MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một nhóm ngành của Việt Nam vừa lập kỷ lục mới, hơn 62 tỷ USD đổ về nước ta

17-12-2024 - 09:11 AM | Thị trường

Nhóm ngành này giúp Việt Nam thu về hàng chục tỷ USD chỉ trong 11 tháng qua.

Một nhóm ngành của Việt Nam vừa lập kỷ lục mới, hơn 62 tỷ USD đổ về nước ta- Ảnh 1.

Việt Nam có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 11 tháng qua. Ảnh minh họa

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16/12.

Theo đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra rằng, 2024 là một năm bứt phá của ngành Nông nghiệp Việt Nam, cả về mặt sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2023. Đáng chú ý, xuất siêu của Việt Nam đạt kỷ lục, với 18,6 tỷ USD.

Trong đó, có 11 mặt hàng của Việt Nam tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý có 7 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, chẳng hạn như gỗ và sản phẩm gỗ với khoảng 16 tỷ USD; rau quả đạt 7,1 tỷ USD; gạo có kim ngạch xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD, cà phê đạt 5,4 tỷ USD...

Về thị trường, trong 11 tháng của năm 2024, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 12,3 tỷ USD ; Trung Quốc đứng thứ hai với 12, 2 tỷ USD; kế đến EU, Nhật Bản...

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định rằng, sản xuất nông nghiệp trong nước duy trì ổn định và xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I/2025. Bối cảnh này được đưa ra là do nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng vì nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang cũng cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...

Về thị trường, ông Nguyễn Anh Phong cho rằng, Mỹ là địa bàn có dân số đông và nhu cầu tiêu dùng cao nên các mặt hàng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt là về thuỷ sản, đồ gỗ, cà phê, tiêu và những loại trái cây nhiệt đới.

Về thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản ở quốc gia này cũng được dự đoán tăng mạnh. Trong đó, rau quả dự kiến tăng 6,64%/năm và thủy sản tăng 7,56%/năm trong giai đoạn từ 2024 - 2029.

Ngoài ra, trong những năm tới, nông sản Việt Nam có thêm cơ hội trong mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng như Trung Đông và một số quốc gia châu Phi.

Đâu là thách thức với xuất khẩu nông sản của Việt Nam?
Một nhóm ngành của Việt Nam vừa lập kỷ lục mới, hơn 62 tỷ USD đổ về nước ta- Ảnh 2.

Cà phê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 5,4 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2024. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian tới, những biến động về địa chính trị, xung đột quân sự và nhất là việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ đạt ra không ít thách thức với hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Cụ thể, những thách thức này có thể xảy ra khi những chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao cùng với những quy định kỹ thuật ngày càng cao, yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia về xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản. Trong những quốc gia chịu tác động này có cả Việt Nam.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, để thích ứng với những thách thức mới trên, các ban ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thúy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Ngoài ra, cần đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Đặc biệt, chúng ta cần phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics.

Theo Minh Hằng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên