Một nền kinh tế hàng đầu châu Âu đi trước FED trong việc cắt giảm lãi suất: Lần đầu hạ lãi trong gần 1 thập kỷ
Ngân hàng trung ương Thụy Điển vừa cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016 trong bối cảnh lạm phát lắng xuống và kinh tế chững lại.
- 08-05-2024Chủ tịch FED Minneapolis: Lãi suất có thể chưa đủ cao để kiềm chế lạm phát
- 06-05-2024Chuyên gia kinh tế trưởng ECB lên tiếng: Khả năng cắt giảm lãi suất ngày một tăng
- 06-05-2024Kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn giảm lãi suất ngày càng xa vời
Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) hôm thứ Tư đã cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống 3,75% từ mức 4% như dự kiến, đánh dấu lần hạ lãi suất đầu tiên trong 8 năm.
Động thái này khiến Riksbank trở thành ngân hàng trung ương lớn thứ hai cắt giảm lãi suất trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ vừa qua, sau Thụy Sĩ. Trước đó, vào ngày 21/3, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã khiến thị trường ngạc nhiên khi quyết định hạ lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản xuống còn 1,5%.
Riksbank cho biết cơ quan này có khả năng cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa trong nửa cuối năm nếu áp lực lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp.
Sau tám lần tăng lãi suất trong vòng chưa đầy hai năm, kinh tế Thụy Điển đã chững lại. Nhiều hộ gia đình đang phải vật lộn với các khoản thanh toán thế chấp ở mức cao nhất trong hơn 15 năm.
Lạm phát tại Thụy Điển trong tháng 3 giảm xuống còn 2,2%, thấp hơn kỳ vọng của ngân hàng trung ương. Trong khi đó, GDP của Thụy Điển giảm 0,2% trong năm 2023 và duy trì ở mức yếu trong quý đầu tiên của năm nay.
Riksbank cho biết: “Khi lạm phát quay trở lại mức mục tiêu và kinh tế chững lại, chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng”.
Tuy nhiên, Riksbank bày tỏ lo ngại chính sách nới lỏng hơn có thể làm suy yếu đồng crown của Thụy Điển và tăng thêm áp lực lạm phát, đặc biệt nếu Thụy Điển không đồng bộ chính sách tiền tệ với Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đồng crown hiện đang giao dịch ở mức tương đương với đồng euro như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
ECB dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Trong khi đó, Fed vẫn chưa phát tín hiệu khi nào cơ quan này sẽ hạ lãi suất.
Ngân hàng Trung ương Australia và Na Uy cũng đưa ra thông điệp chưa vội cắt giảm lãi suất.
Ngân hàng Anh sẽ công bố quyết định chính sách mới nhất của mình vào thứ Năm. Dự kiến, cơ quan này sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại và có thể bắt đầu hạ lãi suất sớm nhất là vào tháng 6.
Theo Reuters, Market Watch
Nhịp Sống Thị Trường