MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một khu vực miền Trung có thể có 3 thành phố Trung ương liền kề nhau

08-08-2024 - 13:38 PM | Bất động sản

Một tỉnh miền Trung phấn đấu lên thành phố Trung ương năm 2050, sẽ đầu tư cảng hàng không hiện có thành cảng hàng không quốc tế.

Một khu vực miền Trung có thể có 3 thành phố Trung ương liền kề nhau
- Ảnh 1.

Mới đây, theo Báo Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương và liên danh tư vấn quy hoạch tỉnh đề nghị khẩn trương thực hiện các nội dung Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương cập nhật, tổng hợp đầy đủ báo cáo, bản đồ, sơ đồ liên quan hồ sơ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình UBND tỉnh trước ngày 15/8.

Đồng thời tiếp thu ý kiến của bộ, ngành Trung ương để hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, sớm tham mưu UBND tỉnh trình Thủ Tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trước đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

Một khu vực miền Trung có thể có 3 thành phố Trung ương liền kề nhau
- Ảnh 2.

Đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Trong đó, đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực.

Đồng thời, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm.

Đáng chú ý, trong giai đoạn đến 2030, tỉnh này đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F. Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT. 100% các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông quan trọng kết nối các khu chức năng, các vùng sản xuất tập trung được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch; trên 60% trục đường chính trong các đô thị được đầu tư hoàn chỉnh.

Giao thông đường thủy nội địa thông suốt đúng chuẩn tắc luồng, đặc biệt là các tuyến đường thủy nội địa trên các sông Trường Giang, Cổ Cò, Thu Bồn, Vĩnh Điện. Hình thành một số loại hình giao thông thông minh.

Đến 2050, Quảng Nam phấn đấu thành TP trực thuộc trung ương

Còn tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển kinh tế - xã hội hài hoà giữa các khu vực đô thị và nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường tốt. Chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới trên đất liền, biển, đảo được giữ vững và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Một khu vực miền Trung có thể có 3 thành phố Trung ương liền kề nhau
- Ảnh 3.

Quảng Nam hiện có hai thành phố trực thuộc là Tam Kỳ và Hội An.

Như vậy, nếu Quảng Nam trở thành thành phố trực thuộc trung ương thì khu vực Trung Bộ sẽ có ba thành phố trực thuộc trung ương liền kề nhau là Thừa Thiên - Huế (dự kiến lên thành phố vào năm 2025), TP Đà Nẵng và TP Quảng Nam (trong tương lai).

Quảng Nam, được tái lập vào ngày 1/1/1997, là tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung, cách thủ đô Hà Nội khoảng 759 km về phía Bắc và cách TP HCM khoảng 971 km về phía Nam. Có đường biên giới Việt Nam-Lào đoạn qua tỉnh Quảng Nam - Việt Nam và tỉnh Sekong- Lào dài trên 157 km.

Quảng Nam có điều kiện thuận lợi trong quan hệ, giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương trong cả nước cũng như với các nước láng giềng. Tỉnh này còn là một trong số rất ít địa phương trong cả nước có sân bay, cảng biển, đường sắt và quốc lộ; có hai thành phố trực thuộc, vừa có núi, có biển với bờ biển dài 125 km; có 2 di sản văn hóa thế giới là Khu Di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An cùng Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Một khu vực miền Trung có thể có 3 thành phố Trung ương liền kề nhau
- Ảnh 4.

Kinh tế Quảng Nam tăng trưởng khả quan trong nửa đầu 2024.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 2,7%. Kinh tế phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ và công nghiệp.

Theo đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,7% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp tăng 4,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức đóng góp cao nhất, tăng 12%; ngành xây dựng tăng 6,1%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 5,8%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%.

Quy mô nền kinh tế Quảng Nam đạt gần 59 nghìn tỷ đồng; xếp vị thứ 26/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 7/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng và Bình Định).

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên