MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một quốc gia vẫn “sống khỏe” dù không có TikTok

18-03-2024 - 20:41 PM | Tài chính quốc tế

Năm 2020, Ấn Độ lạnh lùng chặn TikTok không một lời cảnh báo. 200 triệu người dùng ứng dụng video ngắn Trung Quốc bỗng chốc “bơ vơ” nhưng hiện tại, họ vẫn sống ổn.

Khi người dùng TikTok tại Mỹ đang lo ngại về khả năng mất quyền truy cập ứng dụng, họ có thể học vài bài học từ Ấn Độ.

Tuần trước, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật có thể dẫn đến lệnh cấm TikTok trên toàn quốc. Khoảng 170 triệu người Mỹ đang sử dụng ứng dụng này. Dù cảm thấy bối rối, họ cần biết một điều rằng mình vẫn có thể “sống sót” và vượt qua thế giới không TikTok.

Tháng 6/2020, sau vụ đụng độ tại biên giới Ấn Độ và Trung Quốc khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, New Delhi đã bất ngờ cấm TikTok cùng vài ứng dụng đồng hương khác. Theo Nikhil Pahwa, nhà sáng lập website công nghệ MediaNama, Mỹ chính là nước đầu tiên khen ngợi quyết định của Ấn Độ.

Tuy quyết định đột ngột của Ấn Độ gây sốc cho 200 triệu người dùng TikTok trong nước, 4 năm sau, nhiều người đã tìm được thay thế. Ông Pahwa chỉ ra lệnh cấm TikTok đã tạo ra cơ hội triệu đô và cuối cùng, chính những công ty Mỹ đã được hưởng lợi.

Một quốc gia vẫn “sống khỏe” dù không có TikTok- Ảnh 1.

TikTok bị cấm tại Ấn Độ từ tháng 6/2020 (Ảnh: India-briefing)

Cuộc sống không TikTok

Lệnh cấm không phải không có tác dụng phụ. TikToker Ấn Độ bối rối, thậm chí giận dữ trong những ngày tháng sau đó. TikTok vô cùng phổ biến với những người đang muốn giải tỏa khỏi áp lực của các đợt phong tỏa Covid-19 nghiêm ngặt.

"Mọi người ở Ấn Độ đều muốn trở thành một ngôi sao Bollywood và TikTok đã biến giấc mơ đó thành hiện thực bằng cách biến mọi người, bao gồm cả những người ở các thị trấn nhỏ, trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm", Saptarshi Ray, người đứng đầu sản phẩm tại Viralo, một nền tảng tiếp thị KOLs có trụ sở tại Bengaluru, cho biết.

Song, không mất nhiều thời gian để họ tìm ra những con đường khác. Một cuộc chiến khốc liệt đã xảy ra sau đó giữa những "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ và các startup trong nước để lấp đầy khoảng trống. Trong vòng một tuần sau lệnh cấm, Instagram của Meta tung ra Instagram Reels – ăn theo TikTok - ở Ấn Độ. Google giới thiệu dịch vụ video ngắn của riêng mình, YouTube Shorts.

Các lựa chọn thay thế cây nhà lá vườn như MX, Taka Tak và Moj cũng bắt đầu gia tăng độ phổ biến. Tuy nhiên, những startup địa phương nhanh chóng thất bại, không thể sánh được với tầm với và “hỏa lực” tài chính của các công ty Mỹ.

Trích dẫn những phát hiện độc lập từ công ty tư vấn Oxford Economics, người phát ngôn của Google cho biết "hệ sinh thái sáng tạo YouTube" đã đóng góp khoảng 2 tỷ USD cho nền kinh tế Ấn Độ vào năm 2022.

Theo Ray, những nhà sáng tạo nội dung Ấn Độ đã nhanh chóng chuyển tất cả nội dung cũ mà họ quay cho TikTok sang Instagram Reels và YouTube Shorts. "Một số người có ảnh hưởng đã tải lên 7 Reels mỗi ngày và đạt được 4 đến 5 triệu người đăng ký mỗi năm", ông nói.

Nhưng không phải ai cũng có thể xây dựng một lượng người theo dõi đáng kể trên các nền tảng này. "Nhiều người dùng và người sáng tạo đã rơi vào một không gian sâu thẳm, tối tăm sau lệnh cấm và một số vẫn chưa thoát ra khỏi không gian đó", Clyde Fernandes, CEO kiêm quản lý nghệ sĩ tại Opraahfx, một công ty quản lý và tiếp thị có ảnh hưởng cho biết. Ông nhận xét khả năng tiếp cận người theo dõi trên TikTok vẫn vượt trội so với bất kỳ nền tảng nào khác.

Các quan chức và nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã lên tiếng lo ngại Trung Quốc có thể buộc công ty mẹ ByteDance của TikTok bàn giao dữ liệu thu thập được từ người dùng Mỹ. Trong khi đó, các chuyên gia an ninh mạng cho rằng những lo ngại về an ninh quốc gia xung quanh TikTok phần lớn vẫn chỉ là giả thuyết.

Vivan Sharan, quản lý tại công ty tư vấn chính sách công nghệ Koan Advisory Group, không chắc về việc loại bỏ TikTok có ảnh hưởng đến bức tranh an ninh mạng không. Trừ khi người dùng thay đổi nhận thức về phần mềm trên điện thoại hay những gì họ tải xuống từ Internet, điều này khó có thể thay đổi, ông nói.

Về mặt nội dung và thông tin sai lệch, dù có hay không có TikTok, chúng ta vẫn phải vật lộn với các vấn đề nghiêm trọng như deepfake, ông Sharan nói thêm.

Theo Bình Giang

VOV

Trở lên trên