Một loại 'vàng đen' đang tràn ngập Trung Quốc, Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu với giá siêu rẻ
Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc đã giảm gần 48% so với cùng kỳ năm 2022.
- 04-11-2023Indonesia nhập khẩu thêm gạo từ Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Myanmar
- 03-11-2023Sẽ nhập khẩu đường thông qua đấu giá
- 03-11-2023Việt Nam chi gần 5 tỉ USD nhập khẩu bắp, lúa mì, đậu nành để làm gì?
Theo Bloomberg, Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng dư thừa than ngày càng tăng. Lý do là bởi sản lượng trong nước tăng mạnh và nhập khẩu dồn dập. Điều này tiềm ẩn nguy cơ nguồn cung vượt so với nhu cầu trong mùa đông tới.
Giá nhiên liệu chính đã chịu áp lực kéo dài và các nhà phân tích cảnh báo rằng nhu cầu sử dụng than trong mùa đông để sưởi ấm sẽ không đủ để bù đắp cho nhu cầu ở lĩnh vực công nghiệp vốn đang tương đối khiêm tốn.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư (1/11), Hiệp hội Phân phối và Vận tải Than Trung Quốc (CCTD) cho biết đã có làn sóng bán tháo hoảng loạn trong tuần này sau khi một số cảng quan trọng cảnh báo các kho dự trữ sắp đầy và không còn chỗ trống.
Bà Gao Lanying, nhà phân tích tại Cqcoal, cơ quan định giá hàng đầu Trung Quốc, nhận định nhu cầu sưởi ấm của các gia đình tăng vọt trong những tháng lạnh mùa đông năm nay khó có khả năng giải quyết lượng hàng tồn kho quá lớn và nguồn cung dư thừa.
Trung Quốc đã tăng sản lượng than kể từ cuộc khủng hoảng điện năm 2021 để tránh tình trạng này lặp lại. Sản lượng than năm nay dự kiến sẽ tiếp tục đạt kỷ lục mới. Tăng trưởng nhu cầu cũng tương đối chậm lại trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang phục hồi khó khăn.
Nhưng chính sự gia tăng nhập khẩu đã khiến thị trường rơi vào tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng hơn. Các thương nhân đã tận dụng được nguồn cung rẻ hơn ở phần còn lại của thế giới, với lượng nhập khẩu tăng 73% trong 9 tháng đầu năm. Khối lượng than nhập vào Trung Quốc đạt kỷ lục trong tháng 8.
“Cơn lũ” than đánh dấu một bước ngoặt lớn so với giai đoạn này 2 năm trước. Thời điểm đó, tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch kéo theo cắt điện trên diện rộng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Điều này ít có khả năng xảy ra khi nguồn cung than dồi dào, mặc dù chính quyền vẫn cảnh giác với nguy cơ ở một số khu vực.
Thị trường giao ngay suy yếu khiến giá giảm trong các cuộc đàm phán nguồn cung hàng cho năm 2024 giữa các công ty khai thác than của Trung Quốc và các khách hàng lớn. China Coal Energy Co., nhà sản xuất lớn thứ hai, cho biết giá than dự kiến sẽ thấp hơn trong năm tới.
Ông Su Huipeng, nhà phân tích của CCTD cho biết, những bất ổn về nhu cầu sẽ làm suy yếu hoạt động mua hàng nhập khẩu trong thời gian còn lại của năm nay, nhưng tổng lượng nhập khẩu hàng năm vẫn có thể đạt mức kỷ lục 460 triệu tấn vào năm 2023.
Trong tháng 9 vừa qua, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu than từ Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam chi ra gần 7 triệu USD nhập khẩu 23.582 tấn than của Trung Quốc, tăng mạnh 97,8% về lượng và tăng 35,9% về trị giá so với tháng 9/2022. Tính chung cả 9 tháng, Việt Nam nhập khẩu 245 nghìn tấn than, tương đương 66,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,6% về lượng và 1,2% về kim ngạch.
Giá nhập khẩu bình quân 9T/2023 từ thị trường này là 273,2 USD/tấn, giảm 47,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh nhất trong tất cả các thị trường nhập khẩu của Việt Nam.
Theo một số doanh nghiệp ngành than, nhập khẩu than gia tăng trong 9 tháng qua do nhu cầu nhiệt điện, các nhà máy luyện thép của Việt Nam rất lớn. Hầu hết lượng than nhập từ Indonesia, Nga và Úc đều phục vụ cho nhiệt điện, đa số là loại than cám, phẩm cấp thấp, để phối trộn với nhiều loại than khác để phục vụ các nhà máy phát điện. Trong đó một phần than nhập từ Trung Quốc, Úc và Nhật là than Antranxit, than cốc... có độ bền cao, phục vụ luyện thép.
Nhịp sống thị trường