MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một thành phố chi hơn 1.500 tỷ xây hầm gửi xe đạp dưới nước: Mục đích là để người dân 'bỏ' dần ô tô

31-01-2023 - 06:32 AM | Tài chính quốc tế

Hàng nghìn chiếc xe đạp xếp chất đống gần nhà gà chính ở Amsterdam.

Hàng nghìn chiếc xe đạp xếp chất đống gần nhà gà chính ở Amsterdam.

Nhà gửi xe dưới nước có sức chứa đến 7.000 chiếc xe đạp, song đây vẫn chưa phải cơ sở gửi xe đạp lớn nhất quốc gia này.


Dù rất nổi tiếng về cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp, nhưng gara xe đạp mới khai trương ở Amsterdam (Hà Lan) lại cho thấy “nỗi ám ảnh” về loại phương tiện này đã lên “tầm cao mới”.

Cơ sở của gara trung tâm Amsterdam có khả năng chứa đến 7.000 chiếc xe đạp và được xây dựng với chi phí 60 triệu euro (65,3 triệu USD). Dù đây không phải nơi chứa xe đạp lớn nhất Hà Lan, nhưng căn hầm này có điểm đặc biệt là nằm hoàn toàn dưới nước.

Nhà để xe này nằm trong kế hoạch cải tạo quy mô lớn tại khu vực cực kỳ đông đúc nằm phía trước ga tàu chính của thành phố là Amsterdam Centraal. Được người dân địa phương gọi là De Entree (vì hành khách di chuyển bằng đường thuỷ sau đó chuyển sang tàu để đi vào thành phố), không gian bên cạnh bến cảng của thành phố này bắt đầu đại tu từ năm 2017. Trên mặt đất, không gian dành cho ô tô nay thay thế bằng khu dành cho người đi bộ và xe đạp. Một số tuyến đường đi qua cũng được dỡ bỏ để mang lại nhiều không gian hơn cho khu hầm dưới nước.

Khác với những thay đổi ở thế kỷ 20, khu vực cảng hiện bao quanh toàn bộ nhà ga trung tâm vốn được xây dựng trên các đảo nhân tạo. Trong khi đó, dưới lòng đất, khu vực này đã có thêm một ga tàu điện ngầm mới, được khai trương vào năm 2018. Còn nhà để xe đạp mới là phần cuối cùng của kế hoạch đại tu này.

Trong quá trình xây dựng hầm xe đạp, các kỹ sư phải chặn lối vào của dòng nước từ Cảng Amsterdam và loại bỏ hoàn toàn nước trong đó. Các lớp cát được nạo vét, sau đó hầm được gia cố bằng những bức tường bê tông. Sàn của nhà để xe được xây dựng thêm rất nhiều cột để chống đỡ cho trần nhà, giúp nước không thể tràn vào hầm. Trong suốt quá trình kéo dài 4 năm này, các tuyến đường từ thành phố đến nhà ga - nơi có 200.000 hành khách đi đường sắt và tàu điện ngầm hàng ngày, vẫn hoạt động bình thường.

Video tua nhanh về quá trình xây dựng hầm xe đạp ở Amsterdam.

Đầu tư nhiều công sức và tiền bạc như vậy vào một nhà để xe đạp có thể sẽ khiến đây là một công trình ấn tượng trên thế giới, nhưng ở Hà Lan thì không. Các nhà để xe đạp lớn dưới lòng đất tại các trạm trung chuyển ngày càng phổ biến trên khắp cả nước. Gara lớn nhất có sức chứa hơn 12.000 xe 2 bánh nằm ở thành phố lớn thứ 4 Hà Lan là Utrecht, nơi xe đạp chiếm tới 51% phương tiện di chuyển cá nhân.

Các gara này được xây dựng nhiều ở Hà Lan vì quốc gia này đang tập trung vào một mục tiêu đó là, tạo điều kiện cho việc đi lại mà không sử dụng ô tô bằng cách kết nối giữa cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và giao thông đường sắt một cách liền mạch nhất có thể.

Meredith Glaser - giám đốc điều hành của Urban Cycling Institute, cho hay: “Dữ liệu từ Amsterdam và các khu đô thị của Hà Lan cho thấy có nhiều cách để giảm tải hoạt động di chuyển của ô tô bằng cách tập trung vào xe đạp. Để giảm sự phụ thuộc vào ô tô, bạn cần có xe đạp song song với hệ thống giao thông công cộng có tần suất, công suất và hiệu quả cao.”

Bằng cách tạo điều kiện cho việc đỗ xe và cất giữ xe đạp một cách an toàn ở các nhà ga, Amsterdam đang khuyến khích nhiều người di chuyển bằng tàu hơn, cho cả mục đích di chuyển hàng ngày cho đến các chuyến đi xa hơn khỏi thành phố. Chi phí di chuyển thấp cũng giúp nỗ lực này được đón nhận nhiều hơn. Người dân có thể gửi xe trong gara miễn phí trong 24 giờ đầu tiên và trả 1,35 euro vào mỗi ngày sau đó.

Ngoài ra, các hầm để xe đạp của Hà Lan còn có một vai trò quan trọng khác, đó là giúp tình trạng các phương tiện đỗ trên đường không tràn lan ở các thành phố. Amsterdam vốn nổi tiếng với hình ảnh xe đạp đỗ kín vỉa hè, khiến không gian di chuyển trở nên đông đúc và lộn xộn.

Bởi vậy, dù chi 60 triệu euro để xây nhà để xe đạp dưới nước có vẻ là tốn kém và bất khả thi với nhiều thành phố, thì ở Amsterdam, số tiền này lại là một khoản đầu tư cơ sở hạ tầng hợp lý. Glaser cho hay: “Khoản tiền này thấp hơn đáng kể so với việc mở rộng đường cao tốc, đó là chưa kể đến chi phí y tế cộng đồng xã hội do tắc nghẽn, va chạm ô tô và sự phụ thuộc vào ‘xe 4 bánh’.”

Tham khảo Bloomberg 

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên