Một năm sau cái chết của cậu bé Syria bên bờ biển: Điều gì đã thay đổi?
Đã tròn một năm kể từ ngày tấm ảnh xác của cậu bé người Syria Alan Kurdi dạt vào bãi biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ, và nhanh chóng trở thành tấm ảnh biểu tượng của cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu trong năm 2015.
- 15-07-2016Sau khủng bố, Tổng thống Pháp tuyên bố đẩy mạnh hoạt động ở Iraq và Syria
- 12-06-2016IS đánh bom thủ đô Syria, 20 người chết
- 15-03-2016Putin tuyên bố rút quân khỏi Syria
Đấy là một hình ảnh gây sốc với thế giới, và thể hiện một sự thật trần trụi về cuộc nội chiến tàn khốc ở Syria đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người ly tán và tàn phá phần lớn đất nước này.
Điều rõ ràng là cuộc chiến không chỉ tác động nặng nề lên tầng lớp dưới cùng của xã hội, những người nghèo, mà ảnh hưởng đến cả tầng lớp trung lưu, những gia đình giàu có, những người có tài sản. Nhưng nhiều người trong số họ và con cái họ cũng có một kết cục giống như Alan, một cậu bé chỉ mới 3 tuổi.
Xác họ cũng trôi dạt vào các bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ, khi các con thuyền cao su hoặc thuyền gỗ ọp ẹp chở họ bị lật úp giữa sóng nước, trên đoạn đường biển chỉ dài hơn 2 hải lý giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đảo gần nhất của Hy Lạp.
Điều gì còn lại từ một nỗi xúc động mang tính toàn cầu, với những hastag, những chia sẻ trên mạng xã hội, những chiếc áo in hình Aylan được bán ra khắp nơi, như một sự thức tỉnh lương tri của nhân loại trước một thảm họa đang diễn ra?
Có một tấm ảnh Alan đang cười trước nhà của bà bác Tima ở Vancouver, người tuần trước vừa bay đến Erbil, Iraq, để cùng với bố của Alan đến thăm mộ cậu bé ở nghĩa trang Kobane, nơi mà nhà Kurdi còn những nấm mộ nữa: mộ của anh trai Alan, Ghalib, và mộ của mẹ Alan, Rehanna. Họ cùng chết đuối với Alan trong vụ đắm thuyền trước bãi biển Bodrum.
Có tiếng khóc của cha Alan và những bài phỏng vấn ông tố cáo Phương Tây đã lãng quên số phận của hàng nghìn, hàng vạn người khác đang chết dần mòn ở Syria, trong một bi kịch không có hồi kết.
Trong một năm kể từ ngày Alan trôi dạt vào bãi biển, đã có 340 đứa trẻ khác cũng chết trong các hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, và trôi vào bãi biển, nhưng không ai quan tâm.
Sau khi thỏa thuận về người di cư được ký kết giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn có những vụ vượt biển diễn ra, dù ít hơn trước, nhưng vẫn có người chết đuối trong các vụ đắm thuyền, trong đó có không ít trẻ em. Dù con đường sang Hy Lạp đã bị chặn lại, nhưng hàng vạn người vẫn trực chờ bên các bãi biển và chỉ cơ hội để được đi.
Tuyến đường chủ yếu bây giờ trở lại là Địa Trung Hải, với những con thuyền chở đầy người sang châu Âu từ các nước Bắc Phi và nguy cơ tai nạn rất cao.
Theo thống kê của Ủy ban cấp cứu quốc tế (IRC), kể từ đầu năm 2015 đến nay, có ít nhất 85 nghìn người có nguy cơ chết đuối khi đang vượt biển sang châu Âu, trong khi có hàng trăm nghìn người khác vẫn tiếp tục di chuyển từ các nước châu Phi đến các điểm tập kết ở Libya hay Ai Cập, và giúp cho bọn buôn người kiếm bộn tiền để chúng đẩy họ lên những con thuyền ọp ẹp vượt biển.
Cuộc khủng hoảng di cư còn lâu mới tới hồi kết. Châu Âu đã khép lại được tuyến Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp cũng như con đường trung chuyển người di cư qua các nước Balkan, nhưng con đường Địa Trung Hải lại mở ra.
Italy đã tiếp nhận liên tiếp 16.000 người trong vòng 6 ngày gần nhất và khả năng tháng 9 sẽ là tháng cao điểm người di cư vượt biển đến Italy đang thành hiện thực, do thời tiết tốt, trời quang và biển lặng.
Giới chức Italy lo ngại rằng, 2016 có thể trở thành năm mà lượng người di cư đến Italy tăng ở mức kỷ lục, vượt con số 170.000 người năm 2014 và nguy cơ tai nạn trên các tuyến vượt biển cũng do đó tăng thêm.
Tổ chức quốc tế về người di cư (IOM) cho hay, kể từ đầu năm đến nay, đã có gần 3 nghìn người di cư thiệt mạng trong các tai nạn trên biển Địa Trung Hải, gần bằng tổng số người chết của cả năm 2015.
Theo ông Gianni Rufini, tổng giám đốc tổ chức Ân xá quốc tế chi nhánh Italy, thì "tình hình càng trở nên tồi tệ hơn."
Trong khi đó, Carlotta Sami, người phát ngôn chi nhánh Italy của Tổ chức người tị nạn Liên hợp (UNHCR), cho rằng châu Âu đang gặp khó khăn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2.
Theo bà, dòng người di cư đổ từ các nơi về châu Âu vẫn không giảm và cuộc chiến ở Syria sẽ tiếp tục đẩy họ tới các con đường tuyệt vọng trên biển.
Đã một năm trôi qua kể từ ngày chú bé Alan thiệt mạng. Dường như chẳng có gì thay đổi./.