Một mặt hàng Thái Lan sắp bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, ông trùm sản xuất của Việt Nam tăng công suất thêm 67%, liệu có "ngư ông đắc lợi"?
Doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu xuất khẩu sang Mỹ đạt 40–50 triệu USD trong năm 2024 (năm 2023 đạt 26 triệu USD).
Trong "thế trận" ngành sản xuất lốp xe ô tô Việt Nam, bên cạnh những tên tuổi FDI chiếm tỷ trọng lớn như Brigdestone (Nhật Bản), Kumho Tire (Hàn Quốc), Michelin (Pháp)…, doanh nghiệp nội địa dẫn đầu phải kể tới là Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC).
Cao su Đà Nẵng hiện là nhà sản xuất lớn nhất Việt Nam về lốp ô tô tải và ô tô khách, cũng như là nhà sản xuất hàng đầu Đông Nam Á về lốp ô tô đặc chủng và chuyên dùng. Thậm chí mức doanh số và lợi nhuận của DRC cũng nằm trong top đầu toàn ngành, vượt qua nhiều thương hiệu ngoại nổi tiếng.
Riêng trong quý 1/2024, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt hơn 1.003 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp tăng tốt nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm cộng thêm mức nền so sánh thấp giúp Cao su Đà Nẵng báo lợi nhuận sau thuế 49 tỷ đồng, tương ứng tăng 93% so với quý 1/2023.
Trong năm 2024, Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.151 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 7%, còn 228 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, công ty hoàn thành được 19% mục tiêu doanh thu và gần 22% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo ghi nhận, săm lốp xe ô tô (chủ yếu là xe tải và OTR) là mảng đóng góp doanh thu và lợi nhuận gộp lớn nhất cho DRC với khoảng 85%. Mảng săm lốp xe máy lần lượt chiếm khoảng 5% tổng doanh thu và 4,5% lợi nhuận gộp. Còn lại mảng săm lốp xe đạp đóng góp 7,2% vào doanh thu và 7,4% lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này.
Động lực tới từ dự án nhà máy tăng công suất và chuyển đổi sản phẩm mới
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định đa phần giá NVL đầu vào đang có xu hướng giảm. Giá cao su tự nhiên giảm 2%, cao su tổng hợp giảm khoảng 4% q/q, giá hóa chất giảm khoảng 10% giá than đen tăng khoảng 11%. Điều này sẽ hỗ trợ mức biên lợi nhuận của DRC rong các quý sắp tới, bù đắp cho việc sản phẩm PCR đang ghi nhận mức lỗ gộp khoảng 20%.
Đặc biệt, BVSC đánh giá động lực tăng trưởng của DRC không chỉ năm nay mà cả thời gian về sau là Dự án nhà máy TBR giai đoạn 3 chính thức hoàn thành trong cuối quý 4/2024. Dự án hiện nay đã có công suất vượt 80 nghìn lốp/tháng, khi hoàn thành công suất nhà máy có thể lên đến hơn 1,2 triệu lốp/năm vào cuối năm 2024 – giúp nâng hiệu quả hoạt động dự án.
Phía DRC cho biết. giai đoạn 3 Nhà máy lốp Radial của công ty sẽ hoạt động tối đa công suất từ quý 2/2024, sản lượng lốp Radial sẽ tăng thêm tới 67%, đạt 1 triệu lốp/năm. BVSC kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng trưởng cho DRC trong giai đoạn tiếp theo khi xu hướng Radial hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Ngoài ra, hướng đi mới là lốp PCR mở ra cơ hội tăng trưởng rất lớn cho Cao su Đà Nẵng trong các năm tiếp theo. Hiện DRC đã chuyển đổi một phần công suất dây chuyền sản xuất lốp Bias sang sản xuất lốp PCR để phù hợp với xu hướng Radial hóa trên toàn thế giới, cũng như dung lượng thị trường lốp PCR lớn hơn rất nhiều so với lốp TBR và Bias.
Kể từ tháng 5/2024, DRC dự kiến sẽ sản xuất khoảng 50–60 nghìn lốp/tháng (hiện tại khoảng 30 nghìn lốp/tháng) và sẽ đạt mức 80–90 nghìn lốp/tháng vào cuối năm 2024. BVSC kỳ vọng việc đầu tư quy mô lớn sẽ giúp DRC tiết giảm chi phí sản xuất/sản phẩm và cải thiện biên lãi trong thời gian sắp tới. Dự báo ở sản phẩm lốp PCR, DRC sẽ có thể hòa vốn từ năm 2025 với sản lượng tiêu thụ khoảng 1 triệu lốp, tiến tới có lợi nhuận gộp kể từ năm 2026.
