Một quyết định “cởi trói” doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT, một quy định từng gây khó doanh nghiệp (DN).
- 07-01-2017Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
- 17-11-2016Kiểm tra 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc
- 30-05-2016Doanh nghiệp xuất khẩu gạo kêu vướng Nghị định 109
Theo quyết định mới, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ. Việc bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện nêu trên đã đáp ứng được yêu cầu loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, tạo thuận lợi cho DN yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, điều này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân...
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra formaldehyde trong sản phẩm dệt may, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục dán nhãn năng lượng. Và đầu tháng 12.2016, Bộ Công Thương cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính, ra mắt Cổng dịch vụ công trực tuyến… đây là những thông điệp hướng về DN của Bộ Công thương đang được cộng đồng doanh nhân đón đợi. Bởi với một bộ quản lý các ngành kinh tế chiếm đến 80% GDP thì mỗi một chính sách của Bộ Công Thương đưa ra kịp thời, thông thoáng và phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của giới doanh nhân.
Tuy nhiên, những việc đổi mới của Bộ Công Thương so với những mong đợi của DN cần thông thoáng để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và làm giàu cho cá nhân cho đất nước... thì những bước thay đổi, cải cách nêu trên còn tiếp tục cải thiện hơn nữa. Cụ thể, ngành lúa gạo vẫn còn đó Nghị định 109 với các điều kiện về kho chứa và máy xát đang làm khó thương nhân. Ngành khí hóa lỏng, ngành xăng dầu vẫn còn những điều kiện về bồn chứa, cầu cảng nhập khẩu, số lượng đại lý, Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngành thuốc lá vẫn xin-cho hạn ngạch chứ chưa có cơ chế đấu giá...
Doanh nhân khi bước vào thương trường vẫn đang vô cùng bức xúc với hàng chục bản quy hoạch sản phẩm, dịch vụ như quy hoạch kho chứa và điểm bán lẻ xăng dầu, quy hoạch thép, quy hoạch rượu, bia, nước giải khát, quy hoạch kho chứa khí gas, quy hoạch sơn-mực in, quy hoạch phân phối thuốc lá thậm chí cả quy hoạch kho hàng, quy hoạch trung tâm logistics, quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, quy hoạch sản xuất cao su, quy hoạch gốm sứ thủy tinh, quy hoạch dệt may, da giầy, quy hoạch chế biến thực phẩm, quy hoạch ngành đúc, quy hoạch ngành nhựa, quy hoạch cơ điện tử, quy hoạch dầu thực vật, quy hoạch chế biến sữa, quy hoạch thiết bị chế biến nông sản,… đang cần sửa đổi, bãi bỏ để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN phát triển.
Cho đến bao giờ những loại điều kiện kinh doanh, những loại quy hoạch mới được xóa bỏ để mở quyền tự do sản xuất kinh doanh cho doanh nhân phát triển? Cộng đồng doanh nhân đang rất cần loại bỏ nhiều hơn nữa những loại giấy phép, nghị định, thông tư để tạo môi trường thông thoáng hơn cho DN phát triển.
Lao động