MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam đang tăng nhanh nhất Đông Nam Á, sẽ sớm đạt 45 tỷ USD

10-11-2023 - 18:31 PM | Kinh tế số

Tốc độ tăng trưởng ngành này của Việt Nam nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm thứ hai liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này.

Mới đây, Google, Temasek và Bain & Company công bố báo cáo nền kinh tế số của sáu quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á (e-Conomy SEA 2023), bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm thứ hai liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Tăng trưởng GMV trong hai năm tới sẽ được dẫn dắt bởi thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.

Trong đó, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022 đến 2023 và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025, hướng đến mục tiêu tổng giá trị hàng hóa đạt 24 tỷ USD trong năm 2025.

Việt Nam cũng đang thúc đẩy xu hướng này và trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số, tăng 19% từ năm 2022 đến năm 2023 và sẽ tiếp tục phát triển ở mức 13% CAGR trong giai đoạn 2023 - 2025.

Do đó, thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, hoạt động đầu tư của các ngân hàng thương mại và sự phổ biến của mã QR. Xu hướng này được dự báo sẽ tăng tốc khi Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Để thu hút đầu tư, các công ty kỹ thuật số cần có lộ trình đạt lợi nhuận cụ thể và chứng minh cho các nhà đầu về kế hoạch thoái vốn đáng tin cậy.

Thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam cũng đang tăng trưởng tích cực trong khu vực.

Thực tế, các quỹ đầu tư tư nhân tại Đông Nam Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm sau khi đạt mức cao kỷ lục, theo sát với xu hướng dịch chuyển toàn cầu do chi phí vốn cao và các vấn đề trong chu kỳ đầu tư.

Những vấn đề này bao gồm sự điều chỉnh rộng hơn về định giá so với mức kỷ lục trong năm 2021, sự bất cập xung quanh lộ trình sinh lời của một số công ty và thị trường vốn đầy thách thức khiến việc thoái vốn trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện là thị trường duy nhất tại Đông Nam Á có mức đầu tư tăng trong nửa đầu năm 2023 so với nửa cuối năm 2022.

Người tiêu dùng chi tiêu cao của Việt Nam chiếm đa số

Ngành du lịch được dự báo sẽ hoàn toàn hồi phục trong năm nay, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch nội địa. Du lịch trực tuyến đã tăng 82% trong năm qua và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) tăng 21% từ 2023 đến 2025, với mức GMV dự kiến đạt 7 tỷ USD. Mặc dù khách du lịch Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại hoàn toàn, sự hồi phục của các đường bay quốc nội và quốc tế sau đại dịch đã góp phần thúc đẩy cho ngành du lịch Việt Nam.

Các lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục phát triển và góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam bao gồm ngành: Vận tải; Thực phẩm (dịch vụ giao đồ ăn); Truyền thông trực tuyến. Lĩnh vực này đã tăng trưởng 10% từ 2022 đến 2023, dự kiến CAGR tăng 16% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025 và dự báo đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.

Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cũng cho thấy, người dùng có mức chi tiêu cao (HVUs) tiếp tục là yếu tố duy trì kinh tế bền vững. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng phụ thuộc vào việc gia tăng mức độ tham gia kinh tế số.

Tại Việt Nam, nhóm HVU chi tiêu gấp 5,4 lần so với nhóm non-HVU. Trong khi HVU có nhiều khả năng tăng mức chi tiêu theo thời gian, thì non-HVU cũng mang đến cơ hội tăng trưởng nói chung. Khi nhu cầu của người tiêu dùng tiếp tục tăng, đa số non-HVU sẽ sẵn sàng tăng chi tiêu trực tuyến nếu chúng ta xây dựng được sự tin tưởng, giải quyết các rào cản ví dụ như nhu cầu tương tác thật với sản phẩm.

Ông Andrea Campagnoli, Trưởng văn phòng kiêm Đối tác Sáng lập của Bain & Company tại Việt Nam, cho biết: Tốc độ tăng trưởng GMV và doanh thu của nền kinh tế số Đông Nam Á đều tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai chữ số, với doanh thu dự kiến sẽ vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2023. Bất chấp sự chậm lại của nền kinh tế hiện nay, Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong nhiều năm qua.

“Đáng chú ý, Việt Nam thể hiện sự tăng trưởng tích cực về khối lượng đầu tư trong nửa đầu năm 2023 so với năm ngoái. Đây là minh chứng cho niềm tin của các nhà đầu tư đối với tiềm năng dài hạn của đất nước”, ông Andrea Campagnoli cho hay.

Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên