MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một quốc gia Đông Nam Á vừa đưa ra đề xuất táo bạo: Thành lập ‘OPEC phẩy’ để quản lý ‘dầu thô mới của thế giới’

02-11-2022 - 18:16 PM | Thị trường

Một quốc gia Đông Nam Á vừa đưa ra đề xuất táo bạo: Thành lập ‘OPEC phẩy’ để quản lý ‘dầu thô mới của thế giới’

Indonesia muốn thành lập một tổ chức tương tự OPEC để quản lý sản xuất các kim loại dùng để chế tạo pin cho xe điên như nickel, coban, mangan...

Nhà khai thác nickel lớn nhất thế giới là Indonesia đang xem xét ý tưởng thành lập một tổ chức để quản lý việc cung cấp nickel và một số kim loại quan trọng khác để sản xuất pin, tương tự những gì OPEC đang làm đối với dầu thô.

Khi nhu cầu về kim loại như nickel, lithium, đồng và coban dự kiến tăng mạnh trong những thập kỷ tới để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu cho xe điện và lưu trữ năng lượng, ý tưởng này sẽ giúp một số quốc gia giàu tài nguyên tận dụng được lợi thế cũng như kiểm soát một phần thị trường.

“Tôi thấy được lợi ích của việc tạo ra OPEC để quản lý việc điều hành thương mại dầu mỏ nhằm đảm bảo khả năng dự đoán cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng”, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia nói với Finalcial Times trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Một quốc gia Đông Nam Á vừa đưa ra đề xuất táo bạo: Thành lập ‘OPEC phẩy’ để quản lý ‘dầu thô mới của thế giới’ - Ảnh 1.

5 quốc gia khai thác nickel lớn nhất thế giới theo sản lượng (triệu tấn).

“Indonesia đang nghiên cứu khả năng tạo ra một cơ cấu quản trị tương tự đối với các khoáng sản mà chúng tôi có, gồm nickel, coban và mangan”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, Indonesia vẫn chưa liên hệ với các nước sản xuất nickel khác để thảo luận về ý tưởng trên, đồng thời cho biết họ vẫn đang nghiên cứu cơ cấu quản trị của một liên minh trong tương lai mà đất nước này có thể đề xuất với các nhà sản xuất khác, theo Bộ trưởng Lahadalia.

Nói dễ hơn làm

Tuy nhiên, việc tạo ra một tổ chức giống OPEC cho cái gọi là “kim loại chuyển dịch năng lượng” không dễ để thực hiện. Không giống nguồn dầu mỏ của các nhà sản xuất OPEC, hoạt động khai thác tại Indonesia và các nhà sản xuất nickel khác được kiểm soát bởi nhiều công ty tư nhân hoặc các công ty Trung Quốc.

Hơn nữa, các quốc gia sản xuất và nắm giữ trữ lượng nickel lớn không có nhiều sự tương đồng về chính trị, điều kiện thị trường để hình thành một liên minh. Ngoài Indonesia, các nhà sản xuất nickel lớn gồm Nga, Canada, Úc, Mỹ. Trong đó, Mỹ không có trữ lượng lớn nếu so với với Indonesia, Philippines, Nga hoặc Úc.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Indonesia và Úc có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới, với khoảng 21 triệu tấn mỗi nước. Tuy nhiên, trong khi Indonesia là nhà sản xuất nickel lớn nhất thì các nước xếp sau lại là Philippines và Nga chứ không phải Úc. Trong đó, Nga lại chiếm đến gần 20% nguồn cung cấp nickel loại 1 trên toàn cầu. Đây là loại nickel cần thiết cho sản xuất pin, theo IEA.

Nickel chủ yếu được tìm thấy trong 2 loại trầm tích – sunfua và đá ong. Các mỏ sunfua – chủ yếu nằm ở Nga, Canada và Úc – thường chứa nickel cao cấp hơn, dễ được chế biến thành nickel cấp 1 cho sản xuất pin.

Một quốc gia Đông Nam Á vừa đưa ra đề xuất táo bạo: Thành lập ‘OPEC phẩy’ để quản lý ‘dầu thô mới của thế giới’ - Ảnh 2.

Indonesia, Philippines, trong khi đó sở hữu nhiều mỏ đá ong chứa nickel, loại nickel chất lượng thấp hơn và cần thêm nhiều công đoạn xử lý trước khi có thể sản xuất pin, IEA cho biết trong một báo cáo hồi tháng 7/2022.

“Mặc dù Indonesia sản xuất khoảng 40% tổng lượng nickel nhưng số này hiện được sử dụng rất ít trong chuỗi cung ứng pin. Nhà cung cấp nickel loại 1 lớn nhất hiện nay là Nga, Canada và Úc”, theo IEA.

Indonesia đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp nickel và cấm xuất khẩu quặng nickel vào năm 2020. Động thái này khiến EU khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chống lại quyết định của Indonesia cấm xuất khẩu nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất thép không gỉ.

Lệnh cấm này cũng đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc đầu tư vào chuỗi cung ứng nickel của Indonesia. Các công ty này đã cam kết đầu tư khoảng 30 tỷ USD, trong đó các khoản đầu tư của Tsingshan vào khu công nghiệp Morowali và Vịnh Weda là ví dụ tiêu biểu.

Không giống các nhà sản xuất OPEC, những công ty sản xuất nickel lớn nhất ở Indonesia như Tsingshan của Trung Quốc hay Vale của Brazil không thuộc sở hữu nhà nước. Đó là chưa kể đến việc khai thác nickel cũng như kim loại sản xuất pin hiện vấp phải không ít sự phản đối vì các yếu tố liên quan đến môi trường.

Hồi tháng 7, hàng chục tổ chức môi trường tại Mỹ và Indonesia từng gửi thư ngỏ tới Elon Musk và cổ đông của Tesla, thúc giục họ “chấm dứt kế hoạch đầu tư của Tesla vào ngành công nghiệp nickel của Indonesia” do nó có thể tàn phá môi trường và cuộc sống của người Indonesia.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên