Một sở 44 lãnh đạo: Hải Dương không phải là duy nhất
Nhân chuyện một sở có 44 lãnh đạo, TS Lê Minh Thông chia sẻ với Góc nhìn thẳng rằng, Hải Dương không phải là nơi duy nhất. Nếu thanh tra nghiêm túc, sẽ còn thấy nhiều nơi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên.
- 29-10-2016Sở toàn lãnh đạo: Sẽ thanh tra không chỉ ở Hải Dương
- 22-10-2016Chủ tịch tỉnh Hải Dương: Sở toàn sếp là chuyện rất lớn
- 18-10-2016Chuyện như đùa ở Hải Dương: Sở có 44/46 người là lãnh đạo
Tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính Nhà nước là chủ trương đã có từ lâu, nhưng hiệu quả ra sao vẫn còn là vấn đề đáng suy ngẫm.
Gần đây, chúng ta lại thấy chuyện một sở có 46 biên chế thì tới 44 người là lãnh đạo, chỉ có 2 nhân viên, hay ở Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra trước khi về hưu đã bổ nhiệm cán bộ ồ ạt, rồi chuyện lãnh đạo sở y tế tỉnh nọ tuyển dụng một lúc vài trăm nhân sự...Tất cả những hiện tượng này đã đặt ra vấn đề cấp thiết về công tác cải cách tổ chức cán bộ theo đúng hướng tinh giản biên chế, tinh gọn và hiệu quả.
Để làm rõ hơn về câu chuyện này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá XIII, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, Ban Tổ chức Trung ương. Hiện nay, ông là trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:
Thưa ông, có lẽ ông cũng đã biết câu chuyện ở Sở LĐTB&XH ở tỉnh Hải Dương, một sở 46 biên chế nhưng chỉ có 2 nhân viên và tới 44 người là lãnh đạo. Nhiều ý kiến đã phê phán hiện tượng này.
Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, với cơ cấu tổ chức ở sở này, 1 giám đốc, 2 phó giám đốc, gần chục phòng, với các trưởng phòng, phó phòng, cộng với các chức danh chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh nhiên.. thì số người làm lãnh đạo cũng lên tới 30. Như vậy, theo ông, bộ máy hành chính cồng kềnh như vậy có phải có phần lỗi ở công tác tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta hay còn vì lý do gì?
TS Lê Minh Thông: Đúng là lâu nay, chúng ta rất băn khoăn về câu chuyện ở Hải Dương. Có thể, chẳng cần phải bàn luận nhiều, ai cũng thấy rằng, đó là câu chuyện không bình thường trong một bộ máy hành chính Nhà nước.
Tôi cho rằng, nó không phải chỉ có 1 nguyên nhân do lãnh đạo ở Sở đó tuỳ tiện bổ nhiệm mà là hiện tượng của nhiều nguyên nhân, trong đó, có một nguyên nhân cấu trúc tổ chức bộ máy quản lý hành chính của chúng ta có vấn đề không ổn. Thứ hai là việc phân công chức năng, nhiệm vụ, chức trách trong nội bộ từng cơ quan, giữa các cơ quan với nhau có vấn đề không ổn.
Thứ ba là trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu cũng không ổn. Nhiều cái không ổn trong tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta đã tạo nên những hiện tượng bất bình thường như vậy.
Tôi nghĩ rằng, Hải Dương không phải là nơi duy nhất có hiện tượng như vậy. Chỉ có điều, chúng ta chưa phát hiện ra mà thôi. Nếu đi nghiên cứu kỹ, nếu thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra công vụ thì chắc chắn rằng, còn đâu đó cũng có hiện tượng quan chức nhiều hơn nhân viên và Hải Dương không phải là trường hợp đơn độc.
Thưa ông, không chỉ bổ nhiệm nhiều các chức danh chính thức, gần đây, một số cơ quan ban ngành hiện nay còn có những trường hợp bổ nhiệm cấp bậc nhưng không chịu trách nhiệm làm lãnh đạo, như hàm vụ trưởng, hàm vụ phó... nhưng công việc thực chất như chuyên viên.
Điều này không những làm tăng chi phí từ ngân sách mà còn gây điều tiếng nhiều trong nhân dân, ông thấy đây là việc làm đúng quy định hay tùy tiện?
TS Lê Minh Thông: Tôi nhớ tại diễn đàn Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã có giải thích, giải trình trước Quốc hội là không có văn bản pháp luật nào quy định các cơ quan tổ chức có chức vụ "hàm".
