Một quốc gia khan năng lượng dù nằm trên bể dầu: Giấc mơ bá chủ đá phiến bỗng hóa thành cơn ác mộng
Dù có trữ lượng dầu khí đá phiến lớn nhưng lĩnh vực sản xuất khí đốt tại quốc gia này vẫn không thể đáp ứng nhu cầu trong nước.
- 07-04-2022Đức và 'cuộc chia tay' đau đớn với Nga: Không 'nỡ' ra đòn mạnh tay, 'cơn nghiện' năng lượng không thể chấm dứt trong vài tuần
- 07-04-2022"Sấm to mưa nhỏ": Trừng phạt năng lượng Nga nhưng phương Tây chỉ lựa chọn than đá - thứ gây ô nhiễm trầm trọng đang dần bị cả thế giới xa lánh
- 06-04-2022CCTV: Giữa khủng hoảng năng lượng, người Đức đã lo cho... năm sau, đổ xô đi tích trữ 1 thứ
Khủng hoảng nhiên liệu đang gây ra nhiều bất ổn chính trị-xã hội tại Argentina. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các chuyên gia lo ngại viễn cảnh thiếu hụt lương thực trầm trọng có thể sẽ sớm xảy ra, trong bối cảnh nhiều nhà vận chuyển ngũ cốc của quốc gia Nam Mỹ này đang kêu gọi đình công vì giá nhiên liệu tăng cao phi mã đúng mùa thu hoạch.
Được biết quý II hàng năm, Argentina sẽ đẩy mạnh thu hoạch đậu nành và ngô để rao bán cho các nước. Bởi vậy, bất kỳ đòn giáng nào tác động lên hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cũng có thể khiến quốc gia này đối mặt với nhiều hệ lụy sâu rộng.
Trớ trêu là, dù Argentina là một trong những quốc gia giàu khí đốt nhất trên thế giới với trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ, chính phủ nước này vẫn đang phải đối mặt với rủi ro chia nhỏ tài nguyên thiên nhiên do cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan nhanh với quy mô toàn cầu.
“Mặc dù có trữ lượng dầu khí đá phiến sánh ngang với Appalachia, thứ giúp Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn, lĩnh vực sản xuất khí đốt tại Argentina trong nhiều năm nay vẫn không thể đáp ứng nhu cầu trong nước, chứ chưa nói gì đến nhu cầu toàn cầu’’, tờ Bloomberg giải thích.
Lĩnh vực sản xuất khí đốt tại Argentina trong nhiều năm nay vẫn không thể đáp ứng nhu cầu trong nước
Argentina từ lâu muốn trở thành cường quốc đá phiến nhờ trữ lượng khổng lồ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh doanh và nền kinh tế trì trệ kéo dài, lĩnh vực này không được chú trọng đầu tư phát triển. Năng lực đường ống vận chuyển khí đốt từ nơi dự trữ Patagonia xa xôi đến các khu vực đô thị và công nghiệp vì thế cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Kết quả là Argentina không những không thể trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn, mà còn phải phụ thuộc vào Mỹ và Qatar để nhập khẩu khí hóa lỏng LNG. Argentina khi đó buộc phải cạnh tranh với các nền kinh tế lớn hơn nhiều để có thể mua các lô hàng LNG trong bối cảnh nguồn cung khó đáp ứng được cầu.
Trong một bài phân tích có tiêu đề “giấc mơ bá chủ đá phiến của Argentina bỗng hóa thành cơn ác mộng khí đốt”, các chuyên gia của Bloomberg cho rằng rất có thể Argentina sẽ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu LNG trong nước. Giá nhiên liệu tăng cao chóng mặt cũng khiến quốc gia này không đủ ngoại tệ để thanh toán cho các lô hàng nhập khẩu trước đó.
“Sẽ là một mùa đông đầy khó khăn do cách tiếp cận của Argentina và sự thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu”, Agustin Gerez, đại diện công ty năng lượng nhà nước Ieasa của Argentina cho biết.
Quý II hàng năm, Argentina sẽ đẩy mạnh thu hoạch đậu nành và ngô để rao bán cho các nước
Tuần này, Tổng thống Chile Gabriel Boric đã có chuyến công du chính thức đầu tiên sang Argentina để thảo luận về tình trạng thiếu nhiên liệu với người đồng cấp Alberto Fernandez. Bộ trưởng Kinh tế Argentina, Martin Guzman và Bộ trưởng năng lượng Chile, Claudio Huepe Minoletti, đã ký một tuyên bố chung về hợp tác năng lượng song phương.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên không nhằm mục đích tăng thêm khí đốt cho Argentina mà chỉ đơn thuần tái thiết lập hoạt động xuất khẩu sang Chile và khôi phục hệ thống đường ống Neuquen-Biobio. Dù điều này có thể mang lại một số vốn cần thiết cho nền kinh tế Argentina, song lại không thể giúp nước này lấp đầy khoảng trống LNG vốn có.
Các chuyên gia cho rằng nếu lĩnh vực đá phiến của Argentina phát triển, nước này không những không bị phụ thuộc năng lượng mà còn có thể bán bớt LNG dư thừa. Để làm được điều này, Argentina cần một chính sách hỗ trợ và đầu tư không hề nhỏ - những thứ được cho là khó có thể xảy ra trong lịch sử của Argentina. Hơn nữa, với điều kiện kinh tế eo hẹp cùng cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đã gây ra nhiều biến động cho thị trường, Argentina có rất ít sự lựa chọn.
Theo: Bloomberg
Nhịp sống Việt