắt sống và chịu cảnh giam cầm ở nước Sở.
Đến năm Sở Văn vương thứ 10 (680 TCN), Sái Ai hầu đã bị giam cầm ở nước Sở được 4 năm. Do căm giận Tức hầu nên Sái Ai hầu bèn cố ý tán tụng sắc đẹp của Tức phu nhân với Sở Văn vương. Vị vua này ham sắc Tức phu nhân nên dẫn quân đánh diệt nước Tức để đoạt lấy mỹ nhân. Tức hầu thua trận và bị bắt làm lính canh cổng, còn Sái Ai hầu được thả về nước.
Sau khi nước Tức diệt vong, Tức phu nhân cũng trở thành Vương hậu của Sở Văn vương. Theo truyền thuyết trong dân gian, để bảo vệ Tức hầu, người thân và những người dân của nước Tức nên Tức phu nhân đành phải chấp nhận lấy Sở Văn vương.
Sở Văn vương say mê Tức phu nhân. Để lấy lòng mỹ nhân, Sở Văn vương đã mang quân đi đánh nước Sái. Kết quả là Sái Ai hầu một lần nữa bị bắt và cuối cùng chết ở nước Sở.
Sau trận chiến này, tâm trạng của Tức phu nhân đã thay đổi một cách tinh tế. Nàng đã nói nhiều hơn và cố gắng giao tiếp nhiều với Sở Văn vương.
Sử sách không ghi chép về việc Tức phu nhân mất năm nào. Tuy nhiên, theo Liệt nữ truyện của Lưu Hướng thời Tây Hán, sau khi diệt được nước Tức, Sở Văn vương lấy Tức phu nhân làm vợ và bắt Tức hầu làm lính giữ thành.
Sau đó, nhân lúc Sở Văn vương có việc đi khỏi kinh thành, Tức phu nhân đã lén gặp Tức hầu và sau đó cả hai cùng tự sát. Đây cũng là truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian về mỹ nhân này. Theo truyền thuyết, vì Tức phu nhân và chồng là Tức hầu tự sát ngay lúc hoa đào nở, nên nhân gian thường gọi nàng là Đào Hoa phu nhân.
Chính vì sở hữu vẻ đẹp hiếm có cùng câu chuyện bi kịch về nhan sắc nên Tức phu nhân được người đời liệt vào một trong Xuân Thu tứ đại mỹ nữ, bên cạnh Hạ Cơ, Văn Khương và Tây Thi.
Để tưởng nhớ đến Tức phu nhân, một mỹ nhân nổi tiếng với những đóng góp thầm lặng cho người dân, nên các thế hệ sau đã đặt tên cho một vùng đất ở Hà Nam (Trung Quốc), thuộc đất đai cũ của nước Tức, là huyện Tức và cái tên này vẫn còn tồn tại đến nay.
Trên thực tế, huyện Tức là một huyện của thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), với diện tích 1.836 km2. Tại huyện Tức cũng có một bức tuộng để tưởng nhớ về Tức phu nhân, mỹ nhân đẹp đến mức "khuynh quốc, khuynh thành" nổi tiếng thời Xuân Thu.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu
Phụ nữ số