Tương tự, Agriseco Research trong báo cáo mới nhất cũng kỳ vọng việc đưa nhà máy lốp xe Radial đưa vào vận hành giúp DRC đón đầu được sự phục hồi về nhu cầu trong năm 2024, đặc biệt tại 2 thị trường xuất khẩu chính là Brazil và Mỹ khi 2 thị trường này vẫn đang áp thuế CBPG với lốp xe Trung Quốc.
Ngay trong cuối tháng 4, Cao su Đà Nẵng và Ocean One Trading (doanh nghiệp hàng đầu về ngành lốp tại Brazil) đã ký kết hợp đồng xuất khẩu Lốp ô tô DRC vào thị trường Mỹ và Brazil. Với Hợp đồng hợp tác phân phối được ký lần này, DRC và Oceanside One cam kết phấn đấu cho mục tiêu tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu lốp ô tô vào Brazil, Mỹ từ 70 triệu USD lên 150 triệu USD mỗi năm.
Kỳ vọng hưởng lợi khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho lốp xe tải nhập khẩu từ Thái Lan
Thông tin quan trọng liên quan tới nhóm doanh nghiệp sản xuất lốp xe chính là việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức bắt đầu cuộc điều tra về việc chống bán phá giá lốp xe tải và xe buýt được nhập khẩu từ Thái Lan. Nếu Mỹ áp thuế CBPG với lốp Thái Lan tương tự như đã làm với Trung Quốc vào năm 2019, nhà sản xuất lốp xe như Cao su Đà Nẵng sẽ có nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu sang thị trường này khi thị trường Mỹ hiện chiếm 14% tổng doanh thu của DRC.
Theo BVSC, ban lãnh đạo DRC khá tự tin với việc quyết định áp thuế CBPG sẽ được thông qua. Khi đó, DRC sẽ được hưởng lợi lớn do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Brazil) của Công ty. Ngoài ra, do các đơn hàng từ nhập khẩu từ Thái Lan sẽ mất khoảng 45 ngày hoặc hơn (tùy vào tình hình logistics), các đại lý sẽ hạ dần các đơn hàng trước khi quyết định áp thuế CBPG chính thức được áp dụng. DRC đặt kế hoạch doanh thu xuất khẩu sang Mỹ đạt 40–50 triệu USD trong năm 2024 (năm 2023 đạt 26 triệu USD), bù đắp cho doanh thu sụt giảm khoảng 10% ở thị trường Brazil.
Tuy nhiên cập nhật mới nhất, Chứng khoán SSI cho biết Bộ Thương mại Mỹ xác định mức thuế chống bán phá giá 2,35% đối với lốp xe tải từ Thái Lan. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 47,81% được đề xuất trước đó nên khó có thể ngăn chặn lốp xe tải Thái Lan thâm nhập thị trường Mỹ. Như vậy, tác động tích cực đến DRC có thể không quá lớn như kỳ vọng trước đó.
Ngoài ra, SSI Research cho rằng nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, DRC cũng sẽ không có nhiều tác động do lốp xe tải của DRC hiện không chịu bất kỳ thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nào.
Hiện, lốp PCR có xuất xứ Việt Nam khi vào Mỹ chịu thuế AD ở mức 22,27% và thuế CVD ở mức 6,46%. Mặc dù DRC đã tung ra thị trường lốp PCR vào quý 2 năm trước nhưng thị trường xuất khẩu chính là Brazil. Do đó trong tương lai, nếu DRC giới thiệu lốp loại PCR vào thị trường Mỹ thì DRC có thể tránh được thuế kỳ thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu có.
SSI Research dự báo DRC có thể đạt LNST lần lượt là 286 tỷ đồng (+15%) trong năm nay và tăng 20% lên 344 tỷ đồng vào năm 2025.
Tích cực hơn, BVSC dự phóng kết quả kinh doanh của DRC trong năm 2024 lần lượt là doanh thu thuần đạt 5.051 tỷ đồng (+12%) và LNST đạt 302 tỷ đồng (+22%), cao hơn so với kế hoạch của Công ty.• Riêng trong quý 2/2024, BVSC ước tính DRC ghi nhận doanh thu thuần 1.311 tỷ và LNST 96 tỷ, lần lượt tăng 95% và 89% so với cùng kỳ năm trước.