MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một tài nguyên cơ bản đang khiến các công ty lớn nhất thế giới đau đầu

04-07-2021 - 12:00 PM | Tài chính quốc tế

Một tài nguyên cơ bản đang khiến các công ty lớn nhất thế giới đau đầu

Nhiều công ty lớn hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đang tỏ ra khá quan ngại về chi phí, cũng như mức độ sẵn có của một tài nguyên cơ bản của thế giới: nước.

Với mức độ sẵn có lớn và chi phí thấp, nước thực sự không thu hút nhiều sự chú ý của con người cho tới khi nguồn tài nguyên này có xu hướng ngày càng cạn kiệt. Cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang xảy ra được coi là có rủi ro rất lớn đối với nguồn tài nguyên nước. Các chuyên gia phân tích cảnh báo ngay cả những doanh nghiệp với hoạt động kinh doanh ít có liên quan tới việc sử dụng nước cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng gián đoạn.

Giá nước đang gia tăng trên toàn cầu. Giá nước ngọt trung bình tăng tới 60% tại 30 thành phố lớn nhất Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2010 tới năm 2019, theo dữ liệu thu thập bởi Barclays, trong khi đó, giá các hợp đồng mua bán nước tương lai California Water Futures cũng “nhảy vọt” 300% vài năm trở lại đây.

Một tài nguyên cơ bản đang khiến các công ty lớn nhất thế giới đau đầu - Ảnh 1.

Đất khô nứt nẻ dọc bờ hồ Phoenix, Ross, bang California, Mỹ, hôm 21/4. Ảnh: Getty Images.

Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, lĩnh vực được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước những rủi ro về nguồn nước, có thể sẽ đối mặt với thiệt lại lên tới 200 tỷ USD, theo các chuyên gia phân tích.Theo kết quả một nghiên cứu công bố hôm 14/6, các chuyên gia phân tích của Barclays chỉ ra rằng tình trạng khan hiếm nước “đang là vấn đề môi trường quan trọng nhất” đối với lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, chuyên sản xuất nhiều loại mặt hàng từ thực phẩm, đồ uống, cho tới các sản phẩm nông nghiệp và thuốc lá.

Lý do là ngành sản xuất ngày có sự phụ thuộc lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp, vốn rất nhạy cảm đối với sự biến động của giá nước cũng như những rủi ro vận hành, trong đó bao gồm sự gián đoạn gây ra bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và lũ lụt, và những rắc rối pháp lý liên quan tới vấn đề ô nhiễm môi trường.

Barclays chỉ ra rằng những bình luận có liên quan tới chủ đề nước trong các doanh nghiệp trong năm 2020 tăng 43% so với năm 2019. Điều này phản ánh thực tế rằng mức độ quan tâm về các rủi ro liên quan tới nước sạch và vệ sinh môi trường trong các doanh nghiệp đang dần được nâng cao.

Các nhà đầu tư bền vững, trong khi đó, dường như lại đang dành sự ưu tiên cho những vấn đề môi trường khác. “Những cuộc thảo luận gần đây của chúng tôi với các nhà đầu tư cho thấy rằng nhiều người, thay vào đó, lại đang quan tâm tới những ảnh hưởng tiềm tàng của tình trạng tăng giá carbon”, theo các chuyên gia phân tích của Barclays.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những ảnh hưởng tài chính của tình trạng khan hiếm nước thậm chí lớn hơn gấp 3 lần so với những rủi ro về tăng giá carbon.

Cái giá nếu không hành động

“Tình trạng khan hiếm nước là đáng lưu tâm vì khi nguồn tài nguyên này cạn kiệt, bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề thực sự nghiêm trọng”, theo Beth Burks, giám đốc phụ trách tài chính bền vững tại S&P Global Ratings.

“Nguồn tài nguyên này phải được quản lý chặt chẽ và thận trọng. Bạn không thường xuyên bắt gặp những dấu hiệu cảnh báo in ấn trên bao bì các sản phẩm nhằm giúp chúng ta có thể thay đổi nhận thức về tài nguyên nước”. bà chia sẻ.

Giá nước không phản ánh mức độ khan hiếm của nước, vì nước được sử dụng với chi phí rất thấp hoặc thậm chí miễn phí. Tuy nhiên, mức độ có sẵn có của tài nguyên nước lại có vai trò quan trọng đối với nhiều lĩnh vực kinh tế, và các chuyên gia phân tích tại Barclays đã chỉ ra rằng đợt tăng giá nước gần đây nhất bắt nguồn từ ý thức về sự khan hiếm của loại tài nguyên này.

Barclays ước tính “chi phí thực” của nước lớn hơn từ 3 tới 5 lần mức giá mà các doanh nghiệp đang chi ra cho mặt hàng này. Đó là khi các chi phí trực tiếp và gián tiếp của tình trạng thiết hụt nước sạch và các rủi ro khác được tính tới.