Nhưng có một nhu cầu thực tiễn là, nhiều cơ quan, đặc biệt là cơ quan trung ương khi xuống địa phương làm việc, để dễ làm việc, người ta trao cho ông một chức danh cụ thể để dễ tiếp cận, dễ được tôn trọng. Từ chuyện đó, cơ quan này làm được rồi cơ quan khác làm được nên trở thành hiện tượng phổ biến.
Và tôi cho rằng, xét trên phương diện quản lý hành chính thì đó cũng là chuyện không bình thường.
Ở đây, chúng ta có sự lẫn lộn giữa ngạch hành chính và chức vụ hành chính. Nếu không trao chức vụ hành chính thì dường như khó xử lý công việc. Đây là vấn đề cần phải thay đổi.
Chừng nào, chúng ta thiết kế một mô hình tổ chức bộ máy, trong đó, mỗi người có một việc cụ thể của mình, có trách nhiệm quyền hạn cụ thể của mình mà không cần thiết người đó phải nắm giữ vị trí lãnh đạo thì lúc đó, chúng ta sẽ có bộ máy tinh giản, hoạt động thông suất.
Năm nào chúng ta cũng đề cập đến việc tinh giản biên chế. Nhưng nhiều bộ ngành vẫn có những đề xuất nâng cấp từ vụ lên cục, từ cục lên tổng cục. Nhiều lãnh đạo đứng đầu bộ ban ngành nói rằng, do nhu cầu thực tiễn nên cần thành lập các bộ phận, phòng ban mới. Nỗ lực tinh giản biên chế bao nhiêu cũng không đủ cân bằng với nhu cầu phình to nhân sự cần có ở bộ phận mới này. Ông có thấy đây là ý kiến thỏa đáng?
TS Lê Minh Thông: Tôi cho rằng, cần phải phân biệt 2 hiện tượng, một là tăng biên chế trong khi cơ cấu bộ máy không thay đổi, hai là xuất hiện những cơ quan tổ chức mới. Trong đó, việc xuất hiện những cấu trúc tổ chức mới trong một cơ thì đương nhiên, phải tăng biên chế bổ sung. Hai chuyện này không thể nhầm lẫn với nhau được.
Vấn đề đặt ra chính là, tổ chức mới đó lập ra có hợp lý hay không? Cho nên tôi cho rằng, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc thành lập các tổ chức mới đó có thực sự cần thiết hay không? Hay là, xuất hiện lên, chia việc ra để tạo ra tổ chức mới thì đó là việc không lành mạnh.
Điều mà nhiều người dân quan tâm khi nói tới tinh giản biên chế là mỗi năm, chúng ta sẽ giảm được bao nhiêu biên chế? Chính phủ đã có Nghị định về vấn đề này và Bộ Chính trị còn đặt mục tiêu vào năm 2021, không làm tăng tổng biên chế. Ông đánh giá thế nào về việc giảm biên chế và làm sao để chúng ta thực hiện được mục tiêu tinh giản biên chế, vận hành bộ máy tinh gọn và hiệu quả?
TS Lê Minh Thông: Tôi cho rằng, hiện tượng tăng biên chế đột biến là khó phát hiện ra. Có thể nói, chưa thấy cơ quan nào báo cáo là tăng biên chế, còn giảm bao nhiêu thì con số đó phải tính. Không tăng nhưng ta lại không thấy giảm. Vấn đề đặt ra là cần có tư duy mới, phải xem, bộ máy Nhà nước có cần phải làm tất cả từng ấy việc hay không?
Theo xu hướng xã hội hoá một số dịch vụ công, bộ máy Nhà nước sẽ phải thu nhỏ lại. Nhà nước càng ôm đồm nhiều việc thì biết bao nhiêu biên chế cho đủ được?
Khía cạnh thứ hai là áp dụng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, tức là áp dụng công nghệ thông tin và quản trị quốc gia.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính trên phương diện tái cơ cấu lại chức năng, tái cơ cấu lại nhiệm vụ. Từ đó, Nhà nước chỉ làm những việc gì mà xã hội, công dân không làm được. Như vậy, bộ máy Nhà nước không có lý do gì tồn tại cồng kềnh như thế này, và cán bộ công chức, biên chế không có lý do gì lại đông như thế này, tự sẽ phải giảm, miễn là chúng ta quyết tâm giảm.
Vietnamnet