Một sản phẩm hương vị Việt Nam "làm mưa làm gió" trên thị trường Nhật Bản: Được bày ở chỗ đẹp nhất, khách "cứ thấy là mua"
Mì ăn liền hương vị nguyên gốc đang được người dân Nhật Bản ưa chuộng và chọn mua tại các cửa hàng thực phẩm lớn của cả nước. Xu hướng này đang giúp thúc đẩy doanh số bán hàng của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Nhu cầu tăng cao
Mì ăn liền, một loại thực phẩm nổi tiếng toàn cầu ra đời ở Nhật Bản cách đây hơn sáu thập kỷ, đang trở thành mặt hàng nhập khẩu được ưa chuộng ở nước này. Đáng chú ý, những hương vị Đông Nam Á đang được người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn mua nhiều hơn bao giờ hết.
Theo Nikkei Asia Review, xu hướng này bùng nổ trong thời kỳ đại dịch khi người Nhật không thể đi du lịch nước ngoài. Họ đã chọn những hương vị mì ăn liền của Việt Nam hoặc Thái Lan để nấu các bát mì tiện lợi trong vòng chưa đầy 5 phút.
Thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy nhập khẩu mì ăn liền của Nhật Bản từ các khu vực khác ở châu Á đạt khoảng 8,6 tỷ yên (57,6 triệu USD theo tỷ giá hiện hành) vào năm 2022, gấp 3,1 lần con số năm 2017.
Tại chợ thực phẩm châu Á ở quận Shin-Okubo, Tokyo, mì ăn liền có in chữ nước ngoài trên bao bì được đặt ở vị trí nổi bật gần lối vào. “Khoảng 80% khách hàng tới đây để mua mì ăn liền” , quản lý cửa hàng cho biết.
Một lượng lớn mì nhập khẩu đến từ Hàn Quốc, bao gồm cả món Shin Ramyun cay của Nongshim, nhưng các sản phẩm từ Đông Nam Á đang có mức tăng trưởng đáng kể.
Đáng chú ý, nhập khẩu từ Việt Nam đạt tổng cộng khoảng 500 triệu yên vào năm 2022, gấp 5,6 lần so với năm 2017. Nhập khẩu từ Thái Lan tăng gần gấp đôi lên 510 triệu Yên.
Nhận thấy xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, các công ty Nhật Bản sản xuất mì ăn liền ở nước ngoài cho các thị trường khác đã bắt đầu xuất khẩu trở lại Nhật Bản.
Xuất khẩu từ Việt Nam
Hãng Acecook đã vào thị trường Việt Nam từ năm 1993 và hiện là nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất tại đây với thị phần khoảng 40%. Năm 2018, công ty bắt đầu nhập khẩu và bán toàn bộ sản phẩm mì Hảo Hảo sản xuất tại Việt Nam cho thị trường Nhật Bản.
Công ty ban đầu nhắm đến tập khách hàng là người Việt Nam sống ở Nhật Bản, nhưng người tiêu dùng Nhật Bản cũng bắt đầu mua hàng. Đến năm 2022, doanh thu hàng năm đã tăng gấp 3 lần. Gần đây công ty nhận được nhiều yêu cầu từ các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu lớn.
Đại diện Acecook cho biết: “Nhu cầu đối với các món ăn chuẩn vị châu Á đang tăng lên thay vì các sản phẩm phù hợp với khẩu vị người Nhật”. Với thương hiệu Hảo Hảo, công ty sẽ bắt đầu nhập khẩu mì ăn liền vị Lẩu Thái vào tháng 11 tới.
Vào tháng 7 vừa qua, Nissin Foods đã tung ra thị trường một số lượng mì giới hạn do một chi nhánh ở Thái Lan sản xuất với hương vị như món Tom Yum. Đại diện chiến lược bán hàng của Nissin cho biết: “Chúng tôi lấy ý tưởng từ mì ăn liền của các nhà sản xuất Thái Lan mà chúng tôi thấy tại các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu hoặc trên các trang mua sắm trực tuyến ở Nhật Bản”.
Bắt đầu từ tháng 4, Ajinomoto đã tung ra thị trường Nhật Bản loại mì chỉ có thời gian giới hạn do công ty con ở Thái Lan bán. Các sản phẩm bao gồm mì hương vị Tom Yum dưới thương hiệu YumYum, chiếm hơn 20% thị phần mì ăn liền Thái Lan. Ajinomoto đang xem xét việc bán loại hàng này quanh năm tại Nhật Bản.
Những hạn chế trong đại dịch đối với việc ra ngoài ăn đã đẩy nhu cầu mì ăn liền toàn cầu lên mức kỷ lục 121,2 tỷ khẩu phần vào năm 2022 theo ước tính của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, tăng 2,6% so với năm 2021.
Thị trường Trung Quốc vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong ước tính năm 2022 của hiệp hội, tiếp theo là Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản.
Mì ăn liền được sản xuất lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1958. Momofuku Ando, người sáng lập Nissin Foods, nảy ra ý tưởng này khi đất nước này đang phải trải qua tình trạng thiếu lương thực sau Thế chiến thứ 2.
Công ty ra mắt sản phẩm mì cốc đầu tiên trên thế giới vào năm 1971. Khi có nhiều hương vị khác nhau phù hợp với từng thị trường, mì ăn liền đã lan rộng khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.
Tham khảo Asia Nikkei Review
Nhịp sống thị trường