Một ngôi đền nằm ở vị trí 'đắc địa' giữa trung tâm Hà Nội, ngay trong phố đi bộ hồ Gươm nhưng bạn có nhận ra?
Chẳng rõ từ khi nào, ngôi đền nhỏ nằm nép mình bên hồ Gươm lại gọi là đền Bà Kiệu.
- 18-06-2022Ngôi đền cổ hơn 3000 năm tuổi: Kiệt tác kiến trúc chứng minh khối óc tuyệt đỉnh của các nhà hiền triết Ai Cập cổ đại
- 12-03-2021Lễ tang trực tuyến và ứng dụng thiền - "phát kiến" giúp các ngôi đền ở Nhật Bản sống sót thời Covid-19
- 20-01-2021Câu chuyện về nữ triệu phú đầu tiên trong lịch sử: Từ con gái của một nô lệ làm nên sự nghiệp lớn, hiên ngang tiến vào ngôi đền kỷ lục thế giới
Mới đây, thông tin UBND quận Hoàn Kiếm chuẩn bị giải phóng mặt bằng các hộ dân với diện tích khoảng 250m2 xung quanh khu vực đền Bà Kiệu để cải tạo, chỉnh trang đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đền Bà Kiệu nằm nép mình bên phố Đinh Tiên Hoàng nhộn nhịp
Đây không phải lần đầu đền Bà Kiệu được chỉnh trang, tu bổ. Khoảng thời gian 2015-2016, di tích đền Bà Kiệu được tôn tạo với tổng mức đầu tư 23,2 tỷ đồng. Ngôi đền đã được hạ giải toàn bộ, làm lại hệ thống móng, tường, lát lại nền.
Khu vực gần đền Bà Kiệu sẽ được giải phóng mặt bằng để tu bổ, chỉnh trang ngôi đền
Chẳng phải một ngôi đền xa lạ, nếu như ai đã từng dạo phố đi bộ Hồ Gươm sẽ nhận ra ngay ngôi đền nhỏ nằm nép mình tại số 59 phố Đinh Tiên Hoàng. Ngay bên cạnh là cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng, ôm lấy một phần ngôi đền.
Đền Bà Kiệu, tên chữ là Huyền Chân từ, một ngôi đền nhỏ nằm phía Đông hồ Gươm, Hà Nội, phía trước nhìn ra cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn.
Thăng Long cổ tích khảo hay thần tích của Hà Nội là Hà Thành linh tích cổ lịch có dẫn, đền Bà Kiệu được xây vào thời nhà Lê niên hiệu Vĩnh Tộ (1919-1628), đến triều Lê Cảnh Hưng được cơi nới, mở rộng thêm.
Tại sao gọi là đền Bà Kiệu?
Huyền Chân từ thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của Việt Nam và hai người hầu cận là Quỳnh Hoa và Quế Nương. Chẳng biết từ bao giờ, người ta lại gọi đó là đền Bà Kiệu, cũng chẳng mấy sử sách ghi lại về chuyện này.
Chỉ biết rằng, những năm thập niên đầu thế kỷ XX, nhiều đền miếu thờ chúa Liễu Hạnh có đề nhiều bài thơ đậm tinh thần dân tộc. Dân gian tôn kính còn gọi là Bà chúa Liễu, tên Bà Kiệu này phải chăng là cách gọi trại mà ra?
Những cổ vật còn lại trong đền Bà Kiệu là hương án, cửa võng, khám thờ cùng các sắc phong tiền triều. Ngôi đền nhỏ đã được trùng tu nhiều lần trong lịch sử, có bị thời gian mài mòn nhưng phần lớn vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa như tượng cá hoá rồng bằng gốm men trên nóc toà Đại bái. Các đầu dư đều chạm hình rồng, vân mây trên thân đều nổi rõ.
Khám thờ trong đền được bố trí theo thứ tự và chạm khắc tinh xảo. Phía trên là tượng Tam tòa Thánh mẫu gồm mẫu Thiên, mẫu Địa, mẫu Thoải. Phía ngoài có tượng mẫu Liễu Hạnh và hai hầu cận Quỳnh Hoa và Quế Hoa.
Quả chuông đồng được đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) cao gần 1m, rộng gần nửa mét hiện vẫn được đền cất giữ.
Theo Tạp chí Thế giới di sản, đền Bà Kiệu hiện nay còn lưu giữ được 27 đạo sắc phong cho mẫu Liễu Hạnh và hai thị nữ hầu cận Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Con số này đặc biệt nhiều so với các di tích thờ Mẫu.
Tham quan nhà đại bái, du khách còn được chiêm ngưỡng 4 tượng cá chép hoá rồng đặt trên xà và dưới diềm của các mái. Ngôi đền nhỏ nằm nép mình dưới tán cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Mô típ cây đa và mái đình trong dân gian tựa như ‘ngọn hải đăng’ cho những người con xa xứ hướng vọng về quê hương. Thêm vào đó, dân gian cũng có câu ‘Thần cây đa, ma cây gạo'. Cây đa trăm tuổi luôn che nắng mưa cho ngôi đền qua bao biến đổi thời gian chẳng phải cũng là một người hầu cận linh thiêng hay sao?
Ngôi đền bị 'chia đôi sẻ nửa'
Trong Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, cụ Nguyễn Văn Uẩn có nói đền Bà Kiệu, "tên chữ là Châu Tiên điện, ở sát mé hồ lối đi vào cổng đền Ngọc Sơn, một ly cung của con gái chúa Trịnh sau thành một đền riêng của tư nhân họ Hoàng. Đền chia làm hai lớp: lớp trong thờ thánh mẫu Sòng Sơn tức Liễu Hạnh; lớp ngoài thờ sơn thần có đắp tượng hổ đứng trên núi giả. Trong đền có quả chuông đúc về thời Tây Sơn Cảnh Thịnh (Mậu Ngọ 1798)".
Ảnh tư liệu: Đền Bà Kiệu những năm 1900
"Năm 1883, đền Bà Kiệu bị người Pháp lấy làm trụ sở của Ban Tham mưu binh đoàn bộ binh dã chiến, sau thành nhà ở riêng của viên đại tá chỉ huy binh đoàn (là Pernod); mỗi khi chủ nhà tiếp đón khách, tổ chức tiệc tùng thì sân đền là chỗ uống rượu khiêu vũ".
Hình ảnh ngôi đền Bà Kiệu bị 'chia đôi sẻ nửa'
Năm 1889, làm con đường vòng quanh hồ Gươm Boulevard Francis Garnier (chính là phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay) thì con đường đi qua sân đền Bà Kiệu, chia đôi đền một bên là hậu cung, một bên là nhà giải vũ biến thành cửa hàng bán hoa tươi.
Đền Bà Kiệu được trùng tu lớn vào năm 2015. Là một trong những nơi thờ Mẫu xây dựng sớm nhất nước ta, lại được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 5/2/1994, đền Bà Kiệu còn nằm ở vị trí đắc địa ngay cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Các cuộc trùng tu tiếp theo cũng là một phương án bảo tồn để lưu giữ vẻ đẹp của đền còn mãi với thời gian. Để ngoài những ngày mùng 1, ngày Rằm, những ngày Tết Nguyên đán đầu năm, người dân nô nức du xuân ghé thăm ngôi đền nhỏ để vãn cảnh và cầu mong một năm bình an, may mắn.
Tổ quốc