Một số lưu ý khi xây dựng dự toán NSNN năm 2017
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 91/2016/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
- 05-07-2016UBGSTC: Nếu tăng trưởng 6,5%, bội chi ngân sách vượt dự toán 0,5%
- 02-07-2016Mới đạt 47% dự toán, thu ngân sách ở mức thấp so với 2 năm qua
- 08-01-2016Tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016
Trong Thông tư, Bộ Tài chính lưu ý thêm một số nội dung đặc biệt khi xây dựng dự toán NSNN năm 2017.
Trước hết, từ năm 2017, nhiệm vụ chi đặc biệt, chi trợ giá sẽ được bố trí trong các lĩnh vực chi ngân sách tương ứng, không còn là lĩnh vực chi riêng. Do đó, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có nhiệm vụ chi thuộc hai lĩnh vực này lập dự toán chi tiết và kèm theo thuyết minh cụ thể để Bộ Tài chính có cơ sở tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Bên cạnh đó, việc lập dự toán chi đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thuyết minh cụ thể các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở và hoạt động phục vụ quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền; các nhiệm vụ không thường xuyên khác của tổ chức khoa học và công nghệ được lập dự toán.
Về chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, Bộ Tài chính lưu ý việc thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán chi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, chính sách phụ cấp thâm niên ngành giáo dục, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,...
Trong vấn đề chi sự nghiệp y tế, Bộ Tài chính đề nghị thuyết minh cụ thể cơ sở tính toán nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện năm 2017 theo từng dự án, nhiệm vụ và các nguồn kinh phí để thực hiện; nhu cầu kinh phí NSNN phải đảm bảo chi trả tiền lương, chế độ phụ cấp đặc thù chưa kết cấu vào giá dịch vụ y tế, chế độ phụ cấp chống dịch theo quy định; dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn, kinh phí thanh tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm;...
Chi sự nghiệp kinh tế phải được xây dựng trên cơ sở khối lượng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và chế độ, định mức chi ngân sách quy định; tập trung bố trí chi cho những nhiệm vụ quan trọng như duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kinh tế trọng yếu (giao thông, thủy lợi,...) để tăng thời gian sử dụng và hiệu quả đầu tư; kinh phí thực hiện công tác quy hoạch; thực hiện nhiệm vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; nhiệm vụ phân giới cắm mốc biên giới; chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản;...
Dự toán chi quản lý hành chính cũng phải được thuyết minh rõ các nội dung về số biên chế năm 2017; xác định Quỹ tiền lương, phụ cấp theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng và cơ sở xây dựng dự toán các khoản chi đặc thù (cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi,...) năm 2017 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
Năm 2017 là năm thứ hai của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, là năm đầu triển khai Luật NSNN năm 2015 và cũng là năm đầu của thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020. Do đó, năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển.
Cũng vì thế, việc xây dựng dự toán NSNN phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Báo hải quan