MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một tài khoản định danh điện tử trên VNeID có thể đăng nhập trên nhiều thiết bị không?

26-09-2022 - 16:30 PM | Kinh tế số

Một tài khoản định danh điện tử trên VNeID có thể đăng nhập trên nhiều thiết bị không?

Tài khoản định danh điện tử được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) do Bộ Công an phát triển. Khi sử dụng VNeID, người dân cần chú ý một số điều để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử.

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có nhiều lợi ích, như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo khi đi làm thủ tục hành chính công, và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ công trực tuyến.

Tính đến hiện tại, ứng dụng VNEID yêu cầu thiết bị di động của công dân sử dụng hệ điều hành Android 5 hoặc iOS 9 trở lên. Ngoài ra, công dân nên sử dụng thiết bị có camera tốt, cấu hình thiết bị từ trung bình trở lên và đảm bảo kết nối Intemet để có trải nghiệm tốt nhất trong quá trình sử dụng VNEID.

Bên cạnh đó, một số điện thoại chỉ được đăng ký cho một cá nhân theo số Căn cước công dân để xác thực mã OTP. Vì thế, không thể dùng số điện thoại đã đăng ký cho tài khoản khác.

Theo quy định, tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm. Do vậy, công dân không thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm.

Các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNeID nên hacker khó truy cập vào thiết bị để đánh cắp thông tin. Chỉ khi công dân đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng. Khi cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân, trường hợp công dân phải cho phép (cấp quyền kiểm tra) thì cán bộ mới có thể xem được thông tin. Bên thứ 3 (ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công) muốn sử dụng dữ liệu của công dân sẽ phải được sự đồng ý của chủ tài khoản.

Ngoài ra, thông tin công dân sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ) và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh, xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật. Dữ liệu mã hóa cộng với giải pháp bảo mật ở mức độ cao, nên có thể ngăn ngừa hacker xâm nhập để đánh cắp thông tin cá nhân.

Anh Ngọc

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên