Một số đứa trẻ nhìn có vẻ thông minh nhưng thực chất lại 'lệch lạc", đặc biệt là 3 kiểu này
Cha mẹ cần nhanh chóng dạy dỗ lại trẻ.
- 11-10-2024Quá thông minh: Bị lạc ông nội, bé gái chạy vào cây ATM làm 1 hành động để tự cứu mình, ai nấy đều khen ngợi
- 25-09-2024Nỗi đau lớn nhất của cha mẹ là vô tình làm 3 điều sau khiến con kém thông minh hẳn so với bạn bè
- 16-09-2024Nếu ăn sáng như thế này, con bạn sẽ thông minh hơn, chiều cao tăng thêm 10cm và điểm số bứt phá
Các bậc cha mẹ luôn mong muốn nuôi dạy con cái thông minh, lanh lợi và tin rằng điều này sẽ giúp con cái thành công hơn trong tương lai. Tuy nhiên, cần phải nói rằng nếu sự thông minh của trẻ chỉ là "khôn vặt" thì sự phát triển của chúng có thể bị cản trở bởi chính sự khôn khéo này. Là cha mẹ, ngoài việc nuôi dưỡng con cái tốt, chúng ta cần hướng dẫn và dạy dỗ trẻ đúng đắn, để chúng biết sử dụng sự thông minh của mình vào những việc có ích.
Trẻ biết cách lấy lòng người lớn, cha mẹ tự hào khoe con thông minh, nhưng người có kinh nghiệm lại khuyên: “Đừng để thông minh hóa dại"
Trong một buổi gặp gỡ bạn bè, một bà mẹ rất vui vẻ chia sẻ về "sự khôn khéo" của con mình: "Mọi người đều nói là cha mẹ không nên thiên vị con cái, nhưng thật sự thì tôi vẫn thích đứa thứ hai hơn! Cả hai cùng mắc lỗi, nhưng đứa thứ hai biết nhìn mặt cha mẹ để xử lý tình huống, nhờ vậy mà nó ít bị phạt hơn. Thằng bé còn biết cách lấy lòng tôi và chồng tôi, so với tính cách bướng bỉnh của đứa lớn, thằng thứ hai thông minh hơn nhiều".
Khi nói về sự khác biệt giữa hai đứa con, bà mẹ này thẳng thắn thừa nhận: "IQ của đứa thứ hai cao hơn một chút, nó biết quan sát xung quanh từ khi còn nhỏ. Tương lai chắc không cần lo về EQ của nó nữa rồi. Dù cả hai đều do tôi sinh ra, nhưng đứa thứ hai đúng là dễ thương hơn".
Chị nói rất nhiều về con thứ hai, nhưng một người bạn cũng là phụ huynh hai con đã cau mày lại: "Con biết nhìn mặt cha mẹ để hành xử có phải thực sự là thông minh không? Tôi lại nghĩ đứa lớn nhà chị thông minh hơn, thằng bé có tác phong nghiêm túc, học hành chăm chỉ. Biết đâu sau này, nó sẽ thành công hơn đứa nhỏ đấy!".
Lời của bạn khiến chị khá bất ngờ, một lúc sau chị vẫn chưa biết phải đáp lại thế nào. Người bạn tiếp tục nói: "Trẻ con nào cũng có chút khôn vặt, nhưng cha mẹ phải biết hướng dẫn cho đúng. Nếu để sự thông minh hóa thành dại thì thật không tốt. Nhất là những cha mẹ có hai con, càng phải chú ý hơn!".
Lời nói của bạn rất thẳng thắn, khiến chị không biết làm sao để tranh luận. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ lại, chị cũng thấy rằng bạn mình nói đúng, những suy nghĩ trước đây của chị thực sự có phần hạn hẹp.
3 kiểu trẻ này trông có vẻ thông minh nhưng thực ra lại đi vào “đường tà”
- Thứ nhất: Phần lớn cha mẹ thích những đứa trẻ biết nhìn mặt đoán ý, cho rằng chúng linh hoạt và có EQ cao hơn. Nhưng thực tế, những đứa trẻ này quá sớm nắm bắt kỹ năng làm hài lòng người lớn, điều này khiến chúng ít có chính kiến riêng. Khi gặp vấn đề, chúng thường cố gắng đoán ý người lớn thay vì tự mình suy nghĩ.
- Thứ hai: Một số cha mẹ lại nghĩ rằng việc con chỉ đạo người khác làm việc là dấu hiệu của phẩm chất lãnh đạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thói quen "chỉ tay năm ngón" lại cản trở sự phát triển của trẻ. Trẻ có xu hướng ra lệnh cho người khác nhưng kỹ năng thực hành của bản thân lại kém, điều này cũng cho thấy sự thiếu hụt trong kỹ năng vận động. Lâu dần, trẻ có thể trở nên tự cao và thiếu khả năng tự lập.
- Thứ ba: Có những cha mẹ cho rằng việc con "giữ của" và "không chia sẻ" là khôn ngoan, nhưng thực tế, với trẻ lớn, việc không muốn chia sẻ là biểu hiện của sự ích kỷ. Với trẻ nhỏ hơn, việc không hiểu rõ ý nghĩa của chia sẻ có thể hiểu được, nhưng nếu trẻ lớn hơn mà vẫn không muốn chia sẻ, đó là dấu hiệu của tính cách quá chi li.
Khi dạy dỗ con, cha mẹ nên hướng dẫn như thế nào?
Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ nên cho con có quyền phát biểu và lựa chọn, giúp trẻ có thể tự mình đưa ra quyết định. Qua quá trình này, trẻ có thể tự đánh giá vấn đề thay vì chỉ quan sát biểu cảm của cha mẹ.
Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái nhưng điều này không có nghĩa là phải làm mọi thứ thay con. Cần rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự thực hiện để chúng hiểu giá trị của lao động. Nếu trẻ có thói quen chỉ đạo người khác, cha mẹ cần kịp thời điều chỉnh, dạy con tự làm việc của mình.
Trong quá trình phát triển của trẻ, việc rèn luyện đức tính cũng rất quan trọng. Sự khôn vặt, ích kỷ có thể trở thành rào cản trong sự phát triển của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần thay đổi những đặc điểm ích kỷ ở con, khuyến khích con chia sẻ và giúp đỡ người khác để con tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, từ đó khám phá thêm nhiều ý nghĩa mới mẻ.
Nếu cha mẹ có những giá trị đúng đắn, thì việc giáo dục và hướng dẫn con cái cũng sẽ đúng đắn. Nhưng nếu cha mẹ có những quan điểm sai lệch, họ có thể vô tình dẫn dắt sai con mình. Cha mẹ không nên tự hào về sự khôn vặt của con, vì lợi ích mà nó mang lại là rất hạn chế. Quan điểm giáo dục hẹp hòi không chỉ ảnh hưởng đến cách cha mẹ giáo dục mà còn cản trở sự phát triển tương lai của con cái.
Phụ nữ mới