Một nước châu Á trở thành "cửa sau" đưa dầu Nga vào châu Âu
New Dehli sẵn sàng mua dầu thô của Nga với giá chiết khấu tới 30% đã phần nào ảnh hưởng tới nỗ lực của Mỹ và phương Tây trong việc chặn các nguồn thu của Moscow từ xuất khẩu.
- 29-06-2022Mỹ bàn với châu Âu áp trần giá lên dầu Nga để 'một mũi tên trúng 2 đích'
- 27-06-2022Cạn kiệt nhiên liệu, thêm một quốc gia Nam Á tìm đến nguồn dầu giá rẻ Nga
- 16-06-2022Góc 'làm giàu không khó': Nhập dầu 'đại hạ giá' từ Nga, bán lại dầu diesel sang châu Âu, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ kiếm bộn tiền
- 10-06-2022Cú sốc năng lượng: các nước nghèo gặp khó, mua dầu giá rẻ Nga có thể trở thành áp lực
Trong tháng 5, Nga đã thu về gần 20 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu dầu, tương đương mức kim ngạch xuất khẩu trước thời điểm triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Ở thời điểm hiện tại, đang xuất hiện các lo ngại rằng Ấn Độ đang đóng vai trò như một cửa sau để nguồn dầu mỏ của Nga vào châu Âu.
Ấn Độ: "Cửa sau" đưa dầu Nga vào châu Âu
Trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, kim ngạch nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ gần như không đáng kể, một phần là bởi chi phí vận chuyển đắt đỏ. Nhưng gần đây, hoạt động này đã gia tăng nhanh chóng. Nayara, đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Vadinar của Ấn Độ, đã mua dầu của Nga từ tháng 3, trước thời điểm phương Tây áp đặt các lệnh giới hạn lên việc xuất khẩu mặt hàng này, với khối lượng khoản 1,8 triệu thùng từ Trafigura.
Khối lượng dầu mà Ấn Độ đang mua vào và sau đó xuất khẩu, tuy nhiên, cho thấy có khả năng một phần trong lượng dầu thô Nga đã qua quá trình lọc có thể xuất hiện tại nhiều kho trữ của châu Âu. Công ty sở hữu Vadinar đã từ chối trả lời về việc liệu số dầu tại đây sau đó có đến châu Âu hay không.
Vào tháng 5, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 800.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga. Hãng đánh giá tín dụng Fitch dự báo kim ngạch nhập khẩu có thể tăng lên hơn 1 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 20% tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ.
Ấn Độ, Trung Quốc và UAE là 3 nước đã tăng cường mua dầu thô của Nga sau khi kim ngạch xuất khẩu của Matxcova sang EU giảm 18% trong tháng 5.
Tổng thống Putin phát biểu trong hội nghị của khối Brics (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trong tuần này rằng "nguồn cung dầu của Nga tới Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng lên đáng kể".
Ấn Độ đang chơi "ván bài mạo hiểm"
Ấn Độ với dân số khoảng hơn 1,4 tỷ người có lý do để tìm kiếm các nguồn cung dầu giá rẻ. Nhưng đây là một ván bài chính trị mạo hiểm. "Ấn Độ đang đi trên dây", Alan Gelder, phó chủ tịch mảng thị trường dầu và hoá chất tại Wood Mackenzie nói. "Nếu đi quá xa, Ấn Độ có thể đối mặt với rủi ro phải đối mặt với lệnh trừng phạt của phương tây".
Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí sạch cho biết nhà máy lọc dầu Jamnagar của Tập đoàn Reliance Industries tại Gujarat đã tiếp nhận 27% lượng dầu thô là từ Nga trong tháng 5, tăng 5% so với tháng 4. Trung tâm này cũng cho biết khoảng 20% lượng hàng xuất khẩu từ Jamnagar đã rời đến kênh đào Suez, ám chỉ rằng số hàng này sẽ đến châu Âu hoặc Mỹ. Cũng đã có các chuyến hàng chuyển tới Pháp, Ý và Anh. Nhưng hiện không có bằng chứng cho thấy trong đó có bao gồm dầu của Nga.
Anh hiện đã cam kết sẽ dần loại bỏ dầu của Nga vào cuối năm. Nước này đã không nhập khẩu dầu của Nga trước thời điểm cuộc chiến, nhưng dầu diesel thì chiếm 18% tổng nhu cầu. Cho dù việc giao thương với dầu của Nga vẫn là hợp pháp, những vấn đề phức tạp xoay quanh vấn đề này khiến nhiều công ty cung cấp dầu quốc tế có thể tìm cách che dấu nguồn gốc sản phẩm. Một số công ty năng lượng đã nhanh chóng cắt giảm nguồn dầu nhập từ Nga, nhưng một số chuyên gia cho biết nhiều công ty ở khu vực đông - nam Anh vẫn tiếp tục thu mua dầu diesel được lọc tại Nga.
Hiện các công ty lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ vẫn đang đàm phán nhằm kí hợp đồng cung cấp dầu kéo dài 6 tháng từ Nga, theo nguồn tin từ Bloomberg. Ba công ty gồm Indian Oil Corp, Hindustan Petroleum và Bharat Petroleum đã từ chối trả lời các câu hỏi về việc liệu họ có đang nhập khẩu dầu từ Nga hoặc xuất khẩu chúng sang châu Âu.
Các nguồn tin trong ngành cho biết việc theo dõi tuyến đường các tàu chở dầu của Nga tới châu Âu thông qua Ấn Độ không hề đơn giản. "Bạn sẽ thấy rằng nhiều tàu chở dầu thô từ các quốc gia khác nhau sẽ đến ở một cảng, và sau đó số hàng này sẽ bị trộn lẫn. Việc theo dõi các tàu hàng cụ thể gần như là không khả thi".
Các cách "né" lệnh trừng phạt
Có nhiều cách để các hãng tàu che dấu nguồn gốc dầu của Nga, các nguồn tin cho biết. Về tài chính, việc trả bằng đồng Nhân dân tệ, thay bằng đồng USD như thông thường, là một cách. Các hoạt động thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ - Rúp đã tăng 1,068% kể từ tháng 2.
Việc chuyển các thùng hàng dầu từ tàu sang tàu cũng tăng mạnh, cho thấy dầu đang được chuyển từ các tàu của Nga tới các tàu của những nước khác. Ngày càng có nhiều tàu tắt hệ thống báo danh tự động khi đang vận chuyển hàng dầu trên đại dương.
Một cách nữa để che dấu hoạt động vận chuyển dầu của Nga là trực tiếp trao đổi dầu với hàng hoá, thay vì thông qua tiền, ví như sử dụng vàng, thực phẩm hay vũ khí. Iran trước đây đã nhận vàng từ các đối tác, thay vì đô la.
"Nếu một quốc gia hay một công ty chở dầu muốn che dấu nguồn gốc hàng hoá, họ sẽ dễ dàng làm được việc đó", Ajay Parmar, chuyên gia về thị trường dầu tại ICIS cho biết.
"Rõ ràng các công ty lọc dầu của Ấn Độ đang mua vào lượng lớn dầu với giá chiết khấu từ Nga, và sau đó xuất khẩu một phần trong đó ra nước ngoài", Craig Howie, chuyên gia phân tích tại Shore Capital nói. "Với việc giá xăng dầu đang tiếp tục tăng, điều này là hoàn toàn dễ lý giải, nhưng rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu của phương tây trong việc ngăn chặn nguồn tài chính quay trở lại Nga".
Đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hoạt động thương mại với Nga được coi là bước đi mang tính cân bằng chính trị. Trong khi giá dầu vẫn đang ở mức cao, và cùng với đó là sức ép từ người tiêu dùng, việc phải đứng trước rủi ro là sự phản ứng mạnh từ phương Tây sẽ được tính đặt lên bàn cân trước lợi ích từ giá dầu rẻ.
Trí thức trẻ