Một tài nguyên cơ bản đang khiến các công ty lớn nhất thế giới đau đầu - Ảnh 2.

Tàu chở hàng trên sông Rhine, Đức, ngày 13/11/2018. Ảnh: Getty Images.


Việc giải quyết vấn đề thông qua công tác quản lý nước chủ động sẽ tiêu tốn của lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu khoảng 11 tỷ USD, Barclays ước tính. Nhưng cái giá của việc không hành động sẽ cao hơn đến 18 lần.


Sự phụ thuộc lớn vào lĩnh vực nông nghiệp được chỉ ra là “yếu tố chính” gây ra những rủi ro tài chính từ thực trạng khan hiếm nước, với các doanh nghiệp nông nghiệp như ABF và Tyson có thể đối mặt với sự giảm sút tới 22% lợi nhuận trước thuế, theo ngân hàng này.

Ông lớn hàng tiêu dùng toàn cầu Unilever, tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng Colgate, và công ty chuyên sản xuất sản phẩm vệ sinh Reckitt Benckiser được dự báo phải chứng kiến lợi nhuận trước thuế  giảm tới 40%-50%, thâm chí đó là trong viễn cảnh “nhẹ nhàng” nhất mà Barclay đã tính tới.

Reckitt Benckiser cho biết công ty đã lên kế hoạch “chủ động nước” tại những khu vực khan hiếm trong tầm nhìn tới năm 2030. Công ty này cũng đã khởi động các “phiên thảo luận” với những bên có quyền lợi và lợi ích liên quan nhằm lắng nghe và trao đổi về chủ đề biến đổi khí hậu và rủi ro nguồn nước.

“Chúng tôi nhìn thấy rõ những tác động của sự thiếu hụt nguồn nước đối với cuộc sống, sức khỏe của con người, và với cả chính hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, người đại diện của Reckitt Benckiser chia sẻ.

“Đó là lý do tại sao, thông qua các sản phẩm của mình, chúng tôi đã nâng cao khả năng tiếp cận với nước sạch cũng như các biện pháp vệ sinh phù hợp đối với người dân tại các khu vực khan hiếm nguồn tài nguyên quý giá này như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh”, ông bổ sung.

Unilever và Colgate đã không phản hồi yêu cầu bình luận từ CNBC.

Rủi ro vật lý, danh tiếng và pháp luật

S&P Global Ratings cho biết trong khi khan hiếm nước “chưa” có những ảnh hưởng trực tiếp lên mức độ đánh giá tín dụng của một doanh nghiệp, vấn đề này có thể có những tác động “khó thấy” hơn.

Những rủi ro đó có thể là những rủi ro vật lý, danh tiếng và pháp lý.

Ví dụ, tại Đức, các tàu chở hàng trên sông Rhine, một trong những luồng vận tải thủy đông đúc nhất châu Âu, phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới việc bốc, dỡ và vận chuyển hàng hóa trong năm 2018, nguyên nhân xuất phát từ việc mực nước sông luôn ở mức thấp. Điều đó khiến cho quá trình sản xuất rơi vào tình trạng đình trệ tại một vài địa điểm, dẫn tới sự gia tăng của chi phí sản xuất và sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng tại một vài trung tâm sản xuất lớn của châu lục này.

Constellation Brands tại Mexico và Coca-Cola tại Ấn Độ buộc phải dừng kế hoạch xây dựng các nhà máy mới trong một vài năm trở lại đây. Những dự án đó buộc phải dừng lại sau khi nhiều người dân lên tiếng phản đối vì khối lượng nước khổng lồ mà các nhà máy này sử dụng nếu đi vào sản xuất.

Các khoản tiền phạt liên quan tới tình trạng ô nhiễm nguồn nước cũng ngày một tăng cao, theo các chuyên gia từ Barclays.

"Tôi cho rằng giá nước sẽ không tăng quá mạnh vì liên quan tới những vấn đề xã hội. Do đó, phương pháp mà chúng ta có thể nhìn ra những chi phí ẩn của tình trạng khan hiếm nước sẽ được dựa trên chi phí tìm kiếm những nguồn nước thay thế nếu như nguồn nước của chính bạn không còn đủ để cho bạn sử dụng”, Burks cho biết.

“Nếu như bạn phải lắp đường ống nước từ rất xa, nếu bạn phải lắp đặt hệ thống khử muối để gia tăng lượng nước ngọt sử dụng, tất cả những điều đó sẽ khiến cho chí phí cơ sở hạ tầng và chi phí năng lượng tăng lên”, bà bổ sung.

Theo Trọng Đại

